Thị trường chứng khoán châu Á bị mất đà đi lên

Chứng khoán châu Á đi xuống trong phiên giao dịch ngày 7/7, trong bối cảnh giới đầu tư lo ngại đà tăng trưởng toàn cầu giảm tốc.
Hầu hết các thị trường chứng khoán châu Á đều đi xuống trong phiên giao dịch ngày 7/7, trong bối cảnh giới đầu tư lo ngại đà tăng trưởng toàn cầu đang giảm tốc sau khi Mỹ công bố những số liệu kinh tế tiêu cực.

Chỉ số chứng khoán MSCI của khu vực châu Á-Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) phiên này giảm gần 0,9%, trở lại xu hướng giảm giá sau phiên lên điểm ngày 6/7, vốn chủ yếu được hỗ trợ bởi đà tăng trên thị trường chứng khoán Thượng Hải và những đánh giá lạc quan về triển vọng kinh tế khu vực của ngân hàng trung ương Australia. Như vậy, kể từ đầu năm đến nay, chỉ số này đã giảm gần 9%.

Sự phục hồi trên các thị trường chứng khoán thế giới trong phiên 6/7 chủ yếu được thúc đẩy bởi hoạt động "săn" cổ phiếu giá rẻ của các nhà đầu tư, chỉ là nhất thời sau khi các số liệu cho thấy đà tăng trưởng của ngành dịch vụ Mỹ đang đuối dần.

Trong phiên 6/7, thị trường chứng khoán Phố Wall đã đảo ngược được xu thế đi xuống của năm phiên trước đó, nhưng nhu cầu mua vào hầu như đã biến mất vào phiên buổi chiều khi tâm lý thị trường lại trở nên thận trọng.

Y.S. Rhoo, nhà phân tích thị trường thuộc công ty chứng khoán Hyundai Securities ở Hàn Quốc, nhận định các nhà đầu tư không hoàn toàn tin tưởng vào triển vọng kinh tế toàn cầu. Những số liệu về kinh tế Mỹ gần đây đều yếu kém hơn dự kiến đang làm giảm lòng tin.

Theo số liệu của Viện Quản lý Nguồn cung, chỉ số ngành dịch vụ tháng 6 của Mỹ đã giảm từ 55,4 điểm tháng trước đó xuống 53,8 điểm, trong khi hầu hết các nhà kinh tế dự đoán con số này ở mức 55 điểm.

Tại thị trường chứng khoán Nhật Bản phiên 7/7, chỉ số Nikkei-225 giảm 58,39 điểm (0,63%) xuống 9.279,65 điểm, khi cổ phiếu của các nhà xuất khẩu không giữ được đà đi lên của phiên trước, theo sau sự lên giá của đồng yen.

Kenichi Hirano, nhà điều hành công ty chứng khoán Tachibana Securities, cho biết nhu cầu mua vào trong phiên này không lớn bởi nhà đầu tư đã bỏ vốn vào thị trường trong phiên trước sau khi chỉ số Nikkei tránh được nguy cơ rơi xuống dưới ngưỡng 9.000 điểm.

Trong phiên này, việc đồng USD đứng ở mức gần 87 yen là một tin xấu đối với các công ty lớn như Sony và Nissan, bởi đồng yen mạnh sẽ khiến lợi nhuận của họ bị giảm trên các thị trường ngoài nước. Cổ phiếu của Sony Corp. giảm 2,5%, trong khi cổ phiếu của Nissan Motor Co. giảm 2,8%.

Cùng ngày chỉ số Hang Seng của thị trường chứng khoán Hongkong giảm 227,05 điểm (1,13%) xuống 19.857,07 điểm, trước sức ép bán chốt lời của các nhà đầu tư và những lo ngại về kinh tế toàn cầu, với các cổ phiếu blue chip như Citic Pacific, Sinopec và Foxconn, giảm mạnh.

Trong khi đó, chỉ số KOSPI của thị trường chứng khoán Seoul cũng giảm 9,29 điểm (0,55%) xuống 1.675,65 điểm, trước áp lực bán ra của giới đầu tư khối ngoại, với cổ phiếu của Samsung Electronics - công ty công nghệ lớn nhất châu Á về giá trị thị trường - giảm 1,2% bất chấp dự đoán hãng sẽ đạt lợi nhuận kỷ lục trong quý 2.

Tại thị trường chứng khoán Đài Bắc, chỉ số Weighted cũng giảm 14,02 điểm (0,19%) xuống 7.534,46 điểm.

Phiên này riêng thị trường chứng khoán Thượng Hải đi ngược xu hướng chung, nhờ giá cổ phiếu của các công ty ximăng và ứng dụng nhà ở tăng mạnh, với chỉ số Shanghai Composite tăng 11,69 điểm (0,49%) lên 2.421,12 điểm.

Thị trường chứng khoán Thượng Hải, thị trường có diễn biến xấu thứ hai thế giới, sau Hy Lạp, đã giảm 27% kể từ đầu năm đến nay, sau khi Bắc Kinh triển khai một loạt biện pháp nhằm hạ nhiệt giá bất động sản đang tăng vọt./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục