Thị trường nông sản khép tuần với không khí ảm đạm

Hòa theo xu hướng chung của thị trường hàng hóa toàn cầu, thị trường nông sản cũng đồng loạt đi xuống, trước dự báo không mấy lạc quan.
Hòa theo xu hướng chung của thị trường hàng hóa toàn cầu trong tuần qua, thị trường nông sản cũng đồng loạt đi xuống, trước những dự báo không mấy lạc quan về triển vọng kinh tế tại nhiều khu vực trên thế giới.

Trong phiên giao dịch cuối tuần (12/10), giá ca cao đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 7/2012, nhờ mối lo ngại về nguồn cung của Cote d'ivoire - nhà sản xuất ca cao lớn nhất thế giới - dịu bớt.

Nhà phân tích thị trường hàng hóa Ed Meir thuộc công ty INTL FCStone cho biết: “Giá ca cao đã tăng mạnh trong tháng 7 và tháng 8 năm nay, do đồn đoán rằng tình hình thời tiết khô hạn sẽ tác động xấu tới năng suất cây trồng ở khu vực Tây Phi và Đông Nam Á. Tuy nhiên, mối quan tâm này đã lắng xuống phần nào trong vài tuần gần đây, và đó là lý do khiến giá ca cao rớt xuống mức thấp nhất trong 7 tuần qua.”

Chốt phiên này, tại sàn giao dịch LIFFE của Anh, giá ca cao giao tháng 12/2012 giảm xuống còn 1.524 bảng Anh/tấn, so với mức chốt tuần trước đó là 1.533 bảng Anh/tấn. Trong khi đó, tại sàn giao dịch nông sản NYBOT-ICE của Mỹ, giá ca cao giao cùng kỳ hạn cũng hạ từ mức 2.406 USD/tấn xuống 2.360 USD/tấn.

Tại cuộc họp thường niên giữa Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng thế giới (WB) vừa diễn ra tại Tôkyô (Nhật Bản), hai thể chế tài chính hàng đầu thế giới này đã lần lượt hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2012 và 2013. Điều này đã dấy lên lo ngại về nhu cầu tiêu thụ hàng hóa trên toàn thế giới sụt giảm và khiến nhiều thị trường “lao dốc.”

Mặt hàng đường cũng không phải là ngoại lệ, khi giới đầu tư tỏ ra không mấy mặn mà với các hoạt động giao dịch trong thời gian gần đây, đặc biệt là sau khi IMF cảnh báo rằng khủng hoảng nợ công của Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ tồi tệ hơn, và nguy cơ các nhà hoạch định chính sách Mỹ sẽ thất bại trong việc ngăn chặn một "vực thẳm tài chính" có thể gây thêm khó khăn cho kinh tế châu Á.

Khép lại phiên giao dịch 12/10, tại sàn NYBOT-ICE, giá đường thô giao tháng 3/2013 đứng ở mức 20,47 xu Mỹ/lb (1 lb = 0,454 kg), giảm so với mức giá 21,37 xu/lb của phiên cuối tuần trước nữa. Tại sàn LIFFE, giá đường trắng giao tháng 12/2012 cũng giảm từ 595,70 USD/tấn xuống còn 566 USD/tấn.

Trong khi đó, điều kiện thời tiết tại Brazil được cải thiện đáng kể đã góp phần tiếp thêm đà giảm giá càphê trong phiên cuối tuần. Trước đó, trong phiên giao dịch 11/10, thị trường càphê cũng sụt giá mạnh, chủ yếu do đồng USD tăng sau số liệu tích cực về thị trường việc làm của Mỹ. Ngoài ra, mặt hàng này cũng chịu áp lực từ hoạt động bán ra chốt lời của nhà đầu tư trên sàn London và bán tháo trên sàn New York.

Chốt phiên 12/10, giá càphê Robusta giao tháng 11/2012 tại thị trường Anh giảm xuống còn 2.060 USD/tấn, so với mức tương ứng 2.140 USD/tấn của tuần trước đó. Còn tại thị trường Mỹ, giá càphê Arabica giao tháng 12/2012 cũng “tụt” từ 173,90 xu Mỹ/lb xuống 160,70 xu/lb.

Mới đây, báo cáo hàng tháng của Hiệp hội các nhà xuất khẩu càphê Brazil cho biết, xuất khẩu càphê nhân trong tháng 9/2012 của nước này giảm 26% xuống còn 1,94 triệu bao (loại 60 kg) so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu càphê rang và càphê hòa tan cũng giảm 10%, xuống còn 280.506 bao.

Ước tính, năm 2012, Brazil đã thu hoạch được vụ càphê lớn nhất từ trước đến nay, chủ yếu là khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 9. Tuy nhiên, trong ba tháng đầu tiên của tài khóa 2012-2013 (bắt đầu từ tháng 7/2012), xuất khẩu càphê của Brazil chỉ đạt 6,06 triệu bao, giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái, mức thấp nhất kể từ cùng kỳ năm 2008./.

Minh Trang (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục