Ngày hôm nay, 28/2, sẽ đi vào lịch sử Vatican khi Giáo hoàng Benedict XVI trở thành người đứng đầu Giáo hội La Mã đầu tiên từ chức kể từ thời Trung Cổ. Các hồng y bỏ phiếu tìm người kế nhiệm muốn có một nhà lãnh đạo nhiệt huyết và kiên cường có khả năng thống nhất giáo hội đang chia rẽ, dẹp bỏ những vụ bê bối và truyền đức tin cho những người trẻ. “Trước hết, chúng ta cần một giáo hoàng biết cách trò chuyện với thế giới, bên ngoài thế giới Công giáo,” Andrea Tornielli, chuyên gia về Vatican phụ trách mục Bên trong Vatican ở tờ nhật báo Italy, La Stampa, bình luận. “Ông ấy cần phải cởi mở và cảm thông, chứ không phải là một người chỉ nhìn vào bên trong.” Việc Giáo hoàng Benedict XVI từ nhiệm mở ra một cuộc đua tới vị trí lãnh đạo tòa thánh khi 115 hồng y có quyền bỏ phiếu từ khắp thế giới sẽ tề tựu về dự một hội nghị bí mật nhằm chọn ra người thay thế. Đó sẽ là một quyết định không dễ dàng, theo John Allen của báo Người đưa tin Công giáo quốc gia tại Rome. “Sẽ là những người bảo thủ chống lại những người ôn hòa, thế giới thứ ba chống lại thế giới thứ nhất… và những người bên trong tòa thánh chống lại những người bên ngoài.” Kỹ năng giao tiếp tốt là yêu cầu bắt buộc, theo nhiều chuyên gia về Vatican. Những ứng viên hàng đầu hiện là Timothy Dolan, tổng giám mục New York 63 tuổi nổi tiếng với khiếu hài hước và sự năng động, và Odilo Scherer, 63 tuổi người Brazil, được ca ngợi vì đầu óc cởi mở và rất tích cực trên Twitter. Sau một Benedict với những phát biểu thường mang tính học thuật thâm sâu, nhiều người cũng chờ đợi một giáo hoàng gần gũi hơn, có thể là tổng giám mục Vienna Christoph Schoenborn, 68 tuổi, được ngưỡng mộ và so sánh với giáo hoàng quá cố John Paul II. Giáo hoàng tiếp theo “phải biết cách nói ngôn ngữ của Chúa bằng ngôn ngữ của con người,” hồng y người Pháp Paul Poupard nói. Benedict, ở tuổi 85, quyết định từ nhiệm vì lý do tuổi tác và sức khỏe cũng là dấu hiệu cho thấy giáo hội cần một nhà lãnh đạo trẻ trung và năng động hơn. Ở tuổi 55, Luis Antonio Tagle từ Philippines là hồng y trẻ thứ hai của giáo hội, ông được ca ngợi vì sự năng động và nhiệt huyết, là người rất nổi tiếng ở châu Á. Joao Braz de Aviz, một hồng y Brazil khác, 65 tuổi, được ưa thích vì khả năng thu hút những người có đầu óc tự do. “Chúng ta cần một giáo hoàng biết quản trị. Một số vấn đề đã không được giải quyết”, Marco Politi, một chuyên gia về Vatican chuyên viết tiểu sử các giáo hoàng, nói. Những người khác hy vọng sự chia rẽ và tranh đấu quyền lực ở tòa thánh sẽ được giải quyết. “Định chế phức tạp này cần phải được đơn giản hóa,” Tornielli nói và cho rằng thất bại trong việc cải cách tòa thánh là “một trong những hạn chế trong nhiệm kỳ giáo hoàng” của Benedict.
Hơn 50.000 người đã dự lễ chia tay của Giáo hoàng Benedict XVI (Nguồn: AFP)
Hồng y người Argentina Leonardo Sandri, 69 tuổi, sinh ở Buenos Aires và có cha mẹ là người Italy, được coi là một ứng viên có thể giúp giải quyết sự chia rẽ, trong khi những người ủng hộ hồng y Canada Marc Ouellet, 67 tuổi, nói ông sẽ cứng rắn với sự tranh quyền đoạt vị ở tòa thánh. Nhiều nhà quan sát hy vọng có một giáo hoàng cấp tiến hơn, đối mặt với những vấn đề nhạy cảm như tình dục đồng giới, sử dụng bao cao su và việc người phụng sự giáo hội kết hôn, nhưng các hồng y sẵn sàng cởi mở ở mọi lĩnh vực hiện giờ rất hiếm hoi. Hồng y Ghana Peter Turkson, 64 tuổi, được chú ý vì giảm bớt những luật lệ về phòng tránh thai, khuyến khích sử dụng bao cao su ở những cặp vợ chồng đã cưới nếu một trong hai người mắc bệnh. Một chủ đề nhạy cảm khác là đối thoại giữa Công giáo La Mã và các tôn giáo khác. Chủ đề này được coi là điểm mạnh của hai ứng viên người Italy. Angelo Scola, tổng giám mục 72 tuổi của Milan, là người tích cực thúc đẩy đối thoại giữa Hồi giáo và Thiên Chúa giáo, trong khi bộ trưởng văn hóa của Vatican, Gianfranco Ravasi, 70 tuổi, đã đứng ra tổ chức hàng loạt cuộc đối thoại với những người ngoại đạo./.
Trần Trọng (Vietnam+)