Dù chưa thể "vươn vòi bạch tuộc" đến nhiều hòn đảo xa xôi ở Thái Bình Dương, song dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã để lại hậu quả nặng nề, làm gián đoạn chuỗi cung ứng nhập khẩu thực phẩm quan trọng, đẩy giá cả leo thang trong khi du lịch suy yếu tại nhiều nước trong khu vực.
Bị cô lập về mặt địa lý với diện tích đất canh tác hạn chế và tốc độ đô thị hóa gia tăng, nhiều quốc đảo và vùng lãnh thổ ở Thái Bình Dương đã chứng kiến tình trạng người dân chuyển từ nông nghiệp truyền thống sang du lịch.
Xu hướng này đã tạo ra sự phụ thuộc ngày càng tăng vào nguồn thực phẩm nhập khẩu như thịt bò, mỳ và các loại thực phẩm chế biến sẵn thay vì chế độ ăn truyền thống với các mặt hàng trồng tại địa phương như khoai lang và khoai môn giàu chất dinh dưỡng.
Bà Eriko Hibi, Giám đốc Văn phòng Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO) tại Nhật Bản cho rằng sự chuyển dịch này đã gây ra "gánh nặng 3 lần" về sức khỏe, gồm suy dinh dưỡng, thiếu vi chất dinh dưỡng và béo phì.
Khi đại dịch xảy ra, gần như tất cả các quốc gia đã đóng cửa biên giới, kéo theo chuỗi cung ứng vận chuyển, kể cả thực phẩm và phân bón cho trang trại, bị gián đoạn khiến giá cả tăng cao.
Tại Suva, Fiji, giá một số loại trái cây tươi và rau quả đã tăng tới 75% trong những tuần đầu tiên sau khi các nước đóng cửa biên giới. Trong khi đó, du lịch - vốn được coi là "trụ cột" kinh tế của nhiều quốc gia vì chiếm tới 70% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đã không thể hoạt động, đẩy hàng nghìn người rơi vào cảnh thất nghiệp, với khả năng tiếp cận thực phẩm giảm.
[Thế giới có nguy cơ bị khủng hoảng lương thực do dịch COVID-19]
Đối mặt với sự bùng phát của cuộc khủng hoảng lương thực, nhiều chính phủ đã bắt đầu thực thi các sáng kiến cộng đồng nhằm làm giảm tình trạng thiếu hụt, trong đó có việc kéo dài thời gian được phép đánh bắt cá, tăng cường các chương trình phân phối hạt giống nhằm giúp người dân tự lực hơn.
Bộ Nông nghiệp Fiji cho biết ban đầu bộ này dự định phân phát 5.000 hạt giống trong vòng 9 tháng. Tuy nhiên, trước sự hưởng ứng nhiệt liệt của người dân, chương trình này đã được hoàn tất chỉ trong vỏn vẹn 1 tuần.
Dự án của Bộ Nông nghiệp Fiji cung cấp hạt giống rau, dụng cụ nông nghiệp cơ bản để người dân có thể tự tạo một ngôi vườn riêng của chính mình, từ đó vượt qua những khó khăn do tác động của đại dịch.
Cô Elisabeta Waqa, một người Fiji, cho biết sau khi nhận được hạt giống của Bộ Nông nghiệp và bạn bè, đúng vào lúc không có việc làm và có thêm nhiều thời gian do tác động của đại dịch, cô đã thu gom xô, thùng và các loại cây trồng khác bị vứt bỏ để bắt đầu làm vườn.
Chẳng mấy chốc những hạt giống và cây cối cô dày công chăm bẵm và vun xới đã phát triển thành đậu xanh, dưa chuột, bắp cải và nhiều loại rau khác. Cô Waqa vui mừng chia sẻ, chỉ 2-3 tuần sau khi bắt tay vào việc làm vườn, cô đã nghĩ về việc có thể tiết kiệm được bao nhiêu tiền khi làm việc này.
Không chỉ vậy, Chính phủ Fiji còn cho phép kéo dài mùa đánh bắt cá hồi san hô và cá mú, khuyến khích người dân trở về các vùng nông thôn có nguồn lương thực độc lập dồi dào hơn.
Đây cũng là lý do mà anh Tevita Ratucadre và vợ chuyển về một ngôi làng nông thôn ở Fiji để tiết kiệm tiền thuê nhà và chi phí thực phẩm sau khi cả hai đều mất công việc tại một khách sạn do tác động của dịch COVID-19.
Anh Ratucadre nói rằng ở thành phố có thể dùng tiền để mua mọi thứ, nhưng ở nông thôn, mọi người có thể tự trồng mọi thứ của riêng mình. Chứng kiến bố mẹ làm nông nghiệp từ nhỏ, nên Ratucadre vẫn còn nhớ cách trồng cây và hiện anh đã có thể tự trồng đủ lương thực phục vụ cho gia đình của mình.
Tại Tuvalu, chính phủ đã tổ chức các buổi hội thảo dạy thanh niên các phương pháp sản xuất thực phẩm bản địa như trồng khoai môn và lấy nhựa cây từ cây dừa.
Giới chuyên gia cho rằng dù hiện còn quá sớm để đánh giá những lợi ích về sức khỏe khi người dân chuyển chế độ ăn từ đồ thực phẩm nhập khẩu sang thực phẩm tươi ngon, thậm chí cả sau đại dịch.
Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã làm bộc lộ ra rằng nếu con người có thể tự cung cấp lương thực cho mình trong thời buổi dịch bệnh, họ hoàn toàn có thể làm điều tương tự khi cuộc sống trở lại bình thường./.