Thị trường mới nổi là lựa chọn của hãng ôtô Nhật

Các nhà sản xuất ôtô Nhật Bản đang đẩy nhanh chiến lược chuyển trung tâm sản xuất và bán hàng sang các thị trường mới nổi.
Các nhà sản xuất ôtô Nhật Bản đang đẩy nhanh chiến lược chuyển trung tâm sản xuất và bán hàng sang các thị trường mới nổi.

Nguyên nhân là do 3 thị trường lớn Nhật Bản, Mỹ và châu Âu, vốn là các thị trường chủ yếu, hiện khó mở rộng, trong khi thị trường các nước mới nổi được nhận định sẽ tăng nhu cầu và có thể đảm bảo chất lượng nhất định bằng sản xuất tại chỗ.

Mitsubishi ngày 6/2 đã tuyên bố dừng sản xuất tại châu Âu. Nhà máy của hãng này ở Hà Lan bắt đầu sản xuất từ năm 1995 và hiện đang sản xuất hai loại xe là dòng xe nhỏ Colt và dòng xe thể thao đa dụng Autolander. Tuy nhiên, sản lượng năm 2010 chỉ dừng ở mức gần 50.000 xe, thấp hơn mức 1/4 công suất cực đại của nhà máy.

Do đây là nhà máy lắp ráp các phụ tùng được sản xuất tại Nhật Bản, việc đồng yên tăng giá trong khi đồng euro mất giá là cú đánh mạnh trực tiếp khiến lợi nhuận giảm.

Cùng với việc từ bỏ hợp tác với hãng Daimler của Đức, việc Mitsubishi không nhận được ủy thác sản xuất cũng gây ảnh hưởng lớn. Hãng sẽ bắt đầu sản xuất xe tại Thái Lan từ tháng 3 và xuất khẩu sang các nước chủ chốt, bắt đầu từ châu Á.

Trong khi đó, Daihatsu đến cuối tháng 1/2013 cũng sẽ chấm dứt việc bán xe mới tại thị trường châu Âu sau hơn 50 năm có mặt tại thị trường này. Vốn xuất khẩu xe nguyên chiếc từ Nhật Bản, nhưng do kết quả kinh doanh yếu kém, hãng đã quyết định rút khỏi thị trường này.

Do thị trường châu Âu áp đặt quy định nghiêm ngặt về khí thải và nhu cầu đối với các loại xe động cơ diesel không phải là chủ lực của Nhật Bản tăng, các hãng xe Nhật Bản dự liệu rằng dù có tiếp tục kinh doanh ở thị trường này thì cũng không có lợi nhuận.

Toyota dự kiến sẽ xây dựng nhà máy mới tại Thái Lan và Indonesia vào năm 2013, trong khi Nissan sẽ xây dựng nhà máy mới tại Mexico và Brazil vào năm 2013-2014, nhằm đẩy mạnh bán hàng tại các nước này.

Honda cũng đang thảo luận việc xây nhà máy mới ở Nga. Sản xuất ngay tại chỗ có thể giúp các hãng tránh được rủi ro về tỷ giá, trong khi có được các lợi thế khác khi chi phí lao động ở các nền kinh tế mới nổi thấp và công nghệ sản xuất đã được nâng cao.

Trong năm 2011 doanh số bán tại châu Âu của Honda giảm 20%, còn của Mazda giảm 15%.

Minh Sơn (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục