Thị trường chứng khoán châu Á tăng điểm nhờ lạm phát của Mỹ giảm

Mặc dù tâm lý nhà đầu tư khá lạc quan, song các nhà phân tích cảnh báo không nên quá phấn khích vì lạm phát vẫn ở mức cao và sẽ mất một thời gian để kiểm soát.
Thị trường chứng khoán châu Á tăng điểm nhờ lạm phát của Mỹ giảm ảnh 1Các giao dịch viên tại sàn chứng khoán New York, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Các thị trường chứng khoán châu Á tăng điểm trong phiên 11/8 trong bối cảnh nhà đầu tư “thở phào” sau số liệu cho thấy lạm phát của Mỹ đã rời khỏi mức cao của 40 năm, cho phép Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thêm dư địa để giảm tốc độ tăng lãi suất.

Giá tiêu dùng ở Mỹ thấp hơn dự báo được đưa ra trong bối cảnh chi phí năng lượng giảm mạnh và tạo lực đẩy cần thiết cho các tài sản rủi ro.

Phố Wall phiên 10/8 đã chứng kiến sự tăng vọt khi chỉ số công nghệ Nasdaq tăng hơn 2%, còn đồng USD giảm so với rổ tiền tệ chính. Lợi suất trái phiếu chính phủ, một một thước đo lãi suất trong tương lai, đã giảm xuống.

Các sàn giao dịch ban đầu đã rất lo lắng về số liệu công bố ngày 10/8 vì lo ngại số liệu lạm phát cao sẽ làm tăng sức ép buộc Fed phải thông báo một đợt tăng lãi suất lớn nữa trong cuộc họp vào tháng 9.

Lo ngại rằng động thái thắt chặt tiền tệ của Fed sẽ khiến nền kinh tế hàng đầu thế giới rơi vào suy thoái đã kéo thị trường xuống thấp hơn trong nhiều tháng, trong khi tâm lý của nhà đầu tư trên thị trường vốn đã ảm đạm trước một số vấn đề bao gồm căng thẳng Nga-Ukraine, tắc nghẽn chuỗi cung ứng và mối quan hệ Trung-Mỹ ngày càng xấu đi.

Năng lượng tích cực từ Phố Wall đã chuyển sang thị trường châu Á. Tại thị trường Trung Quốc, chỉ số Hang Seng của Hong Kong tăng 2,4% lên 20.082,43 điểm, còn chỉ số Shanghai Composite trên sàn Thượng Hải tăng 1,6% lên 3.281,67 điểm.

Chứng khoán Sydney, Seoul, Đài Bắc và Jakarta đều tăng hơn 1%. Chứng khoán Manila đã tăng hơn 3%, còn Singapore, Wellington và Mumbai cũng tăng.

Thị trường Tokyo đóng cửa nghỉ lễ.

[Chứng khoán Âu-Mỹ tăng điểm nhờ những dữ liệu lạm phát tích cực từ Mỹ]

Mặc dù tâm lý nhà đầu tư khá lạc quan, song các nhà phân tích cảnh báo không nên quá phấn khích vì lạm phát vẫn ở mức cao và sẽ mất một thời gian để kiểm soát, trong khi số liệu về giá sản xuất, có thể ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng trong tương lai, cũng sẽ được theo dõi sát sao.

Carol Kong, thuộc Ngân hàng Commonwealth Bank of Australia, nói với Bloomberg Television rằng sẽ cần lạm phát giảm thêm vài tháng nữa trước khi Fed có thể bắt đầu suy nghĩ về việc tạm dừng chu kỳ thắt chặt của mình.

Trong khi đó, các quan chức Fed đang cố gắng xoa dịu đồn đoán rằng thể chế tài chính này có thể bắt đầu giảm chi phí đi vay ngay trong năm tới.

Chủ tịch Fed tại Minneapolis, Neel Kashkari, cảnh báo "còn rất lâu mới có thể tuyên bố một chiến thắng, trong khi đó chủ tịch Fed chi nhánh Chicago Charles Evans cho biết lãi suất sẽ tiếp tục tăng trong "những tháng còn lại của năm nay và trong năm tới".

Chốt phiên giao dịch 11/8, VN-Index giảm 4,43 điểm xuống 1.252,07 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 810,5 triệu đơn vị, tương ứng hơn 18.777 tỷ đồng, tăng hơn 30,4% so với phiên hôm qua. Toàn sàn có 136 mã tăng giá, 319 mã giảm giá và 78 mã đứng giá.

HNX-Index giảm 3,36 điểm xuống 300,18 điểm. Khối lượng giao dịch đạt trên 128,7 triệu đơn vị, tương ứng hơn 2.555,7 tỷ đồng. Toàn sàn có 63 mã tăng giá, 144 mã giảm giá, 59 mã đứng giá./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục