Thị trường nông sản tuần qua: Cả lúa và gạo đều tăng giá nhẹ

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá lúa thường tại ruộng tuần qua cao nhất là 7.900 đồng/kg, giá bình quân là 7.850 đồng/kg, tăng 32 đồng/kg.
Thị trường nông sản tuần qua: Cả lúa và gạo đều tăng giá nhẹ ảnh 1Thương lái thu mua thóc. (Ảnh: Thu Hiền/TTXVN)

Giá lúa gạo khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tuần qua đều có có sự tăng nhẹ.

Trong khi giá gạo Việt Nam xuất khẩu không thay đổi so với tuần trước thì giá gạo Ấn Độ hay Thái Lan đều giảm.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá lúa thường tại ruộng tuần qua cao nhất là 7.900 đồng/kg, giá bình quân là 7.850 đồng/kg, tăng 32 đồng/kg.

Giá lúa thường tại kho tăng trung bình 8 đồng/kg, ở mức 9.017 đồng/kg; giá cao nhất là 9.400 đồng/kg.

[Giá lúa mỳ lần đầu tiên giảm bốn quý liên tiếp kể từ năm 2008]

Giá các mặt hàng gạo có sự tăng tốt hơn so với giá lúa. Theo đó, gạo 5% tấm có giá cao nhất 14.400 đồng/kg, giá bình quân 14.250 đồng/kg, tăng 57 đồng/kg.

Gạo 15% tấm có giá cao nhất 14.200 đồng/kg, giá bình quân 14.058 đồng/kg, tăng 75 đồng/kg.

Gạo 25% tấm có giá cao nhất 14.000 đồng/kg, giá bình quân 13.808 đồng/kg, tăng 125 đồng/kg.

Giá gạo xát trắng loại 1 tăng 63 đồng/kg, giá trung bình là 14.500 đồng/kg. Gạo lứt loại 1 tăng 154 đồng/kg, trung bình là 12.279 đồng/kg.

Tại An Giang, theo cập nhật của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh, giá các loại lúa như: OM 18, Đài thơm 8 ổn định ở mức từ 7.800-8.100 đồng/kg; nàng Hoa 9 giá 8.400 đồng/kg; lúa Nhật 7.800-8.000 đồng/kg; OM 5451 còn từ 7.700-8.000 đồng/kg, IR còn từ 7.800-7.900 đồng/kg.

Với lúa nếp, nếp An Giang khô ổn định ở mức từ 9.000-9.200 đồng/kg, nếp Long An khô dao động 9.100-9.200 đồng/kg.

Với mặt hàng gạo trên thị trường bán lẻ tại An Giang, gạo thường có giá từ 12.000-14.000 đồng/kg; gạo thơm thái hạt dài từ 18.000-20.000 đồng/kg; gạo Jasmine từ 16.000-18.000 đồng/kg; gạo trắng thông dụng 16.000 đồng/kg, gạo Nàng Hoa 19.000 đồng/kg...

Đồng Tháp hiện đã thu hoạch 68.721/120.828ha lúa Thu Đông, năng suất bình quân 60,8 tạ/ha.

Giá lúa chất lượng cao bán tại ruộng 7.950 đồng/kg, lúa thường IR 50404 giá 7.750 đồng/kg, cao hơn so cùng kỳ năm 2022 từ 1.000-1.500 đồng/kg.

Thị trường nông sản tuần qua: Cả lúa và gạo đều tăng giá nhẹ ảnh 2Sản xuất gạo tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Long - Chi nhánh Đồng Tháp. (Ảnh: Nhựt An/TTXVN)

Sau khi trừ các chi phí, vụ lúa Thu Đông lãi từ 25-30 triệu đồng/ha, tăng từ 9-13 triệu đồng/ha so cùng kỳ năm 2022.

Giá trị sản xuất ngành hàng lúa ở Đồng Tháp tăng do nông dân trong tỉnh chuyển từ giống lúa có chất lượng thấp sang trồng các loại giống lúa chất lượng cao như Đài thơm 8, OM 18, OM 5451, OM 4900, Nàng Hoa 9.

Kiên Giang cũng đã thu hoạch trên 237.630ha lúa Hè Thu 2023, đạt hơn 85% diện tích gieo trồng, năng suất bình quân 5,71 tấn/ha.

Tại địa bàn tỉnh, thương lái thu mua từ 7.800 đồng/kg đến hơn 8.000 đồng/kg tùy theo loại giống và chất lượng sản phẩm lúa.

Kiên Giang cũng xây dựng kế hoạch, phương án sản xuất vụ lúa Đông Xuân 2023-2024 theo hướng an toàn, bền vững và hiệu quả, nâng cao chất lượng lúa hàng hóa.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết 9 tháng, cả nước đã thu hoạch 33,6 triệu tấn lúa, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long gieo cấy 625.7.000 ha lúa Thu Đông, tăng 8,8%.

Hiện nay, một số diện tích lúa Thu Đông đã cho thu hoạch trong bối cảnh "được mùa được giá," nông dân thu lợi nhuận tốt.

Riêng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, năm 2023 diện tích trồng lúa ước đạt trên 3,8 triệu ha, tăng hơn 13.000ha; năng suất ước đạt 62,81 tạ/ha, tăng 0,88 tạ/ha và sản lượng ước đạt gần 24 triệu tấn, tăng 416.000 tấn so với năm 2022.

Trong khi thị trường lúa gạo trong nước có sự nhích lên thì gạo 5% tấm của Việt Nam tuần qua được chào ở mức từ 610-620 USD/tấn, không thay đổi so với tuần trước.

Một thương nhân tại Thành phố Hồ Chí Minh nhận định động thái dỡ bỏ trần giá gạo của Philippines chưa có tác động ngay lập tức đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Song giới thương nhân vẫn đang theo dõi chặt chẽ tình hình.

Trong khi đó, giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ giảm trong tuần này do các mức thuế gần đây áp lên các lô hàng gạo đồ đang làm nản lòng người mua.

Loại gạo đồ 5% tấm của nhà xuất khẩu hàng đầu này được báo giá ở mức từ 520-530 USD/tấn, giảm so với mức từ 525-535 USD/tấn của tuần trước.

Một đại lý có trụ sở tại Mumbai cho hay thuế xuất khẩu đã khiến gạo Ấn Độ trở nên đắt đỏ và hạn chế sức mua. Một số khách hàng đang hy vọng chính phủ sẽ không áp thuế tiếp sau ngày 15/10.

Ấn Độ đã áp đặt loại thuế này vào tháng Tám trong nỗ lực kiềm chế lạm phát trước cuộc bầu cử cấp bang vào cuối năm nay. Thuế được ấn định sẽ có hiệu lực cho đến ngày 15/10 tới.

Giá gạo 5% tấm của Thái Lan cũng đã giảm xuống còn 585 USD/tấn so với mức từ 590-607 USD/tấn của tuần trước, do đồng baht giảm xuống mức thấp nhất 11 tháng so với đồng USD trong tuần này.

Một thương nhân cho hay giá gạo Thái Lan vẫn được coi là cao vì các nhà xuất khẩu đã quen với mức giá 400 USD/tấn.

Thương nhân này bổ sung thêm rằng nhu cầu đang trầm lắng khi thị trường đang chờ nguồn cung bổ sung trong thời gian từ tháng 11-12 năm nay.

Về thị trường nông sản Mỹ, giá các loại nông sản giao kỳ hạn đồng loạt giảm trên sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT) của Mỹ trong phiên 6/10, dẫn đầu là lúa mỳ.

Khép phiên này, giá ngô giao tháng 12/2023 giảm 5,5 xu (1,1%) xuống 4,92 USD/bushel.

Giá lúa mỳ giao cùng kỳ hạn giảm 10 xu (1,73%) xuống 5,6825 USD/bushel.

Giá đậu tương giao tháng 11/2023 giảm 14,75 xu (1,15%) xuống 12,66 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).

Thông tin số việc làm phi nông nghiệp của Mỹ trong tháng 9 tăng lớn hơn dự kiến là 336.000 việc làm đã gây áp lực lên giá ngũ cốc kỳ hạn trên sàn CBOT.

Thị trường nông sản tuần qua: Cả lúa và gạo đều tăng giá nhẹ ảnh 3Ngũ cốc trong nhà kho gần thành phố Rousse, Bulgaria. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Các số liệu cho thấy nền kinh tế Mỹ đang hướng tới một cuộc “hạ cánh mềm” với những mức tăng mới trên thị trường lao động dự kiến sẽ không gây thêm áp lực lạm phát trong tương lai.

Báo cáo vụ mùa tháng 10 của Bộ Nông nghiệp Mỹ sẽ được công bố vào thứ Năm tuần tới (12/10).

Công ty nghiên cứu thị trường AgResource có trụ sở tại Chicago cho rằng các biến động giá trong tuần tới sẽ khá quan trọng khi lãi suất tại Mỹ đã gần đạt đỉnh.

Trong khi đó, giá đậu tương kỳ hạn của Mỹ đã giảm mạnh sau khi tác động của thời tiết khô nóng ở khu vực Trung Tây giảm dần.

Lý do sụt giảm là vì lượng xuất khẩu của Mỹ tăng chậm do Brazil sẽ đáp ứng nhu cầu của Trung Quốc cho đến hết tháng 10.

Brazil đã bán hết vụ thu hoạch đậu nành kỷ lục của năm 2023 và trong tương lai sẽ đến lượt nguồn cung từ Mỹ đáp ứng nhu cầu của thị trường từ tháng 11/2023 đến tháng 2/2024.

Thị trường càphê thế giới cho thấy kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá càphê Robusta trên sàn ICE Europe - London kéo dài chuỗi giảm sang phiên thứ sáu. Theo đó, giá hợp đồng kỳ hạn giao tháng 11/2023 giảm thêm 19 USD xuống 2.369 USD/tấn còn hợp đồng kỳ hạn giao tháng 1/2024 giảm thêm 22 USD xuống 2.280 USD/tấn.

Trái lại, giá càphê Arabica trên sàn ICE US - New York điều chỉnh tăng.

Cụ thể, giá hợp đồng giao tháng 12/2023 tăng 0,65 xu lên 146,05 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 3/2024 tăng 0,80 xu lên 147,20 cent/lb (1 lb = 0,4535 kg).

Giá càphê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên giảm từ 400-500 đồng, xuống dao động trong khung 63.700-64.200 đồng/kg.

Theo Rabobank, thị trường lo ngại về nhu cầu sau khi nhập khẩu càphê hạt của Mỹ đã giảm 17,5% trong tháng Bảy.

Nhập khẩu của Liên minh châu Âu (EU) và Vương quốc Anh cũng giảm 10,7% vào cùng giai đoạn.

Trong khi đó, tỷ giá đồng Reais của Brazil giảm xuống mức thấp nhất 6 tháng đã khuyến khích nông dân nước này gia tăng bán càphê xuất khẩu, góp phần gây ra tình trạng bán khống trên các sàn hàng hóa phái sinh có tính thanh khoản cao./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục