Sáng 12/7 tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phát động Giải thưởng "Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam" năm 2023.
Các sản phẩm công nghệ số xuất sắc được trao giải theo các hạng mục: Sản phẩm số xuất sắc cho chính phủ số; Sản phẩm số xuất sắc cho kinh tế số; Sản phẩm số xuất sắc cho xã hội số; Sản phẩm số tiềm năng.
Đặc biệt năm 2023 Bộ Thông tin và Truyền thông đồng hành cùng doanh nghiệp công nghệ số đi ra nước ngoài nên giải thưởng đã được bổ sung hạng mục mới là "Sản phẩm công nghệ số xuất sắc cho thị trường nước ngoài."
Hạng mục này nhằm tôn vinh các doanh nghiệp có sản phẩm, dịch vụ, giải pháp công nghệ số xuất sắc đã thành công tại thị trường quốc tế đồng thời khuyến khích, cổ vũ các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tiếp tục khát khao chinh phục thế giới.
[Thúc đẩy sự phát triển của các công ty khởi nghiệp công nghệ Việt Nam]
Năm 2023 là năm thứ tư Giải thưởng được tổ chức nhằm tôn vinh các sản phẩm công nghệ số xuất sắc, mang tự hào trí tuệ Việt Nam, có tác động, ảnh hưởng lớn trong việc đưa hoạt động của người dân và doanh nghiệp lên môi trường số, góp phần thúc đẩy chính phủ số, kinh tế số và xã hội số tại Việt Nam đồng thời tôn vinh các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp công nghệ số Việt Nam chinh phục thế giới, đóng góp cho sự phát triển của nhân loại và làm thịnh vượng Việt Nam.
Tại buổi lễ phát động, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết đơn vị này sẽ đồng hành cùng các doanh nghiệp đoạt giải để đưa các sản phẩm công nghệ số này có thị trường rộng lớn hơn, đi xa hơn.
Đánh giá về giải thưởng, ông Lê Hồng Quang - Phó Tổng Giám đốc thường trực Công ty Cổ phần MISA cho biết đây là giải thưởng uy tín có các tiêu chí tuyển chọn khắt khe. "Sau khi đoạt giải, nền tảng quản trị doanh nghiệp hợp nhất MISA AMIS đã tăng gấp 5 lần doanh thu cùng với 60 ngàn doanh nghiệp tin dùng. MISA cũng bước đầu mang với doanh thu khoảng 2 triệu USD."
Ông Lê Hồng Việt - Tổng Giám đốc FPT Smart Cloud, đơn vị đạt giải vàng Hạng mục Kinh tế số năm 2022 cũng nhấn mạnh, việc đạt được Giải thưởng Sản phẩm số Make in Viet Nam có vai trò tạo động lực cho đội ngũ phát triển sản phẩm liên tục sáng tạo, đổi mới phát triển. "Sau khi đạt được giải thưởng, FPT Smart Cloud đã tăng trưởng mạnh mẽ về doanh thu cùng với đó lượng người dùng tăng trưởng gấp đôi sau mỗi năm. Hơn hết, FPT Smart Cloud đã mở rộng thị phần, tiếp cận 15 quốc gia trong khu vực và thế giới."
Theo ban tổ chức, thời gian nhận đăng ký và hồ sơ tham gia Giải thưởng từ ngày 12/7/2023 đến hết ngày 12/10/2023.
Trong thời gian từ 12/7/2023 đến 11/8/2023, doanh nghiệp có thể đăng ký sơ bộ và nhận được sự hướng dẫn của cơ quan thường trực Giải thưởng để chuẩn bị hồ sơ theo quy chế. Hình thức gửi hồ sơ trực tuyến tại Cổng thông tin điện tử Giải thưởng: giaithuong.makeinvietnam.mic.gov.vn.
Đối tượng tham gia là các doanh nghiệp được thành lập theo pháp luật Việt Nam (nếu là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì người Việt Nam phải sở hữu ít nhất 51% tổng số cổ phần) và đơn vị, tổ chức sự nghiệp có các sản phẩm công nghệ số được nghiên cứu, thiết kế, sáng tạo, sản xuất tại Việt Nam và đã được đưa vào ứng dụng thực tế.
Đối với Hạng mục "Giải thưởng Sản phẩm số tiềm năng" chỉ áp dụng đối với các tổ chức sự nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ hoặc doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Hội đồng Giám khảo của Giải thưởng "Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam" năm 2023 bao gồm các chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ số, các nhà khoa học và các nhà báo công nghệ thông tin truyền thông có uy tín.
Lễ trao giải dự kiến được tổ chức vào tháng 12 năm 2023./.