Thổ Nhĩ Kỳ đánh giá cao hiệu quả vắcxin COVID-19 của Trung Quốc

Dữ liệu sơ bộ từ cuộc thử nghiệm giai đoạn 3 tại Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy vắcxin của Sinovac đạt hiệu quả phòng bệnh lên tới 91,25%, cao hơn cuộc thử nghiệm riêng rẽ được thực hiện tại Brazil.
Thổ Nhĩ Kỳ đánh giá cao hiệu quả vắcxin COVID-19 của Trung Quốc ảnh 1Vắcxin phòng COVID-19 CoronaVac do Sinovac sản xuất. (Ảnh: Getty Images)

Ngày 24/12, Bộ trưởng Y tế Thổ Nhĩ Kỳ Fahrettin Koca thông báo trong vài ngày tới nước này sẽ tiếp nhận những lô vắcxin phòng COVID-19 đầu tiên do công ty công nghệ sinh học Sinovac của Trung Quốc phát triển, sau khi các kết quả thử nghiệm sơ bộ trong nước cho thấy chế phẩm này đạt hiệu quả phòng bệnh lên tới 91%.

Theo Bộ trưởng Koca, Thổ Nhĩ Kỳ ban đầu sẽ mua 3 triệu liều vắcxin CoronaVac của Sinovac và có thể mua thêm 50 triệu liều nữa khi nước này bắt đầu chiến dịch tiêm chủng vào tháng tới.

Các lô hàng vắcxin CoronaVac đầu tiên sẽ "cập bến" Thổ Nhĩ Kỳ trong ngày 28/12. Trong giai đoạn tiêm chủng đầu tiên, nước này sẽ tiêm vắcxin cho khoảng 9 triệu người, bắt đầu từ các nhân viên y tế và những đối tượng dễ bị tổn thương nhất.

Ông Koca cho biết Thổ Nhĩ Kỳ "sẽ có thể chủng ngừa cho 1,5 triệu người hoặc thậm chí 2 triệu người/ngày."

Trong vài ngày tới, Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ ký hợp đồng mua 4,5 triệu liều vắcxin ngừa COVID-19 do Pfizer và BioNTech hợp tác phát triển, dự kiến sẽ được bàn giao vào cuối tháng 3/2021, cũng như có thể lựa chọn mua thêm 30 triệu liều nữa từ 2 công ty dược phẩm trên.

[Trung Quốc khẳng định vắcxin COVID-19 phát triển trong nước an toàn]

Trước đó, dữ liệu sơ bộ từ cuộc thử nghiệm giai đoạn 3 đối với vắcxin của Sinovac cho thấy chế phẩm sinh học này đạt hiệu quả phòng bệnh lên tới 91,25%, cao hơn cuộc thử nghiệm riêng rẽ được thực hiện tại Brazil với hiệu quả là hơn 50%.

Cuộc thử nghiệm bắt đầu từ ngày 14/9 và có 1.322 tình nguyện viên tham gia. Các nhà nghiên cứu Thổ Nhĩ Kỳ cho biết không phát hiện bất cứ triệu chứng nghiêm trọng nào trong quá trình thử nghiệm CoronaVac ở nước này, ngoại trừ một người bị dị ứng.

Cùng ngày, Maroc cho biết đã đặt hàng 65 triệu liều vắcxin ngừa COVID-19 để chuẩn bị triển khai chiến dịch tiêm chủng cho 25 triệu người dân.

Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Phi, Bộ trưởng Y tế Maroc - ông Khalid Ait Taleb xác nhận công tác chuẩn bị đã đạt được tiến triển đáng kể. Các hoạt động diễn tập nhằm mô phỏng tất cả các giai đoạn của quá trình tiêm chủng cho người dân đã được thực hiện.

Thổ Nhĩ Kỳ đánh giá cao hiệu quả vắcxin COVID-19 của Trung Quốc ảnh 2Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Rabat, Maroc ngày 8/12/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Một nguồn tin từ Chính phủ Maroc xác nhận Vương quốc Bắc Phi này đã lựa chọn vắcxin của hai hãng dược phẩm Sinopharm (Trung Quốc) và AstraZeneca (Anh) cho kế hoạch trên. Cả 2 loại vắcxin này đều cần tiêm 2 mũi.

Đến thời điểm hiện tại, cơ quan chức năng Maroc vẫn chưa đưa ra thông tin cụ thể về thời điểm các vắcxin này được bàn giao, cũng như thời điểm triển khai chiến dịch tiêm chủng.

Theo kế hoạch, chương trình tiêm chủng sẽ ưu tiên đội ngũ nhân viên tuyến đầu trong các lĩnh vực y tế, an ninh và giáo dục, cũng như những người cao tuổi và dễ bị tổn thương, sau đó sẽ được mở rộng cho những đối tượng còn lại. Quốc vương Mohammed VI đã quyết định vắcxin ngừa COVID-19 sẽ được tiêm miễn phí cho người dân Maroc.

Maroc, quốc gia có khoảng 35 triệu dân, đến nay đã ghi nhận tổng cộng 425.864 ca mắc COVID-19, trong đó 7.130 người tử vong. Ngày 23/12, giới chức nước này đã ban bố lệnh giới nghiêm ban đêm trên toàn quốc kéo dài 3 tuần.

Các cuộc tụ họp cũng bị cấm, trong khi các nhà hàng, quán càphê, cửa hiệu và cửa hàng bách hóa phải đóng cửa từ 20 giờ hàng ngày. Tại các thành phố lớn như Casablanca, Marrakesh, Agadir và Tangirer, các nhà hàng phải đóng cửa trong 3 tuần. Maroc cũng đã gia hạn tình trạng y tế công cộng khẩn cấp tới ngày 10/1/2021./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục