Thổ Nhĩ Kỳ "mắng" phương Tây không chia sẻ thông tin tình báo

Tổng thống Recep Tayyip Erdogan cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã bị "gạt ra ngoài lề" và các mục tiêu chia sẻ tình báo giữa nước này với phương Tây "chưa bao giờ được đáp ứng."
Thổ Nhĩ Kỳ "mắng" phương Tây không chia sẻ thông tin tình báo ảnh 1Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. (Nguồn: Reuters)

Ngày 30/3, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cáo buộc các nước phương Tây đã cố tình phớt lờ lời kêu gọi của Ankara thống nhất một lập trường chung chống khủng bố, trong khi cũng không chia sẻ thông tin tình báo với Thổ Nhĩ Kỳ về mối đe dọa từ các tổ chức cực đoan.

Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình CNN của Mỹ ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh về an ninh hạt nhân lần thứ 4 tại Washington, Tổng thống Erdogan cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã bị "gạt ra ngoài lề" và các mục tiêu chia sẻ tình báo giữa nước này với phương Tây "chưa bao giờ được đáp ứng."

Ông nêu rõ Ankara đã từng kêu gọi các nước cùng hành động chống khủng bố, song nhiều quốc gia châu Âu có vẻ không cho rằng đây là lời kêu gọi "đáng để hành động."

Trước đó, ngày 23/3, một ngày sau khi xảy ra loạt vụ đánh bom ở thủ đô Brussels (Bỉ) khiến ít nhất 32 người thiệt mạng và hơn 300 người bị thương, Tổng thống Erdogan đã chỉ trích Bỉ bỏ qua những thông tin mà Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp về Ibrahim El Bakraoui, một trong hai nghi phạm thực hiện vụ đánh bom liều chết ở sân bay Zaventem.

Theo ông Erdogan, nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ đã từng bắt giữ và trục xuất Ibrahim sang Hà Lan hồi tháng 6/2015. Mặc dù cả Hà Lan và Bỉ đều nhận được thông báo về Ibrahim, song thông tin về việc tại sao tên này từ Hà Lan sang Bỉ hiện vẫn chưa được tiết lộ. Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng giới chức Bỉ đã không lưu ý về những cảnh báo của Thổ Nhĩ Kỳ sau lệnh trục xuất đối tượng Ibrahim.

Dù là một thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), những mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) không mấy tốt đẹp.

Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ gần đây đã gây sức ép, buộc EU phải đẩy nhanh tiến trình đám phán kết nạp nước này nếu muốn có sự hợp tác của Ankara trong vấn đề người di cư.

Trong khi đó, nhiều nước EU như Pháp và Cyprus... không muốn Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia có tới hơn 95% dân số theo đạo Hồi gia nhập "mái nhà chung" châu Âu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục