Dự án đường dây 220kV Bắc Giang-Lạng Sơn được khởi công từ tháng 12/2017 và theo kế hoạch sẽ hoàn thành vào quý 4/2022.
Đã 5 năm trôi qua nhưng đến nay, việc triển khai thi công dự án vẫn còn nhiều khó khăn do vướng đền bù giải phóng mặt bằng. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến việc đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phụ tải sinh hoạt, sản xuất của tỉnh Lạng Sơn và khu vực lân cận mà còn giảm độ an toàn, tin cậy trong cung cấp điện khu vực miền Bắc.
5 năm chưa xong mặt bằng
Dự án đường dây 220 kV Bắc Giang-Lạng Sơn với tổng vốn đầu tư hơn 816 tỷ đồng, gồm xây dựng mới đường dây 220kV, chiều dài tuyến 101,6km, từ trạm biến áp 220kV Bắc Giang hiện có đến trạm biến 220kV Lạng Sơn xây dựng mới; xây dựng mới 2 ngăn lộ 220 kV tại trạm biến áp 220kV Bắc Giang và nhà quản lý vận hành đường dây Lạng Sơn.
Theo Ban quản lý dự án các công trình điện miền Trung (CPMB - chủ đầu tư dự án), hiện các địa phương đã bàn giao mặt bằng móng 233/236 vị trí; bàn giao hành lang tuyến 152/236 khoảng cột (48/80 khoảng néo).
Về công tác thi công, phần đường dây 220kV đã đào đúc móng 232/236 vị trí; dựng cột 223/236 vị trí; kéo dây 28/80 khoảng néo.
Đáng chú ý, việc bồi thường giải phóng mặt bằng tại các vị trí còn lại gặp khó khăn, nhiều đoạn tuyến phải điều chỉnh thiết kế do ảnh hưởng chồng lấn với đường cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn; việc xác định, xét duyệt nguồn gốc đất cho các hộ dân để thực hiện thu hồi, bồi thường giải phóng mặt bằng; thủ tục xây dựng, thẩm định phê duyệt giá đất cụ thể để lập phương án bồi thường mất nhiều thời gian.
Đặc biệt, nhiều hộ dân chưa đồng thuận với quy định về bồi thường. Hầu hết các hộ dân có nhà, công trình bị ảnh hưởng trong hành lang tuyến không đồng ý nhận tiền và bàn giao mặt bằng, với lý do không yên tâm chung sống trong hành lang tuyến điện cao thế, ảnh hưởng đến vấn đề sức khỏe và đề nghị được bồi thường, bố trí tái định cư để di dời ra ngoài hành lang.
Bên cạnh đó, sự hỗ trợ của các cấp chính quyền trong việc phê duyệt các thủ tục bồi thường giải phóng mặt bằng, bố trí nhân lực, thời gian để thực hiện giải phóng mặt bằng, nhất là thuyết phục người dân chấp hành chính sách pháp luật về bồi thường trong một số thời điểm chưa đáp ứng yêu cầu.
[Vì sao các dự án điện trọng điểm chậm tiến độ?]
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Công ty Điện lực Licogi 16 - đơn vị thi công dự án cho biết: "Chúng tôi nhận thi công cách đây 5 năm và khi đó thành phố Lạng Sơn bị cắt điện luân phiên. Với việc thiếu điện như vậy cũng như đây là trạm biến áp 220 kV đầu tiên của tỉnh, hy vọng thành phố sẽ tạo thuận lợi, ủng hộ công tác giải phóng mặt bằng để thi công. Thực chất khi làm chưa thấy ở đâu khó như ở đây, suốt 5 năm mà bây giờ vẫn đang thực hiện giải phóng mặt bằng, chưa đâu vào đâu cả..."
Ông Hùng cho biết thêm đơn cử như thi công móng cột, kéo dây, đến nay địa phương chưa bàn giao mặt bằng. Mặc dù có 33 khoảng kéo dây nhưng hiện mới giao được 11 khoảng và những khoảng đó vẫn còn những sai sót, chưa hoàn thiện.
Ông Hùng hy vọng thời gian tới, các địa phương sẽ tập trung triển khai giải phóng mặt bằng để các đơn vị thi công có mặt bằng xây dựng.
Ông Nguyễn Mạnh Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thái Bình Dương - đơn vị thi công dự án - cho hay trên toàn tuyến đường dây, nhiều đoạn giao chéo người dân chưa đồng tình trong giải phóng mặt bằng. Thời gian tới, các địa phương và chủ đầu tư cần giải quyết vấn đề này nhanh chóng, còn công ty sẽ huy động tối đa nhân lực đẩy nhanh tiến độ dự án.
"Công trình này đã kéo dài 5 năm, giá vật tư đến nay tăng rất nhiều nhưng vì lợi ích chung, chúng tôi khắc phục và quyết tâm hoàn thành dự án. Dù biết là lỗ nhưng vẫn phải làm. Chúng tôi cam kết tăng cường tối đa nhân lực, với 170 công nhân, chia thành 9 tổ thi công," ông Hải bộc bạch.
Đẩy nhanh tiến độ
Để tăng cường công suất cho địa phương và khu vực lân cận; đồng thời, tạo mối liên kết lưới truyền tải, góp phần giải tỏa công suất các nguồn điện trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đấu nối vào hệ thống điện quốc gia, ngày 19/10, Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung đã cùng các nhà thầu thi công, tư vấn giám sát… ký cam kết chiến dịch thi công nước rút trong 60 ngày đêm (từ ngày 17/10-15/12/2022) xây dựng dự án đường dây 220kV Bắc Giang-Lạng Sơn, quyết tâm hoàn thành và đóng điện dự án ngày 15/12/2022.
Theo ông Nguyễn Văn Tình, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án các công trình điện miền Trung, dự án 220 kV Bắc Giang-Lạng Sơn vay vốn ODA của Ngân hàng Tái thiết Đức (kfW), hiện dự án đã gia hạn giải ngân 2 lần và cần hoàn thành các thủ tục nghiệm thu trước ngày 31/12/2022.
Do đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPTT) cùng các nhà thầu đặt mục tiêu hoàn thành dự án vào ngày 15/12/2022, còn 15 ngày để hoàn thiện các thủ tục, đảm bảo giải ngân vốn.
Liên quan đến vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, Ban quản lý dự án sẽ tích cực làm việc với địa phương để tuyên truyền vận động người dân. Nếu người dân không đồng thuận, các địa phương cũng đặt vấn đề sẽ có lực lượng bảo vệ thi công, đảm bảo đúng tiến độ đề ra.
"Vừa rồi, các tỉnh đã vào cuộc rất quyết liệt và CPMB cũng đồng hành với địa phương giải quyết vướng mắc, tháo gỡ mặt bằng bàn giao cho nhà thầu thi công để hoàn thiện dự án," ông Nguyễn Văn Tình chia sẻ.
Tuyến 220kV Bắc Giang-Lạng Sơn tại Bắc Giang có 31 vị trí chân cột, hiện đã hoàn tất việc giải phóng mặt bằng, bàn giao cho chủ đầu tư. Liên quan đến hành lang tuyến, có 110 hộ thì vướng mắc liên quan đến 2 khoảng cột với 5 hộ dân.
Ông Giáp Văn Ơn, Phó Chủ tịch huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang cho hay chủ đầu tư dù ở miền Trung nhưng đã cử cán bộ thường xuyên có mặt phối hợp với địa phương tuyên truyền, tháo gỡ vướng mắc và bồi thường giải phóng mặt bằng cho người dân.
Đối với 5 hộ dân trên địa bàn xã Bảo Sơn, huyện đang rà soát hồ sơ pháp lý, nếu các hộ dân tiếp tục không đồng thuận thì lực lượng chức năng sẽ tiến hành bảo vệ thi công theo đúng quy định pháp luật vào đầu tháng 11/2022 để triển khai dự án.
"Chúng tôi tiếp tục thực hiện các thủ tục pháp lý, phương án đã phê duyệt và tuyên truyền vận động nhưng các hộ vẫn chưa đồng thuận. Huyện tập trung cao độ và cam kết sẽ giải quyết xong, đảm bảo mặt bằng cho đơn vị thi công hoàn thành dự án đúng tiến độ," ông Ơn nói.
Trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, ông Phạm Văn Hoàn, Phó giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Hữu Lũng, cho biết huyện có 68 vị trí móng cột và đã bàn giao được 66 vị trí, còn 2 vị trí liên quan quy hoạch đất chưa bàn giao được cho chủ đầu tư. Huyện đang xin ý kiến chỉ đạo của tỉnh và dự kiến trong tháng 11 sẽ hoàn tất việc bàn giao.
Đối với hành lang tuyến, địa bàn huyện có trên 500 hộ dân bị ảnh hưởng và đã bàn giao được 19/27 khoảng néo. Dự kiến trong tháng 10 này, huyện nỗ lực bàn giao toàn bộ khoảng néo cho chủ đầu tư để kéo dây.
"Chủ đầu tư luôn phối hợp với huyện trong tuyên truyền cơ chế chính sách, ý nghĩa của dự án và cơ bản người dân đồng thuận. Tuy nhiên, còn một số hộ chưa thống nhất việc xây dựng dự án. Theo chỉ đạo của tỉnh, trường hợp nào đã tuyên truyền, tính toán đền bù đầy đủ mà người dân vẫn không đồng thuận thì sẽ thực hiện cưỡng chế, bảo vệ thi công. Đến hết ngày 4/11, chúng tôi sẽ bàn giao hết mặt bằng cho chủ đầu tư," ông Phạm Văn Hoàn nói.
Thông tin từ CPMB cho hay để đảm bảo tiến độ dự án, đơn vị cùng nhà thầu thi công, tư vấn giám sát sẽ thành lập tổ công tác thường xuyên trao đổi, lập tiến độ chi tiết các công việc chưa hoàn thành, bám sát công trường để đôn đốc giám sát, kịp thời giải quyết những vướng mắc phát sinh, bàn giao mặt bằng các vị trí móng còn lại và hành lang tuyến theo kế hoạch cho các nhà thầu xây lắp.
"Chúng tôi tập trung nhân lực, có mặt bằng đến đâu làm nhanh đến đó, sau đó tiến hành nghiệm thu. Do vậy, lãnh đạo các đơn vị thi công cần thường xuyên có mặt trên công trường để chỉ đạo điều hành và xử lý các vướng mắc; huy động mọi nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thi công đáp ứng các mốc tiến độ theo cam kết đề ra," ông Nguyễn Văn Tình cho hay./.