Thị trường chứng khoán châu Á chao đảo sau quyết định của OPEC+

Hầu hết các thị trường chứng khoán châu Á đi xuống do tâm lý thận trọng của giới đầu tư sau khi Saudi Arabia và các nước thành viên khác của OPEC và OPEC+ bất ngờ thông báo đợt cắt giảm sản lượng mới.
Thị trường chứng khoán châu Á chao đảo sau quyết định của OPEC+ ảnh 1Bảng điện tử hiển thị chỉ số KOSPI giảm điểm tại ngân hàng Hana ở Seoul, Hàn Quốc. (Ảnh minh họa. Yonhap/TTXVN)

Các mã cổ phiếu của châu Á hầu hết đi xuống khi bắt đầu ngày giao dịch đầu tuần do tâm lý thận trọng của giới đầu tư, sau khi Saudi Arabia và các nước thành viên khác của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước đối tác (OPEC+) bất ngờ thông báo đợt cắt giảm sản lượng mới.

Tại Trung Quốc, chứng khoán Hong Kong mở cửa giảm nhẹ sau đợt tăng mạnh vào tuần trước. Theo đó, chỉ số Hang Seng mở cửa giảm 0,10% (tương đương 20,61 điểm) xuống 20.379,50 điểm. Ngược lại, chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 0,14% (4,48 điểm) lên 3.277,34 điểm.

Chứng khoán Hàn Quốc cũng đi xuống khi mở cửa, bỏ qua mức tăng của Phố Wall (Mỹ) vào tuần trước bất chấp kỳ vọng rằng Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể giảm tốc độ thắt chặt chính sách tiền tệ sau khi số liệu lạm phát chủ chốt có dấu hiệu “hạ nhiệt." Cụ thể, chỉ số Kospi tại Seoul giảm 0,16% (3,93 điểm) xuống 2.472,93 điểm trong 15 phút giao dịch đầu tiên.

[Chứng khoán phiên 3/4: Cổ phiếu bất động sản tăng trần đồng loạt]

Chứng khoán Nhật Bản mở cửa phiên đầu tuần trong sắc xanh, sau các đợt phục hồi của thị trường toàn cầu khi những báo cáo mới nhất cho thấy lạm phát đã chậm lại ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và Mỹ. Chỉ số Nikkei 225 tại Tokyo tăng 0,58% (161,87 điểm) lên 28.203,35 điểm khi mở cửa.

Giới quan sát nhận định các thị trường chứng khoán dường như rất phấn khởi khi có thông tin lạm phát tại Mỹ và châu Âu giảm nhẹ. Điều này cho thấy chiến lược tăng lãi suất để kiềm chế giá cả của Fed đang phát huy tác dụng.

Hiện nhà đầu tư kỳ vọng các nhà hoạch định chính sách tiền tệ có thêm không gian để giảm tốc độ tăng lãi suất, trong bối cảnh lĩnh vực ngân hàng đang lấy lại sự ổn định./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục