Thị trường vàng thế giới: Một năm sóng gió nhìn lại

Biến động mạnh, vọt lên đỉnh cao và lùi xuống rất nhanh - đó là tóm tắt ngắn gọn về diễn biến của thị trường vàng thế giới trong năm 2011.

Vốn chỉ sát trên ngưỡng 1.400 USD/ounce lúc khởi đầu năm 2011, vàng bắt đầu lao vùn vụt từ giữa năm và lên trên 1.920 USD/ounce, đạt mức cao lịch sử 1.923 USD/ounce trong phiên 6/9/2011, rồi nhanh chóng rút khỏi đỉnh cao và chỉ còn giao dịch ở gần 1.600 USD/ounce trước thềm Năm Mới 2012.
Biến động mạnh, vọt lên đỉnh cao và lùi xuống rất nhanh - đó là tóm tắt ngắn gọn về diễn biến của thị trường vàng thế giới trong năm 2011.

Vốn chỉ sát trên ngưỡng 1.400 USD/ounce lúc khởi đầu năm 2011, vàng bắt đầu lao vùn vụt từ giữa năm và lên trên 1.920 USD/ounce, đạt mức cao lịch sử 1.923 USD/ounce trong phiên 6/9/2011, rồi nhanh chóng rút khỏi đỉnh cao và chỉ còn giao dịch ở gần 1.600 USD/ounce trước thềm Năm Mới 2012.

Vàng “leo dây”...

“Vàng và chỉ có vàng mới là cứu cánh của chúng ta mỗi khi giá trị của các công ty, ngân hàng, các nước và thậm chí cả tiền tệ mất dần. Vàng, chứ không phải tiền tệ, sẽ là nền tảng của sự giàu có và an toàn đầu tư.”

Một khi bản tình ca của “những người yêu vàng” vang lên mạnh mẽ, đó là lúc thế giới trải qua những bất ổn sâu sắc về địa-chính trị và kinh tế-tài chính.

Trong phiên giao dịch đầu tiên của năm 2011, sau khi Mỹ công bố số liệu cho thấy trong tháng 12/2010, các hoạt động sản xuất chế tạo của nước này đã tăng trưởng tháng thứ 17 liên tiếp, thì nhu cầu đối với kim loại quý lập tức yếu đi, khiến giá vàng chốt phiên 3/1 tại sàn COMEX (New York) với 1.416,45 USD/ounce.

Thế nhưng, trong nửa đầu năm những bất ổn địa-chính trị trên thế giới, trong đó phải kể đến “mùa Xuân Arập” kéo dài và lan rộng tại Bắc Phi và Trung Đông, cùng với nỗi lo khủng hoảng nợ công tại châu Âu dần đẩy vàng từng bước lên hơn 1.500 USD/ounce.

Tháng 7, 8 và 9 là lúc vàng “sục sôi” nhất. “Cơn sốt” kéo dài khiến giá kim loại quý này liên tiếp xác lập các kỷ lục mới, trên 1.600, 1.700, 1.800 và 1.900 USD/ounce, với tốc độ “leo dây” chóng mặt.

Theo các chuyên gia phân tích, nguyên nhân chính đẩy giá vàng lên cao đó là việc các nhà đầu tư “quay lưng” lại với các tài sản rủi ro, chuyển hướng sang vàng và coi đây là “nơi trú ẩn an toàn” cho tài sản của họ, đặc biệt là sau khi hãng đánh giá tín nhiệm quốc tế Standard & Poor (S&P) lần đầu tiên trong lịch sử đã hạ xếp hạng tín nhiệm của Mỹ từ mức vàng AAA xuống AA+.

Bên cạnh đó, giá vàng còn chịu sức ép bởi mối lo ngại về cuộc khủng hoảng nợ công tiếp tục lây lan sang nhiều nước tại châu Âu và báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), cho biết nhiều ngân hàng trung ương các nước trên thế giới tiếp tục nâng mức dự trữ vàng, khẳng định xu hướng chuộng vàng hơn các loại tiền tệ mạnh khác trong kho dự trữ ngoại hối của họ.

Dù đã chạm ngưỡng cao lịch sử, song giá vàng vẫn thấp hơn mức xấp xỉ 2.500 USD/ounce đã điều chỉnh theo lạm phát hồi năm 1980 và đây là một trong những lý do khiến giới phân tích và đầu tư nghĩ rằng nó có thể còn leo cao hơn nữa. Thế nhưng, cái nguyên lý đơn giản “cái gì lên, rồi cũng sẽ phải xuống” đã trở thành hiện thực.

... và “đu đưa”

Sau khi “thăng hoa” trên đỉnh cao 1.923 USD/ounce phiên 6/9, vàng lập tức để mất gần 100 USD và rơi xuống dưới ngưỡng 1.900 USD/ounce ngay phiên kế tiếp, do đồng USD mạnh lên làm vàng trở nên kém hấp dẫn giới đầu tư.

Thị trường châu Á phiên 7/9 chứng kiến cảnh chóng mặt chưa từng thấy khi giá vàng giao ngay giảm gần 40 USD chỉ trong vòng hai phút. Đến lúc này, một nhà kinh doanh tại Sydney vẫn cao giọng cho rằng sự “tuột dốc” của giá vàng chỉ là do yếu tố kỹ thuật chứ không phản ánh bất kỳ một thay đổi nào về những vấn đề chủ chốt đang chi phối thị trường vàng, như cuộc khủng hoảng nợ trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) hay yếu tố cung-cầu.

Thế nhưng, đà “tuột dốc” đã thực sự diễn ra, khi giới kinh doanh buộc phải bán vàng - tài sản đầu tư có tính thanh khoản cao - để bù đắp những thiệt hại trên các thị trường khác.

Từ đó đến tháng 11, vàng liên tục “đu đưa,” cố gắng tìm lại ngưỡng cao 1.800 USD/ounce song lại để tuột mất; sau đó liên tục “dập dềnh” quanh mức 1.700 USD/ounce.

Trong tuần đầu tháng 11, vàng đã rất chật vật để phá ngưỡng 1.720 USD/ounce và chỉ có thể vượt khỏi mốc này sau khi có thông báo "gây sốc" rằng Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou đã kêu gọi trưng cầu dân ý về kế hoạch cứu trợ mới mà Liên minh châu Âu (EU) dành cho “Xứ sở các vị thần” đang đối mặt với nguy cơ vỡ nợ.

Trong hai tháng cuối năm, vàng đánh mất cơ hội nâng cao giá trị với vị thế là “nơi trú ẩn an toàn,” cho dù khủng hoảng nợ công tiếp tục lan rộng tại châu Âu. Thay vào đó, vàng quay sang “đánh đu” cùng chiều với các tài sản rủi ro - một diễn biến đặc biệt khác lạ - trong bối cảnh các quốc gia nặng nợ tại “lục địa già” liên tục phát hành trái phiếu với lãi suất huy động cao chưa từng thấy kể từ khi Eurozone ra đời.

Ngoài ra, vàng còn bị giáng một "đòn chí tử" trước thềm Năm Mới khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) thông báo sẽ không tung ra các biện pháp kích thích kinh tế mới. Điều đó có nghĩa là vàng sẽ không còn được hưởng lợi từ khả năng gia tăng lạm phát đi kèm với gói kích thích kinh tế nữa.

Cuối năm 2011, giá vàng dao động dưới ngưỡng 1.600 USD/ounce và như vậy đã giảm hơn 18% so với đỉnh điểm của năm và chỉ còn cách mức khởi điểm của năm 2011 chưa đầy 200 USD trên mỗi ounce. Tình hình này khiến một số người hay lo tính đến khả năng sau một vài phiên trồi sụt nữa, biết đâu vàng lại vẽ lên một đồ thị hình sin gây sốt nhiều nhà đầu tư.

Tương lai nào cho vàng?

Khi vàng trong “cơn sốt” kéo dài năm 2011, Jeffrey Nichols, Giám đốc công ty American Precious Metals Advisors đồng thời là cố vấn kinh tế cao cấp cho công ty Rosland Capital, nhận định giá vàng trong nhiều năm tới sẽ tăng không theo quy tắc nào, có thể vượt ngưỡng 2.000 USD/ounce trong năm 2012 và lần lượt chinh phục các đích 3.000 và thậm chí 4.000 USD/ounce trong những năm tới.

Đến cuối năm 2011, khi vàng “nguội” bớt, các chuyên gia của Tạp chí Tiền tệ buổi Sáng (Mỹ) vẫn nhận định giá vàng thế giới trong năm 2012 sẽ tăng lên trên 2.200 USD/ounce. Họ nhấn mạnh mặc dù giá vàng thế giới đã giảm từ mức giá cao nhất hồi tháng 9/2011 xuống dưới 1.600 USD/ounce, nhưng trong 12 tháng qua, giá vàng đã tăng 22% và vẫn đang trong thời kỳ bùng nổ trong khi nguồn cung cấp vàng từ các mỏ khai thác tiếp tục giảm mạnh, còn nhu cầu vàng toàn cầu tăng cao.

Một nhân tố nữa có lợi cho vàng là việc các máy in tiền vẫn đang hoạt động hết công suất ở Mỹ và châu Âu với lượng tiền lạm phát lên tới hàng nghìn tỷ USD.

Như vậy, thị trường vàng vẫn được đánh giá cao trong năm 2012. Tuy nhiên, khả năng biến động của vàng ngày càng khó lường vì thị trường này đã trở nên đặc biệt nhạy cảm với bất kỳ một thông tin chính thức hay chỉ là bóng gió nào từ Mỹ và châu Âu.

Hồi tháng 9/2011, các nhà phân tích với giới đầu tư vàng đã cân nhắc bốn lưu ý: Một là cần thận trọng giữ vững chiến lược đầu tư dài hạn và luôn đảm bảo rằng tài sản được phân phối đúng và đa dạng. Hai là giữ vàng ở tỷ lệ tối thiểu trong nguồn tài sản đầu tư, ở mức thích hợp trong danh mục tài sản là 2-5%, thậm chí tỷ lệ 5% còn được coi là tỷ lệ "dũng cảm.” Ba là nhà đầu tư cần có chiến lược thoát ra để có thể chủ động thời điểm bán vàng với mức giá tốt nhất nếu vàng chiếm trên 5% danh mục tài sản. Bốn là nhà đầu tư cần biết rõ khả năng dễ bị tổn thương của vàng, không sở hữu quá nhiều vàng một cách ngẫu nhiên, tránh những tổn thất đáng tiếc.

Những lưu ý trên đã chứng tỏ sự đúng đắn sau những thăng trầm của vàng trong những tháng cuối năm 2011, đồng thời cho thấy một thực tế rằng, trong thời buổi bất ổn kinh tế-tài chính hiện nay, đầu tư vào vàng không phải là “cuộc chơi” dành cho những người yếu tim./.

Trang Nhung (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục