“Công tác chuẩn bị cho việc xây dựng và hoàn thành hệ thống giao dịch trên thị trường chứng khoán phái sinh cũng như hệ thống thanh toán bù trừ chứng khoán phái sinh đang được thực hiện đúng theo kế hoạch và có thể sẵn sàng đáp ứng yêu cầu triển khai thị trường vào quý 1/2017.”
Điều này được bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển Thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) khẳng định tại buổi Họp báo chuyên đề tháng Chín do SSC và Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) phối hợp tổ chức.
Về hệ thống giao dịch, ông Nguyễn Anh Phong, Phó Tổng giám đốc HNX cho biết, công tác chuẩn bị hệ thống đã được Sở triển khai từ tháng Tư, tiếp đến sẽ cho chạy thử kết nối giữa HNX và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam vào tháng Chín, sau đó tiến hành kết nối với các thành viên trong thị trường và về cơ bản sẽ chạy thử kết nối toàn hệ thống vào khoảng tháng 12.
Về sản phẩm phái sinh được đưa ra thị trường trong giai đoạn đầu, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chỉ lựa chọn sản phẩm hợp đồng tương lai đối với chỉ số chứng khoán, mà chưa đưa vào sản phẩm hợp đồng tương lai đối với tài sản cơ sở là chứng khoán đơn lẻ.
Bởi theo đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, việc lựa chọn các chứng khoán là tài sản cơ sở sẽ đặt ra những tiêu chí khá cao, ngoài ra cũng tiềm ẩn những yếu tố rủi ro (như thao túng giá cả), trong khi đảm bảo tính an toàn phải đặt lên hàng đầu. Theo thông lệ, các thị trường quốc tế cũng thường đưa vào giao dịch hợp đồng tương lai trước so với các sản phẩm phái sinh khác.
Cụ thể, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ phê duyệt những sản phẩm đầu tiên có thể là bao gồm 3 sản phẩm (hợp đồng tương lai đối với chỉ số HNX30, hợp đồng tương lai đối với chỉ số VN30, hợp đồng tương lai đối với trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 5 năm.)
Ngoài ra bà Bình cũng cho biết, sắp tới đây hai Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiến hành nghiên cứu đưa ra thị trường bộ chỉ số chung và khi bộ chỉ số này đi vào hoạt động thì đây sẽ là tài sản cơ sở cho thị trường phái sinh.
Thêm vào đó, bà Bình cũng nhấn mạnh: "Các quy định pháp luật về thị trường chứng khoán phái sinh sẽ đảm bảo tuân thủ các thông lệ quốc tế tốt nhất. Do, Việt Nam là thị trường đi sau nên có điều kiện rút kinh nghiệm từ các thị trường đi trước. Đặc biệt là sau giai đoạn khủng hoảng toàn cầu (năm 2008), quốc tế đã có nhiều thay đổi rất lớn về quản lý thị trường chứng khoán phái sinh."
Tại buổi Họp báo, bà Nguyễn Thị Hoàng Lan, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Phó Giám đốc phụ trách HNX cũng cho hay, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ có ba sự kiện lớn diễn ra trong tháng 10: lần đầu tiên Hội nghị Tổng giám đốc các Sở Giao dịch Chứng khoán ASEAN; Chương trình giao lưu giữa các công ty chứng khoán trong khu vực ASEAN sẽ diễn ra tại Việt Nam; Sự kiện gặp mặt thường niên của các thành viên thị trường cũng được HNX tổ chức trong dịp này./.