Thị trường nông sản: Giá gạo xuất khẩu duy trì ổn định

Về thị trường xuất khẩu, gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán với giá từ 585-590 USD/tấn trong phiên 23/5, không đổi so với một tuần trước đó.

Giá gạo xuất khẩu duy trì ổn định. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
Giá gạo xuất khẩu duy trì ổn định. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Giá lúa ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tuần qua chủ yếu là đi ngang. Tại nhiều địa phương, hoạt động giao dịch chậm lại. Bên cạnh đó, trên thị trường xuất khẩu, giá gạo xuất khẩu duy trì ổn định.

Tại An Giang, theo cập nhật của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, giá hầu hết các loại lúa không có sự thay đổi như: OM 18 từ 7.800-8.000 đồng/kg, Nàng Hoa 9 có giá từ 7.600-7.700 đồng/kg, lúa Nhật từ 7.800-8.000 đồng/kg, IR 50404 từ 7.500-7.600 đồng/kg, OM 5451 từ 7.600-7.700 đồng/kg, Đài thơm 8 từ 7.8000-8.000 đồng/kg...

Với mặt hàng gạo trên thị trường bán lẻ tại An Giang, gạo thường có giá từ 15.000-16.000 đồng/kg; gạo thơm thái hạt dài từ 19.000-20.000 đồng/kg; gạo Jasmine từ 17.000-19.000 đồng/kg; gạo trắng thông dụng 17.000 đồng/kg, gạo Nàng Hoa 19.500 đồng/kg…

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tính đến giữa tháng Năm, các tỉnh, thành phố tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã gieo cấy vụ Hè Thu 2024 được 982.000ha/1,48 triệu ha kế hoạch.

Về thị trường xuất khẩu, gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán với giá từ 585-590 USD/tấn trong phiên 23/5, không đổi so với một tuần trước đó.

Một thương nhân ở Thành phố Hồ Chí Minh cho biết nhu cầu mua gạo Việt Nam của Indonesia đang khá lớn.

Trong khi đó, giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, đã tăng nhẹ trong tuần này.

Giá gạo Thái Lan vẫn áp sát mức đỉnh của ba tháng qua, một phần nhờ nhu cầu từ Indonesia khá vững. Gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ được chào bán với giá 536-544 USD/tấn trong tuần này, tăng so với mức từ 531-539 USD/tấn của tuần trước.

Một thương nhân ở Mumbai cho biết nhu cầu từ các khách hàng châu Phi tăng nhẹ, do giá gạo Ấn Độ thấp hơn so với các nước khác.

Trong khi đó, gạo 5% tấm của Thái Lan được chào bán ở mức từ 630-635 USD/tấn, giảm nhẹ so với mức từ 632-640 USD/tấn của tuần trước. Một thương nhân dự báo giá gạo có thể giảm sau khi các khách hàng quay lưng với gạo Thái Lan vì giá cao và giá gạo sẽ biến động trong một thời gian nhất định khi thị trường chờ đợi nguồn cung mới.

Bộ trưởng Nông nghiệp Abdus Shahid cho biết sản lượng gạo của Bangladesh đã tăng hơn bốn lần trong 50 năm qua và không có tình trạng khan hiếm lương thực thiết yếu tại quốc gia này. Tuy nhiên, giá gạo tại Bangladesh vẫn ở mức cao bất chấp vụ mùa bội thu và dự trữ dồi dào.

Về thị trường càphê thế giới, giá càphê ở thị trường trong nước và thế giới tăng mạnh trở lại trong ngày 25/5. Giá càphê Robusta trên sàn London giao tháng 7/2024 tăng tới 73 USD lên mức 3.892 USD/tấn và giá càphê giao tháng 9/2024 tăng 67 USD lên 3.806 USD/tấn.

Về thị trường càphê thế giới, giá càphê ở thị trường trong nước và thế giới tăng mạnh trở lại trong ngày 25/5. Giá càphê Robusta trên sàn London giao tháng 7/2024 tăng tới 73 USD lên mức 3.892 USD/tấn và giá càphê giao tháng 9/2024 tăng 67 USD lên 3.806 USD/tấn.

Còn trên sàn New York, giá càphê Arabica giao tháng 7/2024 tăng 2,6 xu lên 218,25 xu/lb và giá càphê giao tháng 9/2024 tăng 2,55 xu lên 217,35 xu/lb (1lb = 0,45kg).

Giá càphê tại thị trường Việt Nam tăng 1.500 đồng, đưa nông sản này tiến lên mốc 117.000 đồng/kg.

Giá càphê thế giới tăng mạnh trở lại sau phiên giảm sâu trước đó.

Sau những biến động mạnh, thị trường sẽ có 3 ngày nghỉ trước khi trở lại giao dịch vào thứ Ba tuần sau.

Theo đánh giá của các chuyên gia, có lẽ chính nguyên nhân đó đã khiến phiên cuối tuần sôi động.

Các chuyên gia cũng cho biết lượng mưa ở Brazil đang gây lo ngại cho nguồn cung, trong khi sản lượng vụ mùa sắp thu hoạch của Việt Nam được dự báo sẽ giảm tới 20%.

Theo các chuyên gia, năm nay nhu cầu trồng càphê của nông dân tăng cao, sau khi giá nông sản này tăng mạnh.

Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo nông dân cần lưu ý đến đạo luật cấm nhập khẩu vào Liên minh châu Âu (EU) với 7 nhóm hàng hóa (trong đó có càphê) xuất xứ từ phá rừng, sẽ có hiệu lực vào cuối năm 2024./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục