“Thầy –Trò” kể chuyện 1000 năm Thăng Long

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức công diễn các tiết mục xuất sắc thi tiếng hát “Thầy –Trò” và kể chuyện 1.000 năm Thăng Long.
Ngày 2/10/2010, tại trường Trung học phổ thông chuyên Amsterdam-Hà Nội, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã tổ chức Chương trình công diễn các tiết mục xuất sắc trong hội diễn tiếng hát “Thầy–Trò” và hội thi Kể chuyện Lịch sử 1000 năm Thăng Long- Hà Nội kết hợp với phát biểu cảm nghĩ về “Chiếu dời đô” của Vua Lý Thái Tổ để chào mừng Đại lễ Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội.

Đồng chí Nguyễn Hữu Hiếu- Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội nhận định: “Đây là một hoạt động sâu rộng, đầy tích cực của ngành giáo dục Thủ đô suốt từ tháng 2/2009. Không khí phấn khởi, tự hào được nhân lên đầy ý nghĩa qua các hoạt động văn nghệ và học tập đặc biệt này đã lan tỏa tới từng trường học trên khắp địa bàn Hà Nội.”

Có mặt tham dự, phóng viên Vietnam+ đã chứng kiến những phút giây “thăng hoa” tài năng và xúc động cùng mỗi câu chuyện, mỗi bài ca rất tình cảm của các em.

Em Nguyễn Mạnh Cường-học sinh lớp 12D1 trường trung học phổ thông Phan Huy Chú- Đống Đa đoạt Giải nhất với số điểm 29,5/30, cao nhất của cuộc thi kể chuyện toàn thành phố Hà Nội tâm sự với phóng viên: “Từ trước khi tham gia kể chuyện chúng em đã được biết tấm gương Bác sĩ- liệt sĩ Đặng Thùy Trâm và cuốn nhật ký lừng lẫy đã được dịch ra nhiều thứ tiếng. Nhưng em không thấu hiểu thấm thía như khi thực sự nhập thân vào câu chuyện.”

Câu chuyện kể về tấm gương nữ bác sĩ Đặng Thùy Trâm với phần phụ họa chuyển thương binh rất sống động, và tái hiện thành công không khí chiến trường bom đạn. Học sinh Phạm Hải Yến trong vai nữ bác sĩ Đặng Thùy Trâm xuất hiện trong bản giao hưởng làm cả hội một trường lớn đã lặng đi vì sự giản dị mà dễ thương rất giống con gái Hà Nội năm nào.

Các em học sinh huyện Từ Liêm đã kể chuyện về danh nhân Nguyễn Quý Đức. Điểm sáng tạo của tiết mục dự thi này là tạo ra một màn đồng dao rất dân gian gần gũi. Đồng thời những tấm biển biên niên từng mốc son trong cuộc đời danh nhân cũng làm người xem thấy thú vị. Bởi lẽ cách trình bày rất giáo cụ trực quan đặc trưng kiểu học đường, ấn tượng và dễ nhớ.

Các tiết mục đồng ca “Ca ngợi Tổ quốc,” “Hà Nội linh thiêng hào hoa,” “Tiến về Hà Nội” và “Người Hà Nội” mang một sắc thái rất tươi trẻ sống động đầy hào hứng và xúc cảm.

Đặc biệt có tiết mục múa thật đẹp của học sinh trường trung học phổ thông Kim Liên gợi liên tưởng đẹp về tình mẹ thiết tha về vị lãnh tụ luôn sáng ngời trong lòng dân tộc. Đó là màn múa đặc sắc “Huyền thoại người mẹ làng Sen.”

Nhìn nụ cười của tất cả các khách mời là đại biểu từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, lãnh đạo ngành giáo dục ở Hà Nội, các thầy cô giáo đứng đầu tất cả các trường học ở Hà Nội và gương mặt háo hức của từng học sinh, người tham dự mới thấy đây không phải chỉ là Buổi liên hoan văn nghệ, công diễn kể chuyện đoạt giải cao mà đây là thành công của việc giáo dục truyền thống thành phong trào có chiều sâu của toàn thể thầy và trò ở Thủ đô nhân Đại lễ 1000 năm có một./.

Nguyễn Anh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục