"Thế giới nới rộng, chúng ta cũng nên nới rộng"

Ngày 25/5, kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XII tiến hành thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Bên lề cuộc họp, đại biểu Quốc hội, nhà sử học Dương Trung Quốc đã dành cho Vietnam+ cuộc trao đổi.

Ngày 25/5, kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XII tiến hành thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Bên lề cuộc họp, đại biểu Quốc hội, nhà sử học Dương Trung Quốc đã dành cho Vietnam+ cuộc trao đổi.

Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung có nâng thời hạn bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan đối với tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, sân khấu, mỹ thuật ứng dụng, tác phẩm khuyết danh và quyền của người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng từ 50 năm lên 75 năm, ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Chúng ta đang hội nhập với thế giới, nên chấp nhận thông lệ quốc tế. Thế giới nới rộng, chúng ta cũng nên nới rộng, không nên quá cứng nhắc.

Việc sử dụng những tác phẩm này, điều đầu tiên là phục vụ cho cộng đồng, nâng cao dân trí và mặt bằng văn hóa. Tuy nhiên, những người sử dụng những tác phẩm này cũng cần phải ý thức được rằng, sự chia sẻ với tác giả, quyền lợi chính đáng của tác giả phải được bảo vệ. Chúng ta mới bắt đầu vào cuộc thôi, vì vậy sự khắt khe là cần thiết.

Hơn lúc nào hết, người hưởng thụ những tác phẩm nghệ thuật và những tác giả sáng tác phải tìm được sự đồng cảm với nhau.

Là nhà sử học, ông có hài lòng về việc những bài báo, những tác phẩm nghiên cứu của mình đã được sử dụng đúng mục đích?

Thành thật mà nói, tôi không để lại nhiều tác phẩm nghiên cứu. Thời gian của tôi không có nhiều, tôi tham gia truyền bá sử học nhiều hơn. Đương nhiên trong việc làm của mình, tôi cũng gặp việc này việc kia. Người ta cũng có thể in những cuốn sách của mình, bài báo của mình trong 1 cuốn sách hoặc 1 tuyển tập nào đó, họ không hỏi ý kiến của mình và thậm chí còn không gửi tặng mình những cuốn sách đó nhưng tôi không gay gắt chuyện này. Lợi ích đầu tiên là bài báo, công trình nghiên cứu của mình được công chúng biết tới.

Có lẽ, việc làm của tôi chưa bao hàm giá trị vật chất lắm. Anh em hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật tạo hình hay là các lĩnh vực nghệ thuật khác thì việc đặt vấn đề về bảo hộ quyền tác giả có lẽ thuận hơn tôi (cười).

Khi hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ thì làm sao để bộ luật này thực sự đi vào cuộc sống, thưa ông?

Muốn làm được điều này thì phải nâng cao ý thức người dân. Tôi có một anh bạn là Việt kiều, thường xuyên về nước tham gia rất nhiều những hoạt động về bảo tồn di sản văn hóa. Anh ấy gặp một nhóm người Mỹ đã sang Việt Nam du lịch và mua được rất nhiều sắc phong. Họ mang chúng về nước.

Thoạt đầu, họ không hiểu đó là cái gì, chỉ thấy là đẹp thôi. Sau đó, những người Mỹ này được giải thích rằng, những sắc phong này mang trong mình nó dấu ấn lịch sử, văn hóa của cả một triều đại, một vùng đất, con người. Khi họ hiểu thì họ trả lại, vì họ hiểu rằng, đấy là di sản, là giá trị văn hóa.

Ngoài việc nâng cao lòng tự tôn văn hóa cho người dân, bên cạnh hệ thống pháp luật, chúng ta còn có những tổ chức xã hội, đó là những hội đoàn. Đã là hội viên Hội nhạc sĩ Việt Nam, hội viên Hội Sử học Việt Nam... chúng ta phải thực hiện đúng và tuyên truyền, vận động người dân khi sử dụng những tác phẩm văn học, nghệ thuật nên tuân thủ đúng những quy tắc và quy định.

Chỗ anh Phó Đức Phương (Giám đốc Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc) chẳng hạn, ban đầu thì hoạt động rất là khó khăn, nhưng bây giờ thì đỡ nhiều rồi. Vì lợi ích trong xã hội, những người sáng tạo và những người hưởng thụ sáng tạo phải gặp nhau ở mẫu số chung chứ không nên quá gay gắt vấn đề thuần túy là lợi ích. Vì nếu chỉ chăm chăm đến vấn đề lợi ích thì khi những đứa con tinh thần được sáng tạo ra sẽ rất khó khăn để thâm nhập sâu vào đời sống xã hội./.

Minh Vũ Anh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục