Cụ Nguyễn Văn Kỉnh, người làng Kim Thái móm mém cười khi đột nhiên có khách hỏi về những tên gọi khác của phiên chợ Viềng phố Phủ. Cụ bảo, ngoài tên chính danh, phiên chợ ấy còn được người dân bản xứ gọi bằng nhiều cách như: Chợ người âm, chợ tiên du, chợ Hổ…. Phiên chợ cõi âm Nói về lai lịch cái tên chợ người âm, cụ Kỉnh cho biết: “Chợ Viềng trước kia đông nhất là vào buổi nửa đêm tảng sáng. Khi ấy còn chưa có đèn điện như bây giờ. Người bán phải soi hàng bằng đèn dầu hay đèn măng xông. Khách mua cũng phải ‘lọ mọ’ trong thứ ánh sáng leo lét ấy mà chọn đồ.” Đứng từ trên đỉnh ngọn núi Ngăm gần đó nhìn xuống, cả phiên chợ chỉ là một dải những đốm lửa chập chờn lúc mờ, lúc rạng. Từ đó, người dân đã vui miệng gán cho chợ Viềng cái danh phiên chợ của người âm. “Ấy vậy mà ngày càng có nhiều khách thập phương muốn hóa thành người âm, hưởng không khí âm và mua được một vài món đồ từ phiên chợ âm ấy,” cụ Kỉnh hóm hỉnh bảo. Ngay từ 4 giờ chiều ngày mùng 7, từ khắp các ngả đường dẫn vào chợ, xe cộ đã rầm rập kéo về. Kẻ Thanh Hóa, Ninh Bình người Thái Bình, Hà Nội… Chỉ trong chốc lát, chợ đã nêm kín người. Chen chúc trong đám đông ồn ã, anh Nguyễn Văn Thưởng (Thanh Hóa) cho hay: “Chợ Viềng mỗi năm chỉ có một phiên, nên dù xa nhưng tôi vẫn phải về cầu may cho cả năm”. Thậm chí, xen lẫn trong rừng xe xếp la liệt trên các bãi xung quanh chợ còn có cả những xe đến từ Lai Châu, Điện Biên, Yên Bái. Cho đến khoảng 9 giờ tối, những ngả đường chính dẫn vào chợ đã rơi vào tình trạng “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Để được làm người âm trong phiên chợ Viềng, nhiều người đã cởi cả giày để lội qua ruộng hay thuê cánh xe ôm dẫn vào qua các đường làng nhỏ hẹp. Càng về khuya, chợ càng náo nhiệt. Những người bán cây từ tận Nam Điền, Mỹ Lộc (Nam Định) ngồi co ro sau rừng cây, vườn cây nhỏ xíu của mình. Mỗi khi có khách, họ vội vã rọi ánh đèn pin loang loáng cho khách lạ “ngắm” cây và ngã giá. Đây đó thưa thớt xuất hiện những cây đèn măng xông, đèn dầu… cũ kỹ leo lét cháy bên những ván cờ thế dang dở hay một phản thịt bò còn nguyên con. Người vào chợ, mặc kệ đủ thứ tiếng ồn ào, mặc kệ kẻ đẩy, người chen, cứ theo thứ ánh sáng yếu ớt ấy mà đi tìm những món đồ mình tâm đắc. Một điều trùng hợp khá thú vị khác là chợ Viềng Phủ năm Canh Dần lại được mở trên khu vực đất của một chợ quê cũng mang tên Hổ, chợ Dần. Điều này càng khiến cho du khách kéo về chợ đông hơn. Náo nức thức trắng đêm dù mua hàng giả Nửa đêm, chợ bước vào giờ cao điểm. Khu vực bán cây và nông cụ cũng trở nên đông đúc hơn bao giờ hết. Lúc này, cả người mua và người bán đều phải lọ mọ chọn hàng, ngã giá và trao đổi dưới ánh đèn pin loang loáng sáng. Những sạp cây mới hồi chiều còn bị chê thế xấu, lá héo… đến giờ đã nườm nượp người ra vào. Trong ánh sáng mờ tỏ, khách đã dễ tính đi nhiều và chủ yếu chỉ còn chọn hàng theo cảm tính. Chỉ tay vào một gốc sung già lúc lỉu quả được chủ sạp ngã giá 500.000 đồng, anh Lâm, người làng cây cảnh Nam Điền cho hay: Hầu hết quả anh nhìn thấy đều là được gắn vào thân bằng keo 502. “Loại sung cảnh này khi vận chuyển, quả rất dễ rụng. Người bán dùng keo đính lại quả, sau đó phủ lên trên một lớp mùn cưa ẩm. Khách hàng sẽ không thể nhận ra được điều này nếu không phải là người trong nghề,” anh Lâm nói. Để chắc ăn, nhiều người đã chọn mua những loại cây bình thường như: chanh, bưởi, trúc… với giá chỉ trên dưới 50.000 đồng. Thậm chí, ngay cả những đồ gốm sứ bình thường, nhưng khi đã vào đến chợ, ngay lập tức cũng được người bán thổi giá lên rất cao. Một cặp ang da lươn bình thường có tuổi đời chỉ vài năm được người chủ hàng nọ chào bán là ang cổ của… Tàu với giá 2 triệu đồng. Cặp bình men rạn cao với những cái tên mỹ miều như Song Phúc, Song Môn… cũng được treo giá trên 5 triệu đồng. Đắt đỏ là vậy, nhưng khách vẫn cứ đông. Và nếu khéo mặc cả, cặp ang nọ có thể được trao tay với chỉ… vài trăm ngàn. “Thật hay giả không quan trọng, tôi chỉ cần có được một món đồ ưa thích để lấy may cho cả năm,” một người mua khẳng định. Đặc biệt nhất, đến với chợ Viềng, khách sẽ có cơ hội được thấy người dân bản xứ mổ trâu, bò ngay bên hông những ngôi nhà. Thịt xẻ ra vẫn còn nóng hổi mùi rơm thui được bày kín những phản, những sạp quanh khu vực chợ. Có người chơi sang, bày bò nguyên con, “ngạo nghễ” nhe răng… cười cùng du khách. Người tới chợ xúm lại hỏi mua, sờ đầu và… chụp ảnh. Nhìn phiên chợ ngày càng huyên náo hơn, cụ Kỉnh bảo: Dù chợ Viềng đã đổi thay nhiều, thật giả lẫn lộn nhưng cái quý là vẫn thu hút được du khách. Và khách, họ vẫn cứ rất hài lòng vì đã được một lần hóa thân vào phiên chợ âm dương hiếm hoi của xứ Bắc./.
Ít người biết rõ ở Nam Định có đến 4 chợ Viềng mà chợ nào mỗi năm cũng chỉ họp một phiên duy nhất vào đêm mồng 7 tới mờ sáng mồng 8 tết ta: Chợ Viềng Nam Trực thờ Từ Đạo Hạnh nằm cạnh chùa Bi; chợ Viềng Liễu Đề trong khu vực đền thờ Triệu Quang Phục; chợ Viềng Mỹ Lộc cạnh đền Trần và chợ Viềng Vụ Bản liền kề với phủ Dầy. Trong đó, đông vui và được người tứ xứ chen chân đến nhiều nhất là chợ Viềng phủ Dầy hay chợ âm phủ. |
Sơn Bách - Nguyễn Hà (Vietnam+)