Thị trường nông sản tuần qua: Giá gạo có xu hướng tăng

Tuần qua, số liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho thấy giá lúa ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có sự giảm nhẹ, trong khi đó các loại gạo lại tăng như gạo 5% tấm có giá cao nhất 10.500 đồng/kg.
Thị trường nông sản tuần qua: Giá gạo có xu hướng tăng ảnh 1Thu hoạch lúa Đông Xuân. (Ảnh: Phạm Minh Tuấn/TTXVN)

Trong tuần qua, số liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho thấy giá lúa ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long có sự giảm nhẹ, trong khi đó các loại gạo lại tăng.

Giá lúa thường tại ruộng cao nhất là 6.550 đồng/kg, giá bình quân là 6.354 đồng/kg, giảm 64 đồng/kg. Giá lúa thường tại kho cao nhất là 7.950 đồng/kg, trung bình là 6.975 đồng/kg, giảm 375 đồng/kg.

Tuy nhiên, giá các mặt hàng gạo lại có sự tăng nhẹ. Theo đó, gạo 5% tấm có giá cao nhất 10.500 đồng/kg, giá bình quân 10.307 đồng/kg, tăng 50 đồng/kg. Gạo 15% tấm có giá cao nhất 10.200 đồng/kg, giá bình quân 10.083 đồng/kg, tăng 75 đồng/kg. Gạo 25% tấm có giá cao nhất 10.100 đồng/kg, giá bình quân 9.892 đồng/kg, tăng 142 đồng/kg. Riêng gạo xát trắng loại 1 lại giảm 125 đồng/kg, có giá trung bình là 10.400 đồng/kg.

Số liệu từ Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho thấy tại Sóc Trăng, giá lúa cũng vẫn giữ ổn định như Đài Thơm 8 là 6.800 đồng/kg; OM 5451 là 6.800 đồng/kg, ST 24 là 8.000 đồng/kg.

Tại Cần Thơ, giá lúa cũng không có sự biến động như Jasmine là 7.200 đồng/kg, OM 4218 là 6.400 đồng/kg. Riêng IR 50404 ở mức 6.200 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg.

Giá lúa tại Hậu Giang vẫn như tuần trước như IR 50404  là 6.400 đồng/kg, RVT là 8.400 đồng/kg, lúa OM 18 vẫn giữ 7.100 đồng/kg.

Giá lúa ở Tiền Giang như IR 50404  là 6.800 đồng/kg; Jasmine là 7.400 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg; OC ở mức 6.800 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, vụ Thu Đông, Mùa ở các tỉnh Nam Bộ đã thu hoạch được 408.871ha, chiếm 47,7 % diện tích gieo cấy.

[Thị trường nông sản: Giá gạo Việt Nam chạm mức cao nhất của 16 tháng]

Vụ Đông Xuân 2022-2023, các địa phương đã gieo cấy được  337.518ha. Các địa phương đang triển khai gieo cấy vụ Đông Xuân theo đúng thời vụ nhằm tránh hạn mặn cuối vụ. Nhiều địa phương đã đưa ra cơ cấu giống lúa có năng suất và chất lượng cao phù hợp với yêu cầu thị trường.

Như Trà Vinh, vụ lúa Đông Xuân 2022-2023 kế hoạch sản xuất của tỉnh là 51.734ha. Tỉnh đưa ra cơ cấu giống lúa gồm nhóm giống lúa chủ lực: OM5451, OM18, OM4900, Đài thơm 8; nhóm giống lúa bổ sung: OM429, RVT, ST5, ST20, ST24, ST25; nhóm giống lúa chất lượng trung bình: IR50404, ML202...

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khuyến cáo các các tỉnh Nam Bộ tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến sinh vật gây hại trên lúa vụ Thu Đông, Mùa 2022. Nông dân thăm đồng thường xuyên, phát hiện sớm những diện tích lúa nhiễm bệnh vàng lùn-lùn xoắn lá hại lúa. Khi phát hiện diện tích lúa nhiễm bệnh cần thực hiện triệt để và đồng bộ các biện pháp phòng chống rầy nâu và bệnh vàng lùn-lùn xoắn lá, không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng.

Về xuất khẩu, giá gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức 438 USD/tấn, so với mức 425-430 USD/tấn trong tuần trước. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 7/2021, khi các nhà giao dịch dự đoán nguồn cung giảm, còn nhu cầu gạo gia tăng sẽ hỗ trợ giá vào cuối năm.

Một thương nhân tại tỉnh An Giang thuộc đồng bằng sông Cửu Long cho hay giá gạo tăng trong tuần này là do nguồn cung từ đồng bằng sông Cửu Long bị thắt chặt và với mức giá hiện tại, giá gạo Việt Nam hiện cao hơn so với các nước xuất khẩu cùng ngành khác.

Một số thương nhân cho biết giá sẽ tiếp tục tăng cao hơn cho đến cuối tháng 12/2022 do dự trữ giảm và nhu cầu từ Trung Quốc và các nước châu Âu tăng. Trong khi đó, giá gạo đồ 5% tấm của nước xuất khẩu hàng đầu Ấn Độ không đổi ở mức từ 373-378 USD/tấn giữa lúc nhu cầu từ các nước nhập khẩu tốt.

Một nhà xuất khẩu tại Kakinada, bang Andhra Pradesh, miền Nam Ấn Độ cho biết giá gạo đang tăng ở các nước xuất khẩu khác, còn gạo Ấn Độ rẻ hơn ngay cả sau khi nộp thuế xuất khẩu.

Nguồn cung để xuất khẩu khá hạn chế trong bối cảnh Chính phủ Ấn Độ đang tích cực mua lúa vụ mới từ nông dân. Ấn Độ đã tăng giá mua lúa vụ mới từ nông dân địa phương thêm 5,2%, mức tăng lớn nhất trong 5 năm.

Thị trường nông sản tuần qua: Giá gạo có xu hướng tăng ảnh 2Gạo xuất khẩu của Ấn Độ. (Nguồn: maritimegateway.com)

Các thương nhân cho biết giá gạo trong nước tại nước láng giềng Bangladesh vẫn tăng cao bất chấp một loạt nỗ lực, bao gồm cho phép nhập khẩu và cắt giảm thuế.

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo sản lượng của Bangladesh sẽ giảm 1% so với năm ngoái xuống 35,6 triệu tấn trong niên vụ 2022-2023 do lũ lụt. Bangladesh trước đây là nhà sản xuất gạo lớn thứ ba thế giới, nhưng nay lại phải thường xuyên nhập khẩu gạo để đối phó với tình trạng thiếu hụt do thiên tai gây ra.

Giá gạo 5% tấm của Thái Lan được giao dịch ở mức 419-425 USD/tấn, so với mức 410-425 USD/tấn trong tuần trước. Các nhà giao dịch cho hay biến động giá là do tỷ giá hối đoái, trong khi nhu cầu ở nước ngoài vẫn ổn định và không có giao dịch lớn nào diễn ra.

Một thương nhân ở Bangkok cho biết có một số thỏa thuận, trong khi nhiều nhà nhập khẩu đang dự trữ hàng cho các đơn đặt hàng trong tương lai.

Về thị trường nông sản Mỹ, trong phiên giao dịch 25/11, giá các mặt hàng nông sản kỳ hạn trên sàn giao dịch Chicago, Mỹ (CBOT) giao dịch ngược chiều nhau; trong đó giá ngô và đậu tương tăng, còn giá lúa mỳ giảm.

Chốt phiên này, giá ngô giao tháng 3/2023 tăng 5 xu Mỹ (0,75%) lên 6,7125 USD/bushel, giá đậu tương giao tháng 1/2023 tăng 0,25 xu Mỹ (0,02%) lên 14,3625 USD/bushel. Giá lúa mỳ giao tháng 3/2023 giảm 16,5 xu Mỹ (2,03%) xuống 7,97 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).

Ngô dẫn đầu xu hướng tăng giá, với hợp đồng giao tháng 3/2023 tiến gần đến mức kháng cự 6,75-6,85 USD/bushel. Đậu tương kỳ hạn giao tháng 1/2023 đã thử nghiệm ở mức kháng cự 14,50 USD/bushel. Khối lượng giao dịch giảm do kỳ nghỉ lễ Tạ ơn.

Trong khi đó, Brazil đang chuẩn bị cho vụ thu hoạch đậu tương lớn kỷ lục khi thời tiết mưa gần đây và dự kiến kéo dài. Công ty nghiên cứu AgResource có trụ sở tại Chicago cho hay giá ngũ cốc của Argentina tăng lên, do thời tiết khô hạn, là cơ hội để bán ra giữa lúc nhu cầu lúa mỳ/ngũ cốc làm thức ăn chăn nuôi trên thế giới đang chậm lại.

Doanh số xuất khẩu của Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 17/11 vừa qua ở mức 18,8 triệu bushel lúa mỳ, 72,8 triệu bushel ngô và 25,4 triệu bushel đậu tương. Đối với các niên vụ tương ứng cho đến nay, Mỹ đã bán được 488 triệu bushel lúa mỳ, giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái; ngô 699 triệu bushel, giảm 48%; và 1,345 triệu bushel đậu tương, tăng 1,3%.

Thị trường nông sản tuần qua: Giá gạo có xu hướng tăng ảnh 3Ảnh minh họa. (Nguồn: world-grain.com)

Các thương nhân dự đoán USDA sẽ hạ mục tiêu xuất khẩu ngô niên vụ 2022-2023 trong báo cáo tháng 12/2022 vì Hành lang Xuất khẩu Ukraine sẽ mở cửa thêm 120 ngày nữa.

Miền bắc và miền trung Brazil có thể có mưa hàng ngày trong 10 ngày tới. Nam Brazil và Argentina khô ráo trong 5-6 ngày tới trước khi có mưa rào trở lại trong thời gian ngắn. Argentina sẽ cần có mưa trong tháng 12 tới.

Thị trường càphê thế giới cho thấy kết thúc phiên giao dịch cuối tuần qua, giá càphê Robusta trên sàn ICE Europe - London nối tiếp xu hướng tăng. Giá càphê Robusta giao tháng 1/2023 tăng 15 USD lên 1.857 USD/tấn và giá càphê Robusta giao tháng 3/2022 tăng 9 USD lên 1.821 USD/tấn. Khối lượng giao dịch ở mức trung bình.

Tương tự, giá càphê Arabica trên sàn ICE US - New York cùng xu hướng tăng. Giá càphê Arabica giao tháng 3/2022 tăng 2,30 xu Mỹ lên 165,05 xu Mỹ/lb và giá càphê Arabica giao tháng 5/2022 tăng 2,20 xu Mỹ lên 165,15 xu Mỹ/lb (1lb=0,4535 kg). Khối lượng giao dịch thấp hơn nhiều so với mức trung bình.

Giá càphê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên tăng thêm từ 200-300 đồng, lên dao động trong khung 40.600-41.100 đồng/kg.

Giá càphê trên hai sàn kỳ hạn trở lại xu hướng tăng do các quỹ đầu cơ quay lại các thị trường mua vào khi báo cáo của USDA điều chỉnh giảm sản lượng niên vụ càphê 2022/2023 của nhiều nước sản xuất chính vì thời tiết bất lợi.

Theo báo cáo, sản lượng Brazil được điều chỉnh giảm 2,6% xuống 62,6 triệu bao và sản lượng Colombia giảm 3,1% xuống 12,6 triệu bao.

USDA cũng điều chỉnh giảm sản lượng càphê của Việt Nam khoảng 2,2% xuống 30,22 triệu bao; trong đó có 29,20 triệu bao càphê Robusta, giảm 4,20% so với niên vụ trước và 1,02 triệu bao càphê Arabica, tăng 7,27% so với niên vụ trước.

Trong khi sản lượng càphê của Indonesia không thay đổi, vẫn ở mức 11,35 triệu bao, bao gồm 10 triệu bao Robusta và 1,35 triệu bao Arabica./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục