Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang có dấu hiệu thoát đáy

Năm 2023, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt khoảng 335.700 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ. Riêng giá trị các đợt phát hành riêng lẻ đạt khoảng 300.600 tỷ đồng, tăng 21%.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp kỳ vọng có thể chứng kiến đà phục hồi rõ nét và bền vững từ cuối 2024. (Ảnh: Vietnam+)
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp kỳ vọng có thể chứng kiến đà phục hồi rõ nét và bền vững từ cuối 2024. (Ảnh: Vietnam+)

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp cho thấy dấu hiệu thoát đáy trong thời gian gần đây. Số liệu ghi nhận từ báo cáo của Công ty Chứng khoán VNDIRECT cho thấy giá trị phát hành trong nước quý 4/2023 đạt khoảng 146.000 tỷ đồng, tăng 22% so với quý 3 và cao gấp hơn 8 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Phục hồi từ nhóm ngân hàng

Cụ thể, báo cáo này cho biết trong quý 4 có 166 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong nước thành công, trong đó có 159 đợt phát hành riêng lẻ với tổng giá trị phát hành đạt gần 132.000 tỷ đồng, chiếm 90% tổng giá trị phát hành.

Như vậy, lũy kế cả năm 2023, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt khoảng 335.700 tỷ đồng và tăng 26% so với cùng kỳ. Riêng tổng giá trị các đợt phát hành riêng lẻ đạt khoảng 300.600 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ.

Ông Nguyễn Bá Khương, chuyên viên phân tích của VNDIRECT, nhấn mạnh hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tiếp tục có sự phục hồi trong quý 4/2023 khi tăng 22% so với quý 3 và gấp hơn 17 lần so với cùng kỳ. Cụ thể, sự phục hồi của hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đến từ sự gia tăng phát hành của nhóm ngân hàng với tổng giá trị phát hành đạt khoảng 92.200 tỷ đồng, chiếm gần 70% tổng giá trị phát hành trong quý.

Bên cạnh đó, theo ông Khương, ước tính tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn năm 2024 là khoảng 207.000 tỷ đồng, trong đó 59% là của các doanh nghiệp bất động sản.

“Trong bối cảnh thị trường bất động sản vẫn còn trầm lắng, việc tháo gỡ pháp lý cho các dự án vẫn còn chậm so với kỳ vọng, khó khăn đối với hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành sẽ vẫn còn tiếp diễn trong năm tới. Do đó, áp lực đối với dòng tiền và vấn đề trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn sẽ vẫn là thách thức lớn đối với nhóm doanh nghiệp bất động sản trong năm,” ông Khương nói.

Theo ông Khương, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong năm 2024 có thể trầm lắng trở lại, khi các điều khoản trong Nghị định 65 (bao gồm quy định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, quy định xếp hạng tín nhiệm bắt buộc) chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2024. Việc áp dụng các quy định này là cần thiết để hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng nhằm ổn định và phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp bền vững trong dài hạn.

chung-khoan-1777.jpg
Ảnh minh họa. (PV/Vietnam+)

Từ tình hình thực tế, ông Khương cho rằng Chính phủ nên nghiên cứu và ban hành một số chính sách hỗ trợ khác thay thế cho Nghị định 08 đã hết hiệu lực từ ngày 1/1/2024 để hỗ trợ và thúc đẩy quá trình phục hồi của thị trường phát triển bền vững.

"Với sự nỗ lực của cả nhà điều hành lẫn các chủ thể tham gia thị trường (đặc biệt là các doanh nghiệp phát hành), thị trường trái phiếu doanh nghiệp kỳ vọng có thể chứng kiến đà phục hồi rõ nét và bền vững từ cuối 2024,” ông Khương dự báo.

Bản chất của tín dụng dự án

Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch Công ty cổ phần FiinRatings đánh quy mô trái phiếu doanh nghiệp lưu hành tại Việt Nam còn ở mức thấp hơn nhiều so với bình quân của các nước ASEAN. Thêm vào đó, 95% giá trị phát hành và lưu hành hiện nay là trái phiếu phát hành riêng lẻ - “vốn mang nhiều bản chất của tín dụng dự án.” Trái phiếu phát hành rộng rãi ra công chúng được kỳ vọng có chất lượng hơn và minh bạch hơn chỉ chiếm rất tỷ trọng rất nhỏ ở mức dưới 5% tổng quy mô phát hành, trong đó khu vực bất động sản chiếm đến hơn nửa tổng giá trị phát hành. Điều này gây ra rủi ro mang tính tập trung lớn cho thị trường và nhà đầu tư khi mà sản phẩm đầu tư chủ yếu tập trung vào một số ngành như bất động sản.

Theo tính toán của FiinRatings, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn năm 2024 có thể lên tới mức 288.000 tỷ đồng và năm 2025 là 194.000 tỷ đồng.

Ông Thuân nhấn mạnh để giải quyết dòng tiền chi trả cho trái phiếu đáo hạn, nếu như trong điều kiện thông thường, ngoài việc kỳ vọng từ dòng tiền tạo ra từ sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp sẽ tìm nguồn vốn mới từ phát hành trái phiếu, vay ngân hàng, phát hành cổ phiếu… để tái cơ cấu nợ và duy trì, phát triển sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, ông Thuân cho rằng khả năng gọi vốn của các doanh nghiệp trong thời gian qua khá khó khăn. Nguyên nhân là do những vi phạm liên tiếp đã làm niềm tin của các nhà đầu tư suy giảm đáng kể, nhà đầu tư cá nhân cũng đã trở nên e ngại hơn sau các vụ việc vừa qua. Trước đó, khi Nghị định 65 đưa ra những quy định chặt chẽ hơn đối với phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, ngay lập tức thị trường ghi nhận duy nhất chỉ có 1 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp trị giá 210 tỷ đồng trong tháng 10/2022 và giảm 99% so với tháng trước...

Ngoài ra, ông Thuân cũng chỉ ra những khó khăn khác, như thị trường chứng khoán không còn sôi động như giai đoạn trước, nên huy động vốn qua kênh này còn khó khăn. Bên cạnh đó, việc bán hàng, phát mại tài sản để trả nợ cũng không dễ dàng, do thị trường bất động sản đang trầm lắng và phục hồi chậm. Chính vì vậy, một bộ phận doanh nghiệp (nhất là lĩnh vực bất động sản) có tiềm ẩn nguy cơ và đã xảy ra hiện tượng chậm trả trái phiếu trong thời gian vừa qua./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục