Các nhà khoa học đã tìm thấy nhiều hiện vật có giá trị văn hóa, lịch sử như rìu đá, chày nghiền, bàn mài, cuội ghè đẻo có niên đại cách đây trên dưới 4.000 năm, thuộc thời hậu kỳ đá mới; hàng chục hiện vật đồ gốm thuộc thời hậu kỳ đá mới như nồi gốm, bát bồng, hàng trăm mảnh gốm thô.
Tiến sĩ khảo cổ học Đoàn Ngọc Khôi ngày 8/4 cho biết các hiện vật trên do các nhà khảo cổ thuộc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi và Viện Khảo cổ học Việt Nam tìm thấy trong khi đào thăm dò khảo cổ trên vùng ngập lòng hồ chứa nước Nước Trong thuộc địa phận huyện miền núi Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi.
Cũng qua công tác đào thăm dò khảo cổ, các nhà khoa học đã tìm thấy nhiều dấu tích của cư dân bản địa đã từng sinh sống nơi đây như đồng bào các dân tộc bản địa Kor, Hre, Kdong và Chăm Pa thông qua các đồ dùng bằng đồng, bằng sắt được tìm thấy như dao sắt, giáo đồng, giáo sắt.
Đặc biệt các nhà khoa học đã tìm thấy trong khu vực đào thăm dò khảo cổ nhiều đồ gốm của người Việt thời Lý, Trần, Lê. Điều này thể hiện sự giao lưu, trao đổi hàng hóa giữa người Việt với người dân bản địa đã có từ rất sớm.
Theo các nhà khoa học, các hiện vật được tìm thấy trong quá trình đào thăm dò khảo cổ tại khu vực lòng hồ chứa nước Nước Trong có niên đại thời hậu kỳ đá mới đã mở ra một hướng nghiên cứu mới văn hóa Sa Huỳnh có xuất phát điểm từ Tây Nguyên đã theo dòng chảy từ Tây Nguyên qua vùng Đông Trường Sơn xuống đồng bằng, hình thành văn hóa Sa Huỳnh ở vùng đồng bằng.
Các nhà khoa học và cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ngãi hiện đang hoàn thiện các thủ tục cần thiết để trình Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch cho phép khai quật các di chỉ có giá trị văn hóa, lịch sử này./.
Tiến sĩ khảo cổ học Đoàn Ngọc Khôi ngày 8/4 cho biết các hiện vật trên do các nhà khảo cổ thuộc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi và Viện Khảo cổ học Việt Nam tìm thấy trong khi đào thăm dò khảo cổ trên vùng ngập lòng hồ chứa nước Nước Trong thuộc địa phận huyện miền núi Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi.
Cũng qua công tác đào thăm dò khảo cổ, các nhà khoa học đã tìm thấy nhiều dấu tích của cư dân bản địa đã từng sinh sống nơi đây như đồng bào các dân tộc bản địa Kor, Hre, Kdong và Chăm Pa thông qua các đồ dùng bằng đồng, bằng sắt được tìm thấy như dao sắt, giáo đồng, giáo sắt.
Đặc biệt các nhà khoa học đã tìm thấy trong khu vực đào thăm dò khảo cổ nhiều đồ gốm của người Việt thời Lý, Trần, Lê. Điều này thể hiện sự giao lưu, trao đổi hàng hóa giữa người Việt với người dân bản địa đã có từ rất sớm.
Theo các nhà khoa học, các hiện vật được tìm thấy trong quá trình đào thăm dò khảo cổ tại khu vực lòng hồ chứa nước Nước Trong có niên đại thời hậu kỳ đá mới đã mở ra một hướng nghiên cứu mới văn hóa Sa Huỳnh có xuất phát điểm từ Tây Nguyên đã theo dòng chảy từ Tây Nguyên qua vùng Đông Trường Sơn xuống đồng bằng, hình thành văn hóa Sa Huỳnh ở vùng đồng bằng.
Các nhà khoa học và cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ngãi hiện đang hoàn thiện các thủ tục cần thiết để trình Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch cho phép khai quật các di chỉ có giá trị văn hóa, lịch sử này./.
Đoàn Hữu Trung (Vietnam+)