Thí điểm chính sách đặc thù với Hải Phòng, Nghệ An và Thừa Thiên-Huế

Chiều 11/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các dự thảo nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển các tỉnh, thành Hải Phòng, Nghệ An, Thừa Thiên-Huế.
Thí điểm chính sách đặc thù với Hải Phòng, Nghệ An và Thừa Thiên-Huế ảnh 1Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 4, chiều 11/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các dự thảo nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Nghệ An, Thừa Thiên-Huế.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.

Dự Phiên họp có Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và lãnh đạo các tỉnh Nghệ An, Thừa Thiên-Huế, thành phố Hải Phòng.

Tạo điều kiện để các địa phương phát huy tiềm năng, thế mạnh

Theo Tờ trình tóm tắt của Chính phủ về dự thảo ba nghị quyết của Quốc hội do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày, việc xây dựng các cơ chế chính sách đặc thù phát triển các tỉnh, thành phố trên là nhằm cụ thể hóa quan điểm, chủ trương của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên-Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 26-NQ/TW và Thông báo số 55-TB/TW, xác định phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020 và các năm tiếp theo; Nghị quyết số 45-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Nghị quyết thí điểm cơ chế chính sách đặc thù phát triển các tỉnh Nghệ An, Thừa Thiên-Huế và thành phố Hải Phòng được xây dựng phù hợp với chủ trương của Đảng, phương hướng, nhiệm vụ phát triển của tỉnh Nghệ An, Thừa Thiên-Huế và thành phố Hải Phòng tại các nghị quyết của Bộ Chính trị; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính khả thi dựa trên cơ sở lý luận thực tiễn cũng như sự cần thiết đối với nhu cầu phát triển của các tỉnh, thành phố nhằm thu hút, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực từ mọi thành phần kinh tế cho phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế-xã hội.

Dự thảo các Nghị quyết đề xuất một số cơ chế, chính sách đặc thù thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội khác với quy định của pháp luật hiện hành hoặc chưa được quy định cụ thể trong các quy định của pháp luật hiện hành; bảo đảm tính tương đồng với các tỉnh, thành phố trong cả nước cũng có nghị quyết riêng của Bộ Chính trị; đồng thời phù hợp với khả năng cân đối ngân sách Nhà nước, không ảnh hưởng lớn đến vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương theo quy định của Hiến pháp, không làm tăng bội chi ngân sách Nhà nước và trần nợ công đã được Quốc hội quy định.

[Khai mạc Phiên họp thứ tư của Ủy ban Thường vụ Quốc hội]

Cơ chế đặc thù phải phát huy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương, có tác động lan tỏa vùng miền gắn với đề cao tính tự lực, tự cường, phát huy tính năng động, sáng tạo; tăng cường phân cấp, phân quyền, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền các tỉnh Nghệ An, Thừa Thiên-Huế và thành phố Hải Phòng, đồng thời phục vụ nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, giám sát của Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng Nhân dân các cấp của các tỉnh, thành phố.

Về đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù cho từng tỉnh, thành phố, Tờ trình của Chính phủ đề nghị Quốc hội quy định thí điểm 4 cơ chế, chính sách đặc thù với tỉnh Thừa Thiên-Huế; 9 chính sách đặc thù với tỉnh Nghệ An và 7 chính sách đặc thù với thành phố Hải Phòng.

Cụ thể, với tỉnh Thừa Thiên-Huế, trong các chính sách, cơ chế đặc thù có việc cho phép tỉnh thu đầy đủ phí tham quan di tích trên địa bàn vào ngân sách nhà nước... Ngân sách địa phương được bố trí đầu tư tương ứng số thu phí tham quan nộp vào ngân sách Nhà nước để thực hiện đầu tư trùng tu di tích lịch sử-văn hóa trên địa bàn.

Bên cạnh đó, tỉnh được lập Quỹ bảo tồn di sản Huế từ nguồn ngân sách Nhà nước, các nguồn tài trợ, nguồn thu hợp pháp và cho phép các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được sử dụng ngân sách do cấp mình quản lý để hỗ trợ tỉnh Thừa Thiên-Huế đầu tư thực hiện công tác trùng tu, bảo tồn, phát triển giá trị di sản Huế và giao Chính phủ ban hành Nghị định để quản lý, sử dụng Quỹ này.

Với tỉnh Nghệ An, trong 9 cơ chế chính sách đặc thù, có việc cho phép tỉnh được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ về cho tỉnh vay lại với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 40% số thu ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp.

Hằng năm ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho tỉnh Nghệ An không quá 70% số tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu của hàng hóa xuất, nhập khẩu so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao (không bao gồm thuế giá trị gia tăng của hàng hóa nhập khẩu), nhưng không vượt quá tổng số tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu so với thực hiện thu năm trước, để thực hiện các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng của địa phương.

Thí điểm chính sách đặc thù với Hải Phòng, Nghệ An và Thừa Thiên-Huế ảnh 2Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng phát biểu ý kiến. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Đối với thành phố Hải Phòng, trong 7 chính sách đặc thù có việc đồng ý cho tổ chức nghiên cứu và triển khai xây dựng Khu thương mại tự do ở Hải Phòng trên cơ sở đánh giá, phân tích mô hình quản lý, các cơ chế, chính sách đang được áp dụng tại các khu thương mại tự do thành công trên thế giới và phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội trong giai đoạn tới. Chính phủ quy định về một số cơ chế, chính sách đặc thù, đột phá, mô hình quản lý phù hợp đối với Khu thương mại tự do tại thành phố Hải Phòng, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi thực hiện, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Ngoài ra, dự thảo Nghị quyết cho phép Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng được quyết định sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư của ngân sách thành phố; cho phép ngân sách cấp dưới sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để chi thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc khu vực quản lý nhà nước, tổ chức chính trị-xã hội do thành phố quản lý theo hiệu quả công việc (ngoài việc thực hiện chi trả thu nhập tăng thêm theo quy định của pháp luật hiện hành) với mức không quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý. Mức thu nhập cho các chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt của thành phố do Hội đồng nhân dân thành phố quy định.

Thực hiện cơ chế đặc thù cần tránh làm "phình" ngân sách

Trình bày Báo cáo thẩm tra Tờ trình của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường khẳng định việc trao cơ chế đặc thù cho các tỉnh, thành phố nhằm thể chế hóa các nghị quyết của Bộ Chính trị, nhằm tạo cơ chế huy động nguồn lực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội cho các địa phương này.

Căn cứ quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định ban hành Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Nghệ An, Thừa Thiên-Huế là đúng thẩm quyền.

Về hồ sơ trình, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhận thấy, các hồ sơ dự thảo Nghị quyết cơ bản bảo đảm đủ điều kiện để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2; tuy nhiên, cần lưu ý việc thực hiện các cơ chế đặc thù cần tránh ảnh hưởng tới kế hoạch ngân sách, không làm phình to thêm ngân sách.

Về quan điểm chỉ đạo, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng đối với 3 địa phương nêu trên, việc xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù cần quán triệt một số nguyên tắc, quan điểm sau: Thứ nhất, phải phù hợp với khả năng cân đối ngân sách Nhà nước, không ảnh hưởng lớn đến vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương; không làm tăng bội chi ngân sách Nhà nước và trần nợ công đã được Quốc hội quyết định. Thứ hai, cơ chế đặc thù phải thể chế hóa tinh thần các Nghị quyết của Bộ Chính trị, phát huy được tiềm năng, thế mạnh, tính năng động, sáng tạo của từng địa phương.

Thí điểm chính sách đặc thù với Hải Phòng, Nghệ An và Thừa Thiên-Huế ảnh 3Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Đặc biệt, về việc thành lập Khu thương mại tự do của Hải Phòng, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị Chính phủ cần báo cáo Bộ Chính trị xem xét, chấp thuận về chủ trương trước khi trình Quốc hội xem xét, quyết định. Theo lý giải của Ủy ban Tài chính, Ngân sách, việc thành lập khu thương mại tự do không chỉ dừng ở phạm vi của cơ chế, chính sách đặc thù riêng lẻ mà gắn với việc xây dựng các thể chế, thiết chế pháp luật có tác động lớn, phạm vi ảnh hưởng rộng.

Bên cạnh đó, khu thương mại tự do sẽ được áp dụng các chính sách đặc biệt, đột phá, trong đó sẽ có các chính sách về đất đai, quy hoạch, tổ chức chính quyền, ưu đãi đầu tư, thuế… Tuy nhiên, các quy định này chưa làm rõ được nội hàm của các cơ chế này. Cơ chế, chính sách áp dụng cho khu thương mại tự do sẽ có những quy định mới, có thể không phù hợp với các luật hiện hành.

Tiếp theo, các đại biểu đã thảo luận về dự thảo các nghị quyết. Qua thảo luận, hầu hết các đại biểu đánh giá cao và khẳng định sự cần thiết của việc trình Quốc hội xem xét, ban hành các Nghị quyết trao cơ chế, chính sách đặc thù cho ba địa phương. Bên cạnh đó, một số đại biểu đề nghị Chính phủ và các địa phương làm rõ cơ sở pháp lý, tính khả thi, thực tiễn khi triển khai cơ chế, chính sách đặc thù.

Tham gia thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao công tác chuẩn bị của Chính phủ, trực tiếp là Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các bộ, ngành liên quan và cơ quan thẩm tra Tờ trình là Ủy ban Tài chính, Ngân sách.

Liên quan đến cơ chế Khu thương mại tự do của Hải Phòng, Chủ tịch Quốc hội tán thành với ý kiến của thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách về việc Chính phủ cần chuẩn bị kỹ lưỡng, trình Bộ Chính trị cho ý kiến về chủ trương nghiên cứu tiền khả thi.

Kết thúc phiên thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua bổ sung 3 dự thảo các nghị quyết trên vào Chương trình xây dựng pháp luật năm 2021 trình Quốc hội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục