Thầy giáo trẻ hết lòng vì học sinh dân tộc thiểu số người Mông

“Hơn ai hết, tôi hiểu rằng chỉ có học tập mới mang lại hy vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn đối với những học sinh nghèo khó ở vùng miền núi quê tôi,” thầy Quân chia sẻ.
Thầy giáo trẻ hết lòng vì học sinh dân tộc thiểu số người Mông ảnh 1Thầy La Văn Quân tận tình giảng bài trên lớp cho học trò. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Sinh ra và lớn lên giữa núi rừng đại ngàn, ở bản làng người Mông đặc biệt khó khăn, ngay từ nhỏ, cậu bé La Văn Quân đã ý thức rõ chỉ có nỗ lực học tập là con đường duy nhất giúp mình và giúp cả đồng bào mình thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu.

Nuôi ước mơ từ bữa cơm khoai, sắn

Nhìn học trò chơi đùa, thầy La Văn Quân, giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Thuần Mang, một ngôi trường thuộc xã đặc biệt khó khăn của huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn, luôn thấy dâng lên trong lòng tình yêu thương vô bờ bến. Bởi nhìn các em, Quân như thấy được tuổi thơ của chính mình, quá nhiều khó khăn và thiếu thốn. Vì thế, Quân luôn tự dặn lòng phải cố gắng hơn nữa để mang lại cho các em niềm vui, tri thức, góp phần đưa các em đến tương lai tốt đẹp hơn.

Quân sinh ra và lớn lên trong một gia đình người Mông nghèo thuộc thôn Củm Nhá, xã Lãng Ngâm, một xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn của huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn, với 4 anh chị em. Cuộc sống gia đình gắn liền với những tháng ngày sống du canh du cư, bố mẹ không có công ăn việc làm ổn định. Lãng Ngâm là một xã vùng sâu, đến đường đi cũng rất khó khăn, trèo đèo, lội suối, băng rừng. Cuộc sống của người dân nơi đây chủ yếu là trồng ngô, khoai, sắn. Bà con vất vả làm lụng quanh năm mà vẫn đói nghèo. Trình độ dân trí thấp nên còn nhiều quan niệm, phong tục, tập quán lạc hậu. Cái nghèo cũng khiến cho người dân chỉ quanh quẩn với công cuộc mưu sinh, không coi trọng việc học vì “cái chữ không thể ăn no được.”

“Thấu hiểu những điều đó, tôi đã luôn tự nhủ với mình phải học thật tốt để kiếm cho mình một công việc có thu nhập ổn định, để giúp đỡ bà con thôn bản thoát nghèo và thay đổi suy nghĩ lạc hậu của bà con. Vì thế, trong suốt 12 năm học phổ thông tôi đã luôn cố gắng vượt khó hết mình để có thể thực hiện ước mơ,” thầy La Văn Quân chia sẻ.

Ước mơ ấy của Quân được sự ủng hộ, tiếp sức mạnh mẽ từ gia đình. Quân bảo mình may mắn vì trong khi nhiều gia đình khác không cho con tới trường thì bố mẹ Quân sẵn sàng làm thuê làm mướn để nuôi con ăn học.

“Năm lớp 12, nhiều lần tôi nói với bố sẽ đi học nghề sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, và lần nào câu trả lời của bố cũng là: Dù con chọn nghề, học trường gì, chỉ cần con muốn học tiếp thì bố mẹ dù làm lụng, làm thuê mướn vất vả thêm năm, thêm mười cũng sẽ cố gắng để nuôi con ăn học. Sự quan tâm ủng hộ, những lời động viên đó của bố mẹ vẫn luôn hiện hữu trong tôi, trở thành động lực cho tôi vượt qua mọi khó khăn, thiếu thốn để học tốt hơn,” thầy Quân xúc động kể.

Thầy giáo trẻ hết lòng vì học sinh dân tộc thiểu số người Mông ảnh 2Thầy Quân cùng các học trò chăm sóc hoa để làm đẹp khuôn viên trường. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Hoài bão của trò, hạnh phúc của thầy

Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Bắc Kạn, với khát vọng trở thành thầy giáo để đem con chữ về cho bản làng, cho các học sinh nghèo, đến nay La Văn Quân đã có 8 năm công tác tại huyện miền núi Ngân Sơn. Quân bảo, dù được phân công nhiệm vụ gì, thầy cũng luôn cố gắng đem hết tình yêu thương, sự tâm huyết và kiến thức, vượt qua mọi khó khăn, thử thách để hoàn thành tốt.

Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Thuần Mang, nơi Quân đang công tác, là một ngôi trường thuộc xã đặc biệt khó khăn của huyện Ngân Sơn, với 100% học sinh là người dân tộc thiểu số. Được giao kiêm nhiệm công tác quản sinh, thầy Quân không chỉ là giáo viên trên bục giảng mà còn là người chăm lo từng miếng ăn, giấc ngủ cho các em. Là một thầy giáo trẻ, mới 29 tuổi, chưa nhiều kinh nghiệm, thầy Quân cho biết mình đã phải học hỏi ở đồng nghiệp rất nhiều về nghiệp vụ sư phạm, các kỹ năng xử lý tình huống, tổ chức các hoạt động và tự học không ngừng để nâng cao chuyên môn nghiệp vụ của bản thân.

[Xúc động với tâm sự nghẹn lòng của những giáo viên cắm bản]

Nhưng so với đồng nghiệp, Quân lại có lợi thế khi là giáo viên người Mông duy nhất ở ngôi trường có tới 60% học sinh là người dân tộc Mông. Thầy còn biết thêm tiếng Tày và tiếng Dao. Tận dụng lợi thế này, Quân luôn tích cực giao lưu với học sinh, phụ huynh, tìm hiểu nguyên nhân để giải bài toán hóc búa nhất với giáo dục miền núi là vận động học sinh đến trường, duy trì sỹ số. Những học sinh có ý định bỏ học, thầy Quân đến tận nhà để vận động gia đình. “Hơn ai hết, tôi hiểu rằng chỉ có học tập mới mang lại hy vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn đối với những học sinh nghèo khó ở vùng miền núi quê tôi,” thầy Quân chia sẻ.

Với những nỗ lực của thầy Quân cùng các đồng nghiệp, những năm qua, công tác tuyển sinh đầu cấp của nhà trường luôn thực hiện đạt 100%. Nhiều em tiếp tục học cao hơn như đi học nghề hoặc tham gia học các trường chuyên nghiệp với những ước mơ, hoài bão về một tương lai tốt đẹp hơn. “Đó thật sự là điều ý nghĩa nhất trong những năm tháng công tác của bản thân tôi,” thầy Quân xúc động nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục