Thổ Nhĩ Kỳ đối mặt khủng hoảng chính trị trong 2013

Theo mạng "Tin Trung Đông," đang có những dấu hiệu cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ sẽ trải qua một năm 2013 rất "bận rộn" trên chính trường.
Theo mạng Tin Trung Đông, đang có những dấu hiệu cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ sẽ trải qua một năm 2013 rất "bận rộn" trên chính trường.

Nhiều khả năng nước này chưa thể có Hiến pháp mới và Đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền sẽ cố gắng áp đặt một bản dự thảo hiến pháp trong đó trao thêm quyền lực cho tổng thống, đáp ứng nguyện vọng của Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan trước thềm các cuộc bầu cử vào năm 2014.

Tuy nhiên, động thái này sẽ vấp phải sự phản đối của các đảng phái khác, đẩy Thổ Nhĩ Kỳ rơi vào một cuộc khủng hoảng chính trị.

Ủy ban soạn thảo hiến pháp, với thành phần là các đại diện của bốn chính đảng trong Quốc hội, đã kết thúc sứ mệnh của mình.

Ủy ban này được thành lập trước thềm cuộc bầu cử năm 2011 với nhiệm vụ soạn thảo hiến pháp mới. Tuy đã làm việc hết sức, ủy ban đã không đạt được nhiều kết quả sau một năm rưỡi hoạt động. Ủy ban này đã thông qua nguyên tắc theo đó tất cả các điều khoản của Hiến pháp phải nhận được sự đồng thuận của cả 4 chính đảng.

Trong văn hóa chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ, biện pháp hòa giải thường ít được sử dụng và "nhượng bộ" gần như có nghĩa là "phản bội." Thực tế, sẽ cần phải có "một phép lạ" để các bên đạt được đồng thuận chung về bản hiến pháp mới, trong đó xác định khung pháp lý cho vấn đề người Kurd.

Tuy nhiên, điều này không thể xảy ra trong bối cảnh tồn tại bất đồng sâu sắc giữa Đảng Hòa Bình và Dân chủ, vốn có chung quan điểm với Đảng Công nhân người Kurd (PKK), và Đảng Phong trào Dân tộc đối lập vốn thẳng thừng từ chối thừa nhận vấn đề người Kurd, đồng thời kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ phải mạnh tay với khủng bố và hành động phản quốc.

Ngoài ra, cũng cần phải có phép lạ để các bên tìm được tiếng nói chung về các vấn đề liên quan đến định nghĩa công dân, giảng dạy tiếng mẹ đẻ và việc phân cấp quản lý vốn được xem là cơ sở để giải quyết vấn đề người Kurd. Kết cục, các bên chỉ đạt được đồng thuận về một vài điều khoản nhỏ của dự thảo hiến pháp và không đạt được tiến bộ nào về các điều khoản quan trọng.

Theo Chủ tịch Quốc hội Cemil Cicek, năm 2013, các bên sẽ cần có thêm thời gian bàn thảo nếu không Thổ Nhĩ Kỳ sẽ rơi vào khủng hoảng chính trị./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục