Thị trường chứng khoán thế giới đồng loạt giảm điểm trong phiên 17/1

Những số liệu mới nhất của các nền kinh tế lớn của thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Anh đã tác động đến tâm lý của các nhà đầu tư, kéo thị trường chứng khoán toàn cầu giảm điểm trong phiên 17/1.

Giao dịch viên tại Sàn chứng khoán New York, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Giao dịch viên tại Sàn chứng khoán New York, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chứng khoán toàn cầu đồng loạt giảm trong phiên 17/1, khi doanh số bán lẻ của Mỹ mạnh hơn dự kiến đã làm mờ đi hy vọng về việc cắt giảm lãi suất sớm tại nước này.

Cùng với đó, các số liệu của Trung Quốc và Vương quốc Anh cũng khiến thị trường thêm lý do để lo lắng.

Phiên này, chứng khoán Phố Wall mất điểm sau khi số liệu mới cho thấy doanh số bán lẻ tháng 12/2023 tại nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng 0,6% so với tháng trước đó và khép lại một năm ghi nhận nhu cầu tiêu dùng ổn định.

Cụ thể, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 0,3% xuống 37.266,67 điểm. Chỉ số S&P 500 mất 0,6% xuống 4.739,21 điểm, trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq Composite để mất 0,6% và khép phiên ở mức 14.855,62 điểm.

Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, các thị trường chứng khoán châu Âu đều giảm tới 1%. Theo đó, chỉ số FTSE 100 tại London (Anh) giảm 1,5% xuống 7.446,29 điểm, chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt (Đức) để mất 0,8% xuống 16.431,69 điểm.

Chỉ số CAC 40 tại Paris (Pháp) lùi 1,1% xuống 7.318,69 điểm. Chỉ số tổng hợp Euro Stoxx 50 khi đóng cửa cũng hạ 1,0% xuống 4.403,08 điểm.

Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) trong cuộc họp gần đây nhất đã giữ lãi suất ổn định và dự kiến ba lần cắt giảm trong năm nay, khiến các nhà giao dịch dự đoán lần cắt giảm đầu tiên có thể đến sớm nhất là vào tháng 3/2024.

Tuy nhiên, ông Peter Cardillo của công ty môi giới tài chính Spartan Capital cho biết thị trường đang tự điều chỉnh lại trước những đồn đoán về việc cắt giảm lãi suất.

Ông nói thêm rằng việc cắt giảm lãi suất vào tháng 3/2024 có thể không còn khả thi, khi cân nhắc tới hiệu quả hoạt động của nền kinh tế và cách các quan chức ngân hàng trung ương nói về sự thận trọng trong việc hạ lãi suất.

Một vấn đề đau đầu khác đối với các nhà đầu tư là bức tranh kinh tế ở Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau Mỹ.

Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng 5,2% trong quý 4/2023, phù hợp với mục tiêu chính thức.

Tuy nhiên, điều này không xóa được thực tế về một số diễn biến đáng lo ngại như tình trạng dân số giảm, giá nhà quy yếu và doanh số bán lẻ không như kỳ vọng của nước này.

Thị trường càng lo lắng hơn khi dữ liệu chính thức cho thấy lạm phát hàng năm của Anh nhích cao hơn trong tháng 12/2023, trái ngược với dự báo thị trường sẽ giảm nhẹ.

Tại thị trường trong nước, kết thúc phiên giao dịch ngày 17/1, chỉ số VN-Index giảm 0,59 điểm (0,05%) xuống 1,162.53 điểm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục