Thị trường chứng khoán tìm điểm cân bằng cho quá trình tích lũy trung hạn

Những phân tích cho thấy VN-Index vẫn trong nhịp tăng ngắn hạn và vận động trong khu vực cân bằng để hình thành nền tích lũy mới cho trung hạn.

VN-Index điều chỉnh mạnh tại vùng kháng cự quanh 1.185 điểm. (Ảnh: Vietnam+)
VN-Index điều chỉnh mạnh tại vùng kháng cự quanh 1.185 điểm. (Ảnh: Vietnam+)

Thị trường chứng khoán trải qua một tuần giao dịch với áp lực điều chỉnh, VN-Index giảm tổng cộng 3,12 điểm (0,27% và HNX-Index tăng nhẹ 1,13 điểm (0,49%).

Thanh khoản đột biến

Báo cáo phân tích từ Công ty Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS), thanh khoản trên sàn HoSE trong tuần đạt tới 86.459 tỷ đồng và tăng 17,7% so với tuần trước đó. Tương tự, thanh khoản tại sàn HNX-Index cũng tăng mạnh 21,8%.

Ông Nguyễn Khắc Thành, chuyên viên phân tích tại SHS, cho biết điểm nhấn trong tuần là phiên giao dịch chịu áp lực điều chỉnh với thanh khoản đột biến hơn 1 tỷ USD. Tuy nhiên sau đó, VN-Index đã có sự phục hồi quay trở lại khu vực 1.160 điểm với nhiều mã tăng vượt vùng giá đỉnh gần nhất.

“Diễn biễn thị trường thể hiện mức độ phân hóa mạnh. Bên cạnh đó, dòng tiền ngắn hạn duy trì tín hiệu xoay vòng tích cực với hoạt động luân chuyển ở từng nhóm mã. Trong tuần, nhiều mã vẫn tăng giá vượt trội trong thời gian công bố kết quả kinh doanh quý 4,” ông Thành cho hay.

Cụ thể, nhóm cổ phiếu ngân hàng chịu áp lực điều chỉnh với thanh khoản khá đột biến và gây áp lực tiêu cực đến chỉ số chung khi đa số. Kết thúc tuần giao dịch, các mã SHB giảm 7,29%, EIB giảm 5,38%, NVB giảm 5,31%, VPB giảm 4,81%....

Cùng với đó, dòng tiền ngắn hạn duy trì ở lại thị trường và đẩy nhiều mã, nhóm mã tăng giá cao cùng với thanh khoản tăng mạnh, thậm chí có những mã ghi nhận mức giá giao dịch vượt các vùng giá đỉnh cũ. Nổi bật nhất là ở nhóm bất động sản khu công nghiệp và cao su, như SNZ tăng 22,74%, GVR tăng 14,69%, DTD tăng 12,85%, LHG tăng 10,89%, PHR tăng 10,06%...

Nhóm cổ phiếu dịch vụ tài chính, chứng khoán có độ phân hóa mạnh, các mã MBS tăng 8,13%, FTS tăng 8,11%, CTS tăng 7,57%, AGR tăng 3,61%..., trong khi các mã TCI giảm 4,81%, TVB giảm 3,19%, CSI giảm 3,14%...

Tương tự, nhóm cổ phiếu bất động sản cũng có diễn biến phân hóa tích cực, nhiều mã tăng giá vượt vùng đỉnh cũ với thanh khoản đột biến, nổi bật như PXL tăng 23,53%, IJC tăng 6,60%, TCH tăng 5,81%,VPI tăng 5,42%..., song các mã HD6 giảm 15,21%, DLG giảm 10,94%...

Hình thành nền tích lũy mới

Về kỹ thuật, ông Thành cho biết tuần qua, VN-Index điều chỉnh mạnh tại vùng kháng cự quanh 1.185 điểm, tương ứng vùng kháng cự của đường xu hướng giảm giá trung dài hạn (tính từ vùng giá 1.500 điểm tháng 4/2022 đến nay).

Theo ông Thành, thị trường có động thái lưỡng lự, gần như đi ngang sau phiên hồi phục và chốt phiên cuối tuần với VN-Index giảm nhẹ 0,47 điểm (0,04%), đóng cửa ở 1.172,55 điểm.

“Trong ngắn hạn, VN-Index vẫn trong nhịp tăng nhưng xu hướng kiểm tra lại hỗ trợ của nền tích lũy nhỏ vẫn chưa kết thúc. Về trung hạn, VN-Index đang vận động trong khu vực cân bằng để hình thành nền tích lũy mới và thị trường kỳ vọng sẽ hình thành nền tích lũy trong biên độ 1.150-1.250 điểm,” ông Thành chia sẻ.

Phân tích cơ bản, ông Thành cho rằng tình hình kinh tế vĩ mô trong nước ghi nhận tiếp tục có sự ổn định cùng với đó mức tăng trưởng GDP các quý đang tăng dần. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng GDP chưa đạt như kỳ vọng đồng thời tăng trưởng tín dụng còn khá yếu. Điều này cho thấy khả năng hấp thụ vốn trong nền kinh tế đang có khả năng hấp thụ vốn thấp, những khó khăn đối với thị trường bất động sản và đặc biệt là thị trường trái phiếu vẫn chưa có bước chuyển biến căn cơ. Trong khi, tình hình kinh tế toàn cầu hiện rất khó lường với nhiều bất ổn và tăng trưởng thấp. Nhiều nền kinh tế trong khu vực Liên minh châu Âu bước vào suy thoái...

Tuy nhiên, ông Thành chỉ ra điểm tích cực là tình hình lạm phát đã bình ổn và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã phát tín hiệu dừng tăng lãi suất đồng thời để ngỏ khả năng khởi động chu kỳ giảm lãi trong năm 2024.

“Với tình trạng vĩ mô tốt xấu đan xen, việc thị trường chứng khoán hướng tới vận động tìm điểm cân bằng lại để tích lũy là phù hợp,” ông Thành nói.

Báo cáo phân tích của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cũng nhấn mạnh đến những yếu tố bất lợi từ bên ngoài. Khi thời gian gần đây, một số ý kiến đã đưa ra cảnh báo về kinh tế của Đức (nền kinh tế lớn nhất châu Âu) có nguy cơ rơi vào ‘khủng hoảng vĩnh viễn’ và nguy cơ nhấn chìm nền kinh tế lớn nhất châu Âu.

Yếu tố thuận lợi cũng được nhóm phân tích của VCBS chỉ ra thị trường chứng khoán Mỹ “bật xanh” trong lúc chờ báo cáo việc làm, giá dầu tụt mạnh. Phiên cuối tuần, chỉ số Dow Jones tăng 369,54 điểm, tương đương tăng 0,97%, chốt ở mức 38.519,84 điểm. Đây là mức điểm đóng cửa cao kỷ lục mới của chỉ số này và nó được thiết lập chỉ một ngày sau khi chỉ số mất hơn 300 điểm. Một ngày sau cuộc họp chính sách tiền tệ của FED với quyết định giữ nguyên lãi suất và nỗ lực của các nhà hoạch định chính sách tiền tệ nhằm đẩy lùi kỳ vọng của thị trường về thời điểm có thể bắt đầu hạ lãi suất. Trong nước, báo cáo cáo tài chính của các doanh nghiệp niêm yết trở lại tâm điểm chú ý của giới đầu tư.

Về góc nhìn kỹ thuật, nhóm phân tích của VCBS cho rằng VN-Index chốt phiên cuối tuần với mức điểm giảm nhẹ, do thanh khoản bán chủ động bất ngờ gia tăng vào đợt buổi chiều. Theo khung đồ thị ngày, chỉ báo xu hướng tiếp diễn của cổ phiếu-RSI đang cho dấu hiệu hướng xuống ở vùng cao và đường trung bình động-MACD cắt xuống dưới đường chỉ báo cho thấy thị trường xác suất cao thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục có các phiên điều chỉnh. Bên cạnh đó, thanh khoản trong phiên tăng cao, tuy nhiên khung giá khá hẹp cho thấy dòng tiền đang thiếu sự đồng thuận./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục