Thế tiến thoái lưỡng nan của châu Âu trong vấn đề Iran

Những cáo buộc mới đây có liên quan đến Iran ở Pháp và Đan Mạch trở thành những rào cản khó vượt qua với châu Âu khi tìm cách duy trì một phiên bản khác của thỏa thuận hạt nhân Iran.
Thế tiến thoái lưỡng nan của châu Âu trong vấn đề Iran ảnh 1(Nguồn: newsx.com)

Theo bình luận của các chuyên gia Julien Barnes-Dacey và Ellie Geranmayeh thuộc Hội đồng Quan hệ đối ngoại châu Âu mới đây, trước động thái của Mỹ tái áp đặt các biện pháp trừng phạt sâu rộng đối với Iran và ngành dầu mỏ của nước này, Liên minh châu Âu (EU) chuyển sang tìm cách duy trì một phiên bản khác của Thỏa thuận hạt nhân Iran hay còn gọi là Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA).

Tuy nhiên, những cáo buộc mới đây có liên quan đến Iran ở Pháp và Đan Mạch lại trở thành những rào cản khó vượt qua.

Đầu tuần này, Bộ Ngoại giao Đan Mạch đã cáo buộc Iran lên kế hoạch tiến hành vụ ám sát lãnh đạo nhóm ly khai Iran có tên gọi Phong trào đấu tranh Arab nhằm giải phóng Ahwaz (ASMLA).

Vụ việc xảy ra chỉ vài tuần sau khi chính quyền Pháp cáo buộc cơ quan tình báo Iran đứng sau một chiến dịch đánh bom (nhưng thất bại) nhằm vào một cuộc biểu tình diễn ra hồi tháng 6 vừa qua do nhóm đối lập Iran (Hội đồng kháng chiến dân tộc Iran) còn được gọi là Mujahedin-e Khalq (MEK) ở Paris tổ chức.

Nghi phạm trong vụ việc ở Đan Mạch là một công dân Na Uy gốc Iran, bị bắt ngày 21/10 vừa qua.

Các cơ quan tình báo Đan Mạch cho rằng đối tượng này đã hành động theo lệnh của cơ quan an ninh Iran. Trong vụ việc ở Pháp, một nhà ngoại giao Iran làm việc tại trụ sở ở Vienna cũng đã bị bắt cùng hai công dân Bỉ gốc Iran.

Những sự cố trên đã tạo thêm căng thẳng giữa châu Âu và Iran trong bối cảnh các lệnh trừng phạt giai đoạn 2 của Mỹ bắt đầu có hiệu lực.

Trong những tháng tới, sự hợp tác giữa châu Âu và Iran là rất quan trọng để duy trì JCPOA và mối quan hệ kinh tế giữa hai bên. Pháp, Đức và Anh - các cường quốc “E3” là những bên tham gia JCPOA - đã bày tỏ tình đoàn kết với Đan Mạch, trong khi các nhà lãnh đạo Bắc Âu (những người đang ủng hộ nỗ lực duy trì JCPOA) đã cùng tuyên bố rằng họ “coi vấn đề là cực kỳ nghiêm trọng và những hoạt động như vậy hoàn toàn không thể chấp nhận được”.


Phản ứng của Iran

Iran đã nhiều lần bác bỏ cáo buộc của Pháp và Đan Mạch, đồng thời đổ lỗi cho những kẻ muốn phá hoại JCPOA. Giới chức Iran coi những tuyên bố này là nhằm làm gián đoạn những nỗ lực của châu Âu trong việc cứu vãn JCPOA, đặc biệt là gói kinh tế mà châu Âu đã lên kế hoạch giành cho Iran.

Sau cả hai sự cố ở Pháp và Đan Mạch, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif cho rằng Israel và Cơ quan tình báo đối ngoại Mossad, đứng sau những hoạt động này.

Ông Zarif nhấn mạnh rằng âm mưu đánh bom tại Pháp đã bị ngăn chặn ngay khi Tổng thống Iran Hassan Rouhani đến thăm Áo và Thụy Sĩ để thảo luận về hợp tác kinh tế còn âm mưu thực hiện vụ ám sát cũng đã bị chặn đứng ở Đan Mạch khi EU lên kế hoạch ra thông báo liên quan đến Phương tiện mục đích đặc biệt (SPV), vốn được thiết kế để giúp duy trì thương mại với Iran.

Trong khi giới chức châu Âu tuyên bố đã có bằng chứng, thời điểm xảy ra sự cố đã khiến nhiều người theo dõi về Iran thắc mắc lý do tại sao Iran muốn làm tổn hại quan hệ với châu Âu vào thời điểm quan trọng như vậy?

[Iran sẵn sàng hợp tác với Đan Mạch để điều tra về âm mưu ám sát]

Nhiều người cho rằng Tehran không có lợi và sẽ mất nhiều thứ nếu thực hiện ám sát các nhân vật đối lập ở nước ngoài. Các báo cáo cho rằng Israel cung cấp thông tin tình báo về cuộc tấn công được lên kế hoạch ở Đan Mạch đã tiếp tục lấn át cuộc tranh luận công khai ở Iran.

Từ lâu, Iran đã coi MEK là một tổ chức khủng bố (cũng như EU năm 2009 và Mỹ năm 2012). Iran cũng coi ASMLA là tổ chức khủng bố vì muốn lập ra một nhà nước Arập độc lập ở tỉnh Khuzestan của Iran.

Tháng 9 vừa qua đã có một cuộc tấn công khủng bố nhằm vào cuộc diễu hành quân sự ở Khuzestan đã khiến 29 người thiệt mạng, trong đó có cả phụ nữ và trẻ em.

Cả nhóm tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) và tổ chức ly khai Phong trào dân chủ yêu nước Arab ở Ahwaz đều nhận trách nhiệm về vụ tấn công đó. Không lâu sau vụ việc này, giới truyền thông Iran đưa tin rằng chính phủ nước này đã triệu tập các nhà ngoại giao Đan Mạch, Hà Lan và Anh tại Tehran để yêu cầu dẫn độ "thủ phạm và những kẻ đồng lõa" của cuộc tấn công ở châu Âu.

Thật khó để xác định động cơ đằng sau âm mưu thực hiện các cuộc tấn công nói trên ở Đan Mạch và Pháp khi cả hai nước này đang tìm cách thực hiện mô hình SPV. Bất kể động cơ đằng sau là gì thì sự cố trên cũng đã cản trở Iran xích lại gần hơn với châu Âu và cũng có thể khiến châu Âu giảm động lực chính trị trong hỗ trợ nền kinh tế Iran.

Thế khó của châu Âu

Giả định rằng các nước châu Âu đã xác minh được thông tin về âm mưu ám sát theo cáo buộc ở Đan Mạch thì cũng sẽ là điều hoàn toàn "không thể chấp nhận" đối với khu vực này.

Tệ hơn, nó cũng không phải là một sự cố riêng lẻ, dựa trên các sự kiện ở Pháp (cũng như những cáo buộc nhằm vào Iran liên quan đến việc thực hiện các vụ ám sát ở nước ngoài trong những năm 80 và 90 của thế kỷ trước).

Paris đã hành động đơn phương chống Tehran - áp đặt các biện pháp trừng phạt (bao gồm cả việc đóng băng tài sản) đối với các cá nhân bị cáo buộc tham gia và cơ quan tình báo Iran - đồng thời hạ cấp quan hệ ngoại giao bằng cách không bổ nhiệm đại sứ mới ở Tehran.

Tuy nhiên Pháp đã không yêu cầu có phản ứng chung của EU. Sự quan tâm chiến lược của châu Âu trong việc bảo vệ JCPOA dường như đã thúc đẩy cách tiếp cận này. Sau vụ việc ở Đan Mạch, Copenhagen đã thúc đẩy đưa vấn đề các hoạt động ngoài lãnh thổ của Iran vào chương trình nghị sự chung của châu Âu.

Khi châu Âu xem xét đưa ra phản ứng đối với vụ việc ở Đan Mạch chắc chắn sẽ gặp một số tình huống khó xử. Thực tế là EU chỉ có những lựa chọn hạn chế để trừng phạt Iran bởi quốc gia Hồi giáo này vẫn còn quan trọng đối với châu Âu để duy trì không gian cho cuộc đối thoại tại thời điểm đang có những bất ổn ở Trung Đông.

Thế "tiến thoái lưỡng nan" khác là áp lực với châu Âu trong việc phối hợp đưa ra phản ứng liên quan đến JCPOA. Mỹ sẽ nhấn mạnh những hạn chế đối với sự hỗ trợ kinh tế theo đề xuất của châu Âu nhằm duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran.

Châu Âu phải chống lại áp lực này và tiếp tục tách biệt JCPOA khỏi các vấn đề lớn hơn. Những nỗ lực để đối phó với các hoạt động nguy hiểm của Iran - dù ở châu Âu hay Trung Đông - sẽ chỉ trở nên phức tạp hơn nếu JCPOA bị phá vỡ và Iran "được giải phóng" hoàn toàn khỏi những ràng buộc liên quan đến chương trình hạt nhân của mình./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục