Thiếu kiểm soát thuốc lá mới liệu có gián tiếp tạo ra tiêu cực?

Việc chậm trễ ban hành khung pháp lý cho thuốc lá mới ẩn chứa rất nhiều hệ lụy: tạo gánh nặng cho xã hội, gây thất thu thuế của Nhà nước, thuốc lá nhập lậu, thuốc lá điện tử tràn vào trường học.
Thiếu kiểm soát thuốc lá mới liệu có gián tiếp tạo ra tiêu cực? ảnh 1Toàn cảnh hội thảo Kiểm soát thuốc lá mới có trách nhiệm do báo Pháp luật Việt Nam tổ chức. (Nguồn: Vietnam+)

Trao đổi về giải pháp kiểm soát thuốc lá mới có trách nhiệm, đại diện một số ban, ngành nhấn mạnh nếu chúng ta vẫn xem nhẹ việc quản lý, tiếp tục chậm trễ, thiếu quyết liệt trong cả chính sách và hành động thì sẽ gián tiếp tạo điều kiện đầu độc giới trẻ, môi trường và xã hội nói chung.

Vấn đề này đã được thảo luận sôi nổi trong Hội thảo “Kiểm soát thuốc lá mới có trách nhiệm” do báo Pháp luật Việt Nam tổ chức đầu tháng 7, tại Hà Nội, xoay quanh các chính sách mới nhất nhằm kiểm soát hiệu quả các sản phẩm thuốc lá mới trên cơ sở pháp lý, để ngăn chặn việc sử dụng của giới trẻ, hài hòa lợi ích của các chủ thể liên quan.

Hệ lụy của sự thiếu quyết đoán trong quản lý thuốc lá mới

Đã nhiều năm trôi qua kể từ chỉ đạo của Chính phủ năm 2017 và đề xuất quản lý các sản phẩm thuốc lá mới của Bộ Công Thương, song, các sản phẩm thuốc lá mới hiện vẫn nằm ngoài vòng pháp luật.

Trước thực tế này, một số chuyên gia chất vấn lý do vì sao chỉ quản lý thuốc lá điếu mà không quản lý thuốc lá mới. Đồng thời, đặt ra hai vấn đề lo ngại cần được ưu tiên giải quyết. Một là tỷ lệ giới trẻ hút thuốc lá điện tử tăng gấp 18 lần chỉ sau 5 năm. Hai là không ai kiểm soát thành phần, chất lượng trong các sản phẩm đó.

[Cần có giải pháp kiểm soát hiệu quả các sản phẩm thuốc lá mới]

Cùng quan ngại đó, ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự, Bộ Tư pháp đã nhận định việc không quản lý thuốc lá mới là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thuốc lá điện tử tràn vào trường học, nếu được kiểm soát thì những sản phẩm này đã được sàng lọc để đến đúng đối tượng là những người hút thuốc trưởng thành đang cố gắng cai thuốc bất thành.

“Dự thảo luật đã được thẩm định 2-3 lần nhưng hiện vẫn chưa tạo được bước tiến nào, cho thấy quyết tâm của các bộ, ngành trong vấn đề này là chưa cao,” ông Hải nêu quan điểm.

Cũng theo ông Hải phân tích, việc chậm trễ ban hành khung pháp lý cho thuốc lá mới ẩn chứa rất nhiều hệ lụy: tạo gánh nặng cho xã hội, gây tổn thất tài nguyên quốc gia, thất thu thuế của Nhà nước, sản phẩm nhập lậu trôi nổi tuồn vào, trong đó có cả những sản phẩm ma túy mang vỏ bọc thuốc lá điện tử.

Vướng mắc trong việc quản lý thuốc lá mới

Khẳng định không có vướng mắc về pháp lý trong lĩnh vực này, ông Lê Đại Hải chỉ ra khúc mắc nằm ở tiến độ trình duyệt của một số cơ quan chức năng. Từ những phân tích nguyên nhân và hệ lụy của việc chậm trễ này, ông Hải đề nghị các cơ quan cần sớm trình phương án lên để Chính phủ có quyết định cuối cùng.

Thiếu kiểm soát thuốc lá mới liệu có gián tiếp tạo ra tiêu cực? ảnh 2Ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự, Bộ Tư pháp phát biểu. (Nguồn: Vietnam+)

Ông Hải nói thêm, việc thuốc lá là ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo Luật Đầu tư về và những nội dung của Nghị định 67 sửa đổi sẽ là những căn cứ để Chính phủ đưa ra quy định về kinh doanh thuốc lá trong thời gian sắp tới. Hiện Điều 2 khoản 1 của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá đã có quy định về “các dạng khác” của thuốc lá, có thể được hiểu là các loại thuốc lá khác ngoài thuốc lá điếu.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn thuế, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục thuế (Bộ Tài chính), cho rằng cần đưa sản phẩm thuốc lá mới nào đã phù hợp với định nghĩa nêu trên, như thuốc lá làm nóng, vào kiểm soát dưới luật kiểm soát thuốc lá hiện hành.

Bên cạnh đó, đại diện Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng khẳng định sản phẩm thuốc lá làm nóng phù hợp với định nghĩa về thuốc lá theo Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá 2012, Nghị định 67/2013 và Luật Đầu tư 2020.

“Chúng ta cần sự kiểm soát rất chặt chẽ từ khâu sức khỏe, buôn lậu, sản xuất, nhập khẩu và chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt, chính sách phạt hành chính những hành vi vi phạm để đảm bảo quản lý hiệu quả,” bà Cúc bổ sung.

Góp ý thêm dưới góc độ sức khỏe cộng đồng, một số đại biểu cho rằng, việc cần làm hàng đầu là giáo dục, phổ biến pháp luật cho cộng đồng, nhất là giới trẻ.

Trong phát biểu cuối hội thảo, đại diện Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, bà Nguyễn Quỳnh Liên, Trưởng ban Dân chủ-Pháp luật, kiến nghị: “Các cơ quan ban ngành cần sớm hành động để bảo vệ giới trẻ, người dùng và cộng đồng. Chúng ta không nên mất thêm 5-10 năm nữa chỉ để bàn, bởi khi đó sẽ còn phải tốn nhân lực, vật lực, nguồn lực để xử lý những hậu quả mà thị trường chợ đen để lại. Một “thế hệ nghiện mới” sẽ có nguy cơ xuất hiện nếu các cơ quan quản lý vẫn không mạnh dạn xây dựng hàng rào pháp lý bảo vệ cộng đồng.”

Trong bối cảnh Việt Nam chuẩn bị tham dự Hội nghị COP10 về kiểm soát thuốc theo Công ước khung FCTC, chính sách quản lý thuốc lá mới vẫn là vấn đề thu hút nhiều luồng quan điểm hiện nay./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục