Đến giữa thế kỷ 21, hơn 4 tỷ người trên thế giới có thể rơi vào tình trạng thừa cân, trong đó số người béo phì chiếm khoảng 1,5 tỷ người nếu xu thế tiêu thực thực phẩm chế biến sẵn vẫn duy trì như hiện nay.
Các chuyên gia thuộc Viện nghiên cứu ảnh hưởng khí hậu Potsdam (PIK) đã đưa ra kết luận trên trong báo cáo lần đầu tiên được thực hiện nhằm tìm hiểu mối tương quan giữa tình trạng béo phì, thực phẩm và biến đổi khí hậu.
Theo các nhà nghiên cứu PIK, nhu cầu thực phẩm của thế giới sẽ tăng 50% vào năm 2050, vượt quá khả năng chống đỡ của Trái Đất để duy trì môi trường tự nhiên.
Hoạt động sản xuất lương thực đã chiếm dụng 3/4 lượng nước ngọt và 1/3 diện tích đất thế giới và làm sản sinh 1/3 tổng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính - nguyên nhân làm biến đổi khí hậu.
Con số dự báo về số người thừa cân và béo phì nêu trên được các chuyên gia tính toán dựa trên một công thức nguồn mở dự báo về nhu cầu thực phẩm của con người biến đổi ra sao trước các yếu tố tác động như gia tăng dân số, già hóa, nhu cầu ăn uống phục vụ mục đích tăng cơ, giảm hoạt động thể chất và sự lãng phí thực phẩm gia tăng hiện nay.
[Mối liên hệ giữa béo phì với phản ứng nặng ở bệnh nhân COVID-19]
Với đà tiêu thụ thực phẩm hiện nay, thế giới sẽ có hơn 4 tỷ người, tức khoảng 45% dân số thế giới, thừa cân vào năm 2050.
Công thức này dự báo 16% dân số thế giới vào năm 2050 sẽ mắc bệnh béo phì, tương ứng với 9% trong tổng số 29% dân số toàn cầu bị thừa cân hiện nay.
Benjamin Bodirsky - tác giả nghiên cứu cho rằng tình trạng lãng phí thực phẩm gia tăng cùng với thói quen tiêu thụ nhiều đạm động vật (phục vụ tăng cơ) sẽ khiến những hệ lụy về môi trường từ sản xuất nông nghiệp vượt ngoài tầm kiểm soát. Tác giả nhấn mạnh con người đang bào mòn Trái Đất bằng khí thải gây ô nhiễm.
Trong khi đó, nghiên cứu chỉ ra xu hướng tiêu thụ thực phẩm tại nhiều khu vực đang có sự thay đổi, từ chế độ ăn uống chủ yếu rau xanh và ngũ cốc, sang chế độ ăn uống nhiều đường, nhiều chất béo và các thực phẩm có nguồn gốc động vật, chủ yếu là các thực phẩm chế biến sẵn.
Báo cáo cũng đề cập đến thực trạng mất cân bằng giữa các nước nghèo và nước giàu, khi một bên là người dân ở nước giàu không ý thức được hậu quả về kinh tế và môi trường do lãng phí thức ăn, có thể do không được bảo quản tốt hoặc mua dư thừa, còn một bên là người dân ở những nước nghèo đói không thể tiếp cận thực phẩm. Dự báo, có khoảng nửa tỷ người trên Trái Đất đến năm 2050 vẫn trong tình trạng suy dinh dưỡng.
Trong báo cáo đặc biệt năm 2019, Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc cảnh báo con người sẽ phải đối mặt với việc phải cân bằng giữa an ninh lương thực và nhiệt độ Trái Đất gia tăng trong nhiều thập kỷ nếu lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính không giảm, hoạt động nông nghiệp không bền vững và tình trạng chặt phá rừng không chấm dứt./.