Thịt ngựa giả bò tiếp tục được phát hiện tại châu Âu

Đã hơn một tháng xảy ra bê bối "thịt ngựa giả bò" ở châu Âu, sản phẩm này vẫn tiếp tục được phát hiện tại nhiều nước ở châu lục này.
Mặc dù Liên minh châu Âu (EU) và các nước thành viên đã áp dụng nhiều biện pháp nhằm lấy lại lòng tin người tiêu dùng sau khi xảy ra vụ bê bối "thịt ngựa giả thịt bò", nhưng đã hơn một tháng trôi qua sản phẩm "hai trong một" này tiếp tục được phát hiện tại nhiều nước ở châu lục này.

Ngày 27/2, Người đứng đầu Cơ quan Giám sát Thú y Ba Lan, ông Yanush Zvenzek cho biết nước này đã phát hiện trong sản phẩm thịt bò của ba doanh nghiệp chế biến thực phẩm có chứa thịt ngựa, song không tiết lộ chi tiết vì cơ quan chức năng đang điều tra làm rõ nguồn gốc số thịt này.

Cung cấp cho ba nhà chế biến thịt nói trên không chỉ có doanh nghiệp của Ba Lan mà còn có doanh nghiệp của Hà Lan. Ngoài ra, cơ quan chức năng Ba Lan còn đang điều tra làm rõ lô hàng hơn 3 tấn thịt của một công ty chuyên sản xuất bánh hamburger bị nghi ngờ pha trộn thịt ngựa.

Cùng ngày, Cơ quan An toàn thực phẩm Hy Lạp thông báo đã phát hiện một lô thịt bò nhập khẩu từ Romania có pha trộn thịt ngựa.

Vụ việc được phát giác ngay sau khi cơ quan chức năng Hy Lạp ra lệnh kiểm tra đồng loạt tất cả các sản phẩm thịt được nhập khẩu từ Romania, quốc gia đã trở thành tâm điểm vụ bê bối vì là mắt xích quan trọng trong đường dây cung cấp "thịt ngựa giả thịt bò" cho mạng lưới thương mại EU.

[Ikea thu hồi sản phẩm thịt ngựa giả bò tại châu Âu]


Vụ bê bối không chỉ xảy ra trong nội khối EU mà đã xuất hiện trên thị trường Nga. Ngày 27/2, Cơ quan Giám sát Nông nghiệp Nga cho biết sau khi tiến hành xét nghiệm ADN các mẫu lấy từ lô hàng hơn 20 tấn xúc xích lợn nhập khẩu từ Áo đã phát hiện trong thành phần có cả thịt ngựa, thịt gà, thịt bò và đậu nành.

Lô hàng xúc xích này dán nhãn hiệu "Frankfurter" của nhà sản xuất Landhof tại thành phố Linz, được đưa vào Nga thông qua một công ty nhập khẩu có trụ sở tại Mátxcơva. Trên bao bì ghi rõ 80% thành phần xúc xích là thịt lợn và phần còn lại không phải là thịt.

Trong khi đó, theo số liệu của Cơ quan Bảo vệ người tiêu dùng, thực phẩm và nông nghiệp của Đức, tính tới thời điểm hiện tại, nước này đã lấy 1.323 mẫu sản phẩm thịt để tiến hành xét nghiệm ADN và phát hiện 79 trường hợp có pha trộn thịt ngựa, song không phát hiện thuốc thú y phenylbutazone có thể gây hại cho sức khỏe con người.

Vụ bê bối "thịt ngựa giả thịt bò" xuất hiện vào giữa tháng Một vừa qua ở châu Âu khi cơ quan chức năng Ireland phát hiện thịt ngựa trong sản phẩm thịt bò đông lạnh do các công ty ở nước này và Anh sản xuất, được bày bán tại các chuỗi siêu thị lớn của Anh, nước coi việc ăn thịt ngựa là điều cấm kỵ.

Theo Ủy ban châu Âu (EC), vụ bê bối này đã xuất hiện tại 22/27 quốc gia thành viên EU. Nhiều sản phẩm dán nhãn chế biến từ thịt bò nhưng được phát hiện có thành phần thịt ngựa được bày bán trong siêu thị và đã bị thu hồi./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục