Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm phiên thứ năm liên tiếp

Thị trường chứng khoán Mỹ đi xuống trong phiên thứ năm liên tiếp, trong bối cảnh các số liệu vừa được công bố cho thấy khu vực dịch vụ của nước này tăng chậm lại và giá dầu thô thế giới tiếp tục giảm.
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm phiên thứ năm liên tiếp ảnh 1Tại sàn giao dịch chứng khoán New York. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 6/1, thị trường chứng khoán Mỹ đi xuống trong phiên thứ năm liên tiếp, trong bối cảnh các số liệu vừa được công bố cho thấy khu vực dịch vụ của nước này tăng chậm lại và giá dầu thô thế giới tiếp tục giảm.

Chỉ số chứng khoán S&P 500 phải gánh chịu chuỗi giảm điểm dài nhất trong khoảng 13 tháng qua. Chỉ số này đã giảm tới 4,2% trong năm phiên giao dịch gần đây nhất.

Sau khi “mở hàng” tuần này với phiên giảm điểm mạnh nhất kể từ ngày 9/10/2014, chỉ số S&P 500 khép lại phiên giao dịch thứ hai của tuần (6/1) với mức giảm 17,97 điểm (0,89%) xuống 2.002,61 điểm.

Trong phiên 6/1, S&P 500 có lúc đã giảm xuống dưới ngưỡng 2.000 điểm lần đầu tiên kể từ ngày 17/12/2014.

Kết thúc phiên 6/1, chỉ số Dow Jones giảm 130,01 điểm (0,74%) xuống 17.371,64 điểm và chỉ số Nasdaq Composite giảm 59,84 điểm (1,29%), còn 4.592,74 điểm.

Sự xuống giá mạnh của cổ phiếu ngành năng lượng chính là yếu tố lớn nhất kéo chỉ số S&P 500 đi xuống.

Đóng cửa phiên 6/1, chỉ số S&P 500 Energy (lĩnh vực năng lượng) giảm 1,3%, do giá dầu thô tiếp tục trượt dốc trong bối cảnh nỗi lo dư cung ngày càng mạnh thêm. Giá dầu thô ngọt nhẹ tại New York (Mỹ) đã giảm xuống dưới ngưỡng 50 USD/thùng và kết thúc phiên ở mức 47,93 USD/thùng.

Giới phân tích cho rằng bên cạnh việc giá dầu thô giảm, thị trường còn bị tác động bởi những thông tin kinh tế không được như kỳ vọng. Lĩnh vực dịch vụ của Mỹ trong tháng 12/2014 tăng chậm lại trong khi số đơn đặt hàng mới trong lĩnh vực chế tạo giảm trong tháng thứ tư liên tiếp trong tháng 11/2014.

Bên cạnh đó, cuộc bầu cử Quốc hội tại Hy Lạp vào cuối tháng này đang làm dấy lên nguy cơ Xứ xở các vị thần phải rời Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone). Điều đó đang làm gia tăng sức ép khiến Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) phải tung ra chương trình nới lỏng định lượng tại cuộc họp sắp tới để ổn định tình hình kinh tế khu vực.

Dầu thô tiếp tục rớt giá và nguy cơ Hy Lạp rời Eurozone gia tăng cũng đẩy các thị trường chứng khoán trên toàn cầu đi xuống.

Giới đầu tư đang chuyển sang các kênh đầu tư an toàn hơn như vàng, đồng yen và trái phiếu chính phủ có độ rủi ro thấp.

Kết thúc phiên 6/1, chỉ số chứng khoán toàn cầu MSCI World giảm 1,04% xuống 403,8 điểm và chỉ số FTSEurofirst 300 của châu Âu giảm 0,7% xuống 1.323,47 điểm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục