Thế giới cần có hệ thống quan trắc khí hậu tốt hơn

Giới khoa học Anh cho rằng, mạng lưới quan trắc khí hậu thế giới rất “hạn chế” và cần có hệ thống tốt hơn để đưa ra cảnh báo sớm.
Các nhà khoa học Anh đã kêu gọi thế giới cần có một hệ thống quan trắc tốt hơn nữa để có thể cảnh báo sớm về tình trạng khí thải gây hiệu ứng nhà kính (CO2), đồng thời khuyến khích các quốc gia theo đuổi mục tiêu cắt giảm khí thải.

Trong một bài báo đăng trên tạp chí của Hiệp hội khoa học hoàng gia Anh, các nhà khoa học cho rằng, mạng lưới quan trắc khí hậu của thế giới hiện rất “hạn chế” và cần phải có một hệ thống tốt hơn nữa để có thể đưa ra những cảnh báo sớm về những “ngưỡng nguy hiểm” của sự biến đổi khí hậu trên Trái Đất.

Các số liệu thu thập cũng sẽ được sử dụng để xác minh báo cáo của các nước về nỗ lực giảm lượng khí thải CO2 như đã cam kết trong Nghị định thư Kyoto và có thể là một văn bản thay thế khác mà các nước dự kiến sẽ ký kết vào năm 2012.

Giới khoa học đã nhiều lần cảnh báo về nguy cơ Trái Đất ấm lên sẽ chạm “ngưỡng nguy hiểm” do hậu quả của việc con người lạm dụng nhiên liệu hóa thạch. Hơn nữa, quá trình ấm lên này có thể đang tự gia tăng mà không cần có sự tiếp tay của con người.

Chẳng hạn, việc các tảng băng vĩnh cửu ở Bắc Cực tan chảy dần có thể khiến các tàn tích thực vật bên dưới tự phân hủy và sản sinh ra khí metan, đẩy nhanh hiện tượng hiệu ứng nhà kính.

Vào thời kỳ cuối Kỷ Băng hà cách đây khoảng 12.000 năm, Trái Đất đã từng bị ấm lên rất nhanh trong một khoảng thời gian khá ngắn, và các nhà khoa học vẫn chưa rõ tại sao lại có hiện tượng này.

Chuyên gia về khí metan của Đại học London Euan Nisbet cho biết, quá trình ấm lên này chỉ diễn ra trong khoảng một thập niên, vì vậy nếu lặp lại, nó sẽ gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục