Đề xuất nghiên cứu đổi mới cách thức xét tuyển nguyện vọng 2 và 3 của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã được rất nhiều học sinh, phụ huynh ủng hộ. Tuy nhiên, nhiều trường đại học, nhất là những trường tốp dưới lại tỏ ra khá lo lắng. Thí sinh hớn hở chờ Em Phạm Văn Kế, học sinh khối 12 Trường Trung học phổ thông Bắc Kiến Xương, Thái Bình cho biết, mấy ngày nay, thông tin về việc Bộ Giáo dục và Đào tạo dự định thay đổi cách tuyển nguyện vọng 2 là chủ đề nóng của cả lớp. Cậu hớn hở nói: “Nếu việc thay đổi phương thức tuyển nguyện vọng hai của Bộ Giáo dục và Đào tạo được xem xét áp dụng ngay trong năm nay thì thật tuyệt quá!” Vừa dọn lại phòng học cho cậu con trai, chị Nguyễn Thị Dung, mẹ em Kế, vui vẻ cho biết, lực học của Kế chỉ ở mức trung bình khá nên dù chọn nguyện vọng 1 là trường Đại học Nông nghiệp, một trường có điểm chuẩn không quá cao, nhưng khả năng đỗ cũng chỉ là 50%. Vì thế, nguyện vọng hai và ba chính là “phao cứu sinh”. Sự thay đổi trong phương thức xét tuyển này sẽ mở ra không chỉ là hai nguyện vọng mà có thể là ba, bốn. Cửa vào đại học theo đó sẽ rộng mở hơn với Kế! Rất phấn khởi trước dự kiến quy định mới của Bộ cũng là tâm trạng của Phạm Thị Hải Yến, học sinh khối 12 trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú-Đống Đa, Hà Nội. Yến chia sẻ: “Em thấy rất đáng mừng. Trước đây, thí sinh cứ phải chờ đợi việc công bố đồng loạt nên không thể chọn cơ hội khác cho mình. Em hy vọng bây giờ, khi các trường chốt điểm sớm và công bố ở các tiến độ khác nhau, thì chúng em có thể chọn trường được dễ dàng và đảm bảo hơn.” Mừng hơn cả là các thí sinh tự do, đã từng nếm vị đắng “dẫm vỏ chuối”, Dương Nga, ở thị xã Cao Bằng cho biết, năm ngoái Nga thi Đại học Thương Mại được 13,5 điểm và cũng không trúng tuyển nguyện vọng 2 hay nguyện vọng 3 vào trường nào. “Năm ngoái thấy điểm xét tuyển của trường nào vừa với điểm của mình thì chúng em cứ nộp liều vào đó chứ chẳng tính toán được rằng có cơ hội trúng tuyển không. Nếu năm nay các trường thường xuyên cập nhật thông tin để chúng em biết tình hình thì tốt quá. Sự thay đổi này sẽ giúp chúng em tự tin hơn trước khi bước vào kỳ thi,” Nga vui vẻ nói. Trường phập phồng lo Phương án mới có lợi cho thí sinh, nhưng rõ ràng sẽ bất lợi hơn cho các trường, nhất là trường tốp dưới, những trường mà nguồn tuyển sinh chủ yếu dựa vào việc xét tuyển nguyện vọng 2 và 3. Ông Nguyễn Tấn Vui, Hiệu phó Đại học Tây Nguyên chia sẻ: “Điểm chuẩn được xác định trên cơ sở số hồ sơ thí sinh đăng ký vào, lấy từ cao xuống thấp. Nếu thí sinh được rút hồ sơ thì khi đó, điểm chuẩn chưa chắc đã chuẩn. “Mặt khác, nhiều học sinh trúng tuyển nguyện vọng 2 nhưng chưa chắc đã học nên nếu để cho thí sinh tự do rút hồ sơ để chuyển sang trường khác thì việc đảm bảo chỉ tiêu và thời gian báo cáo tuyển sinh là rất khó,” ông Vui nói. Theo ông Vui, Bộ nên duy trì phương án xét tuyển cũ để người học tỉnh táo hơn trong lựa chọn của mình. Đây cũng là ý kiến của ông Nguyễn Đình Tư, Trưởng phòng Đào tạo trường Đại học Phú Xuân. Ông Tư cho rằng, việc thay đổi này sẽ gây khó khăn, xáo trộn và tốn nhiều thời gian hơn cho các trường. “Nếu chốt thời gian nhận hồ sơ từ sớm, sẽ có tình trạng thí sinh nộp trước nhưng ít điểm lại được vào, trong khi thí sinh nộp sau cao điểm nhưng không được vào,” ông Tư nói. Khác với các ý kiến trên, ông Lê Văn Thanh, Viện trưởng Viện Đại học Mở Hà Nội lại cho rằng đây là giải pháp có lợi cho các trường khó tuyển sinh, theo kiểu “lọt sàng xuống nia”. “Trường ít thí sinh đăng ký có thể kết thúc thời gian nhận hồ sơ muộn hơn, công bố điểm chuẩn muộn hơn. Khi đó, các trường có lượng thí sinh dồi dào đã công bố điểm chuẩn, những thí sinh không đỗ ở các trường này có thể rút hồ sơ, nộp vào những trường chưa kết thúc xét tuyển”, ông Thanh phân tích. Trong khi các nhà trường còn nhiều băn khoăn lo lắng thì nhìn ở góc độ “người tiêu dùng”, chị Dung lại khẳng định: “Quyền lợi thí sinh phải được ưu tiên hàng đầu. Cả chục năm qua thí sinh phải chịu nộp hồ sơ theo kiểu tù mù, đã rất thiệt thòi, nay có sự điều chỉnh này là rất tốt. Các trường nếu lo lắng thì nên đầu tư vào chất lượng đào tạo, khi đó không cần mời vẫn có thí sinh gõ cửa”./.
Tại Hội nghị Tuyển sinh đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp hệ chính quy được Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức trực tuyến ngày 18/2/2011, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận đã chỉ đạo Vụ Giáo dục Đại học nghiên cứu thay đổi phương thức xét tuyển nguyện vọng hai và ba trong kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2011. Theo đó, thông tin đăng ký xét tuyển của thí sinh sẽ được cập nhật liên tục lên cổng thông tin điện tử của trường về số lượng hồ sơ, mức điểm… để thí sinh có thể theo dõi, tham khảo thay vì hồ sơ được giữ kín cho đến khi kết thúc đợt xét tuyển như hiện nay. Các trường căn cứ trên lượng hồ sơ nhận được có thể công bố điểm chuẩn, kết quả xét tuyển trước so với quy định của Bộ. Bên cạnh đó, thí sinh sau khi nộp hồ sơ xét tuyển vào trường này nhưng thấy không có cơ hội trúng tuyển có thể xin rút để nộp sang trường khác. Dự kiến thay đổi này dựa trên thực trạng nhiều thí sinh điểm cao nhưng vẫn không trúng tuyển do các trường đồng loạt chốt thời gian nhận hồ sơ vào một thời điểm, dẫn đến thí sinh không có cơ hội thay đổi nguyện vọng./. |
Phạm Mai (Vietnam+)