Thị trường Phố Wall bấp bênh sau kỳ nghỉ lễ Tạ ơn

Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần này, trong khi chỉ số Dow Jones và S&P đồng loạt hạ điểm thì chỉ số Nasdaq quay đầu đi lên.
Sau đợt nghỉ lễ Tạ ơn, thị trường chứng khoán Mỹ đã mở cửa trở lại và kết thúc phiên giao dịch đầu tuần này (26/11) với các mức tăng giảm trái chiều.

Trong khi chỉ số Dow Jones và S&P đồng loạt hạ điểm thì chỉ số Nasdaq quay đầu đi lên, nhờ sự tăng giá của cổ phiếu một số tập đoàn công nghệ lớn như Apple, Facebook.

Chốt phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 42,31 điểm (0,33%), xuống mức 12.967,37 điểm. Chỉ số S&P 500 cũng mất 2,86 điểm (0,2%), xuống 1.406,29 điểm. Trong khi đó, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite lại tăng 9,93 điểm, tương đương 0,33%, lên 2.976,78 điểm.

Mùa bán hàng phục vụ các kỳ nghỉ lễ cuối năm tại Mỹ đã được bắt đầu với “Ngày thứ sáu Đen” vào cuối tuần trước.

Các nhà bán lẻ cho biết sức mua của người dân khá mạnh mẽ, song họ vẫn lo ngại rằng sức chi tiêu này của người dân có thể không được duy trì trong tháng tới, do những bất ổn về tài chính của Mỹ và nhiều khu vực trên thế giới.

Nhiều đại lý bán lẻ lo rằng, việc chiết khấu quá lớn sẽ khiến lợi nhuận bị sụt giảm. Đáng chú ý là giá cổ phiếu của nhiều tập đoàn bán lẻ danh tiếng như Walmart, Costco và Target đều lần lượt giảm 0,4%, 1,7% và 2,6%. Điều này đã khiến chỉ số S&P 500 “tụt” xuống dưới ngưỡng tâm lý quan trọng 1.400 điểm.

Tuy nhiên, giá cổ phiếu của các hãng bán lẻ trực tuyến lại có xu hướng đi lên, như Amazon tăng 1,6% và eBay tiến thêm 4,9%, sau khi doanh thu bán hàng trực tuyến đã lần đầu tiên đạt 1 tỷ USD vào ngày Thứ Sáu Đen.

Dự kiến cuối tuần này, Quốc hội Mỹ sẽ tiếp tục trở lại thảo luận về vấn đề”vách đá tài chính,” nhằm tìm ra một giải pháp chung để tránh việc cắt giảm chi tiêu và tăng thuế trị giá 607 tỷ USD bắt đầu vào năm tới. Nếu Quốc hội Mỹ thất bại trong việc đạt được một thỏa thuận về ngân sách, nền kinh tế lớn nhât thế giới có thể chìm sâu hơn vào suy thoái.

Cũng trong phiên này, ở bên kia bờ Đại Tây Dương, hầu hết các thị trường chứng khoán châu Âu lại đồng loạt “đỏ sàn”, chấm dứt chuỗi năm ngày lên điểm liên tiếp, do sự “lao dốc” của tập đoàn tài chính Barclays và những mối lo dai dẳng về tình hình nợ công tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Kết thúc phiên này, tại London, chỉ số FTSE 100 giảm 0,56%, xuống 5.786,72 điểm; chỉ số CAC 40 của Pháp cũng hạ 0,79%, đóng cửa ở mức 3.500,94 điểm. Trong khi, tại sàn giao dịch chứng khoán Frankfurt của Đức, chỉ số DAX cũng hạ nhẹ 0,23%, xuống 7.292,03 điểm.

Sang tới phiên giao dịch ngày 27/11 tại thị trường châu Á, các sàn giao dịch chứng khoán cũng mở cửa trong không khí ảm đạm, nối gót diễn biến không mấy lạc quan của Phố Wall trong đêm trước. Đầu phiên này, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 17,81 điểm (0,19%), xuống 9.371,13 điểm, do giới đầu tư vẫn đang chờ đợi những thông tin mới nhất từ Eurozone.

Trước đó, ngày 26/11, các bộ trưởng tài chính của Eurozone và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã đạt thỏa thuận về mục tiêu nợ mới cho Hy Lạp, bước đột phá hướng tới công bố đợt viện trợ khẩn cấp cho nền kinh tế đang ở bên bờ vực phá sản này. Sau gần 10 giờ đàm phán tại cuộc họp thứ ba về vấn đề trên, các chủ nợ quốc tế của Hy Lạp đã đồng ý giảm nợ cho nước này 40 tỷ euro, giúp kéo nợ của Athens xuống 124% GDP vào năm 2020.

["Chiêu" mới của nhà bán lẻ Mỹ trong mùa mua sắm]

Đồng thời, Eurozone và IMF cũng đi đến quyết định triển khai đợt giải ngân 43,7 tỷ euro , nằm trong gói cứu trợ thứ hai dành cho Athens nhằm tái cơ cấu vốn của các ngân hàng đang chao đảo ở Hy Lạp, cũng như giúp chính phủ có thể trả tiền lương, trợ cấp và tiếp tế vào tháng 12 tới.

Tại Trung Quốc, hai thị trường chứng khoán chủ chốt là Thượng Hải và Hong Kong cũng đua nhau giảm điểm, do những lo ngại về tốc độ phục hồi kinh tế trì trệ trong nước. Mở cửa, chỉ số Hang Seng và Shanghai Composite lần lượt mất 90,46 điểm (0,41%) và 5,66 điểm (0,28%), xuống 21.952,27 điểm và 2.011,80 điểm./.

Minh Trang (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục