Thí điểm cho vay vốn nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Ngân hàng Nhà nước triển khai chương trình thí điểm cho vay đối với các mô hình ứng dụng công nghệ cao và phục vụ xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp với nhiều chính sách đặc thù.
Thí điểm cho vay vốn nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ảnh 1Lễ ký kết Hợp đồng tín dụng cho vay thí điểm phục vụ phát triển giữa Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam với Công ty Tafishco. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Phát triển ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp đang là một định hướng lớn của Đảng và Nhà nước để tạo bước đột phá trong chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn.

Đây cũng là một xu thế mới trong hội nhập, mang lại lợi ích lớn trong việc hình thành tập quán canh tác theo hướng nông nghiệp hàng hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, khai thác hợp lý đất đai, tiết kiệm đất cho nông nghiệp.

Trong xu thế đó, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai xây dựng chương trình thí điểm cho vay đối với các mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao và phục vụ xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp với nhiều chính sách đặc thù.

Mục tiêu của chương trình này nhằm hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp và nông dân tích cực tham gia các mô hình sản xuất mới.

Theo chương trình thí điểm, Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành Quyết định số 1050/QĐ-NHNN về chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết 14/NQ-CP ngày 5/3/2014 của Chính phủ.

Đối tượng vay vốn của Chương trình cho vay thí điểm là các doanh nghiệp ký kết hợp đồng liên kết trong sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp; các doanh nghiệp được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp giấy chứng nhận là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; các hộ nông dân, hợp tác xã đại diện cho nông dân thực hiện ký kết hợp đồng liên kết theo chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp với các doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt gắn với các dự án liên kết cụ thể.

Công ty trách nhiễm hữu hạn Sản xuất Thương mại Dịch vụ Thuận An (Tafishco) là một trong bốn doanh nghiệp đầu tiên được vay theo chương trình nói trên.

Dự án Chuỗi liên kết dọc cá tra Tafishco-sản xuất-chế biến-xuất khẩu mà Công ty này đang thực hiện nhằm kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm, quản lý môi trường, dịch bệnh, truy xuất nguồn gốc, đảm bảo lợi ích cho các bên tham gia và nâng cao giá trị thương hiệu cá tra Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Huệ Trinh, Tổng giám đốc Tafishco, chia sẻ cá tra là sản phẩm có giá trị kinh tế cao, là mặt hàng xuất khẩu chính của tỉnh An Giang, nhưng do sản xuất nhỏ lẻ, không có sự liên kết sẽ gặp nhiều rủi ro trong tiêu thụ sản phẩm, giá thành sản xuất cao và hiệu quả thấp, thiếu sức cạnh tranh và khó khăn trong việc đầu tư, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật.

Bên cạnh đó, các cơ sở, hộ nuôi đa số đều tự tổ chức đầu tư sản xuất, chưa có mối liên kết cụ thể, rõ ràng, nếu có cũng chưa phát huy tác dụng, mang lại hiệu quả cao.

Do vậy, bà Huệ Trinh khẳng định mô hình "Chuỗi liên kết dọc cá tra Tafisco-sản xuất-chế biến-xuất khẩu" sẽ khắc phục được những khó khăn trên, đảm bảo hài hòa lợi ích của các thành viên tham gia chuỗi, từ doanh nghiệp chế biến là trung tâm, đến người nuôi, ngân hàng, doanh nghiệp cung cấp thức ăn, thuốc thú y, nhà nhập khẩu sản phẩm cá tra.

Cũng nằm trong đối tượng của chương trình thí điểm này, Công ty Cổ phần Thực phẩm sữa TH, một điển hình trong việc áp dụng khoa học công nghệ mới, liên kết chặt chẽ theo chuỗi từ khâu sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến tập trung quy mô công nghệ cao tại tỉnh Nghệ An mà Công ty này đang thực hiện đã giúp những người nông dân tại đây trở thành những “nông dân công nghiệp” với thu nhập ổn định từ 5-7 triệu đồng/người/tháng. Dự án cũng đang được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều nguồn lợi hơn cho khu vực này.

Theo tiến sỹ Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), sản xuất nông nghiệp hiện nay còn nhỏ lẻ, manh mún và dựa chủ yếu vào giá cả cũng như biến động bất thường nên tăng rủi ro cho người vay vốn và ngân hàng khó tính được dòng tiền. Do đó, việc hỗ trợ để người nông dân ứng dụng khoa học công nghệ sẽ giảm thiểu rủi ro, đồng thời tăng hiệu quả nguồn vốn đầu tư.

Thực tế, LienVietPostBank đã thực hiện liên kết với các thương lái xung quanh nhà nông, qua đó, giúp nhiều nông dân làm ăn và tiêu thụ sản phẩm có hiệu quả, thoát được cảnh cho vay nặng lãi hay bán lúa non. Như vậy, khi người dân được đảm bảo nguồn thu từ nông nghiệp thì ngân hàng cũng sẽ được lợi.

Tuy nhiên, lãnh đạo Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại Thương Việt Nam nhìn nhận, giải pháp từ phía ngân hàng chỉ là một trong những chính sách hỗ trợ, góp phần quản lý vốn đầu tư hiệu quả. Để thúc đẩy sự phát triển khu vực nông nghiệp cần có sự phối hợp tham gia của nhiều ngành, nhiều cấp từ trung ương đến địa phương và đặc biệt là chính bản thân doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, để giảm thiểu rủi ro, Ngân hàng Nhà nước cũng như Bộ Tài chính cần có những chính sách khuyến khích các tổ chức tín dụng tập trung vốn cho vay phát triển khu vực nông nghiệp nhiều hơn nữa.

Cụ thể hơn, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính cần xem xét một số biện pháp hỗ trợ đối với người vay vốn như thành lập quỹ bảo lãnh vốn nông nghiệp; bảo hiểm tín dụng nông nghiệp; có chính sách hỗ trợ về vốn, lãi suất đối với các tổ chức tín dụng tham gia cho vay lĩnh vực nông nghiệp.

Ngân hàng Nhà nước khẳng định với chương trình thí điểm này, ngành ngân hàng không những giải quyết vấn đề vốn đầu tư tín dụng cho nông nghiệp mà còn hướng sản xuất nông nghiệp từ nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn, liên kết hiệu quả, có tính cạnh tranh cao, từng bước nâng cao đời sống nông dân và thực hiện mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Sau khi kết thúc chương trình thí điểm dự kiến khoảng hai năm, Ngân hàng Nhà nước sẽ tổng kết và xem xét để hoàn thiện chính sách và nhân rộng trên phạm vi cả nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục