Liên tiếp trong hai giai đoạn 2015-2017 và 2018-2020, việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho Trường Đại học Hạ Long không đạt kết quả như mong muốn, nhất là ở chuyên ngành ngôn ngữ Nhật và Hàn Quốc, mới đây ngày 8/9, Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã kịp thời điều chỉnh tiêu chí theo hướng hạ chỉ tiêu tuyển dụng nhưng tăng thời gian cam kết làm việc lâu dài để thu hút giảng viên có trình độ cao về giảng dạy.
Tỉnh Quảng Ninh điều chỉnh tiêu chí thu hút người có bằng tiến sỹ (trong nước và nước ngoài), thạc sỹ đào tạo tại nước ngoài (riêng ngành ngôn ngữ Nhật, ngôn ngữ Hàn Quốc chấp nhận thêm cả đào tạo tập trung trong nước so với quy định cũ) yêu cầu phải có bằng tốt nghiệp đại học chính quy loại khá trở lên, có chuyên ngành phù hợp với chuyên ngành được đào tạo ở trình độ đại học, phù hợp với danh mục các mã ngành đào tạo của Trường Đại học Hạ Long.
Thạc sỹ ngành ngôn ngữ Nhật, ngôn ngữ Hàn đào tạo tập trung trong nước chỉ cần có thời gian giảng dạy từ đủ hai năm trở lên tại trường đại học và tương đương, tại thời điểm tuyển dụng không quá 45 tuổi (giảm ba năm kinh nghiệm và tăng năm tuổi tuyển dụng so với quy định cũ).
Các thạc sỹ ngành ngôn ngữ Nhật và ngôn ngữ Hàn Quốc phải cam kết làm việc tại Trường Đại học Hạ Long phải tối thiểu từ đủ bảy năm liên tục trở lên (tăng một năm so với quy định cũ).
Quảng Ninh cũng tăng thêm một chỉ tiêu thu hút giảng viên ngôn ngữ Nhật là thạc sỹ.
Để xây dựng và nâng cao đội ngũ giảng viên đáp ứng yêu cầu đào tạo và phát triển, từ năm 2014 đến 2019, Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã ra ba nghị quyết số 178/2014/NQ-HĐND và 93/2017/NQ-HĐND và 188/2019/NQ-HĐND về chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao làm việc tại Trường Đại học Hạ Long đến hết năm 2020.
Qua hơn năm năm triển khai, đã có 18 giảng viên được thu hút về làm việc tại Trường Đại học Hạ Long theo chính sách hỗ trợ thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh. Tuy nhiên, số lượng này không đạt kết quả như mong muốn.
Cụ thể, giai đoạn 2015-2017, Trường Đại học Hạ Long có nhu cầu thu hút 15 tiến sỹ, 27 thạc sỹ thuộc 14 lĩnh vực, nhưng chỉ thu hút được bảy giảng viên là tiến sỹ (đạt 46,67%) và hai giảng viên là thạc sỹ (đạt 7,41%) thuộc sáu lĩnh vực. Giai đoạn 2018-2020, Trường có nhu cầu thu hút bảy tiến sỹ, 35 thạc sỹ thuộc 13 lĩnh vực, song cũng chỉ tuyển dụng được ba giảng viên là tiến sỹ, sáu là thạc sỹ thuộc năm lĩnh vực.
[Quảng Ninh cần tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực để phát triển]
Hoạt động tuyển dụng giảng viên chất lượng cao ở một số mã ngành thuộc lĩnh vực trọng tâm, mũi nhọn của tỉnh (ngôn ngữ Nhật, ngôn ngữ Hàn Quốc, du lịch) còn khó khăn trong việc thu hút giảng viên, do các đối tượng có bằng chuyên môn lĩnh vực này có nhiều cơ hội việc làm tốt hơn tại các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh…
Nguyên nhân của những khó khăn trên là do một số tiến sỹ, thạc sỹ chuyên ngành phù hợp, có thành tích học tập, nghiên cứu tốt nhưng lại thiếu điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của tỉnh (như thời gian giảng dạy thực tiễn tại các trường đại học quy định là năm năm, thạc sỹ có độ tuổi quá 40 tuổi…) nên vướng mắc khi thực hiện do không đáp ứng đầy đủ điều kiện quy định của tỉnh.
Một số trường hợp có trình độ chuyên môn cao, được đào tạo ở nước ngoài phù hợp với các lĩnh vực tỉnh cần, nhưng theo quy định thì không còn chỉ tiêu để thực hiện việc thu hút (như ngôn ngữ Nhật) mà trong các năm học tiếp theo Trường Đại học Hạ Long sẽ thực hiện mở rộng quy mô đào tạo, nâng cấp các khoa để cung cấp dịch vụ đào tạo uy tín, chất lượng cao tạo thế mạnh thu hút học sinh, sinh viên trong và ngoài tỉnh.
Với lần thứ ba điều chỉnh chính sách này, Quảng Ninh kỳ vọng sẽ thu hút được đủ số lượng nguồn nhân lực chất lượng cao về giảng dạy tại Trường Đại học Hạ Long để góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, nguồn nhân lực phục vụ sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.
Theo quy định, người có học hàm, học vị cao khi về làm việc tại Trường Đại học Hạ Long sẽ được tỉnh Quảng Ninh hỗ trợ một lần từ 200-700 triệu đồng và được hỗ trợ hàng tháng từ 3-10 lần mức lương cơ sở/tháng, tùy theo học hàm, học vị; được bố trí nhà ở công vụ; hỗ trợ tiền tạo lập nhà ở trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh để thuận lợi cho công tác giảng dạy (đối với các giáo sư-tiến sỹ, phó giáo sư-tiến sỹ)…
Trường Đại học Hạ Long được thành lập từ tháng 10/2014 trên cơ sở sáp nhập hai trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Ninh và trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật và Du lịch Hạ Long./.