Thỏa thuận Brexit mở ra kỷ nguyên mới trong quan hệ Anh-EU

Thỏa thuận thương mại mới sẽ giúp EU và Anh không phải áp đặt thuế nhập khẩu đối với hàng hóa của hai bên từ ngày 1/1/2020.
Thỏa thuận Brexit mở ra kỷ nguyên mới trong quan hệ Anh-EU ảnh 1Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen (phải) và Thủ tướng Anh Boris Johnson trong cuộc gặp tại Brussels, Bỉ, ngày 9/12/2020. (Nguồn: THX/TTXVN)

Sau gần 10 tháng đàm phán nhiều trắc trở, Liên minh châu Âu (EU) và Vương quốc Anh ngày 24/12 đã đạt được thỏa thuận thương mại hậu Brexit (chỉ việc Anh rời EU) để điều chỉnh các mối quan hệ khi quốc đảo này rời khỏi thị trường chung châu Âu.

Văn phòng của Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố rằng hiện giờ, Anh "có thể tận dụng những cơ hội tuyệt vời... Chúng tôi đã giành lại quyền kiểm soát tiền bạc, biên giới, luật lệ, thương mại và vùng biển đánh cá."

Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nói: "Con đường thật quanh co, nhưng cũng đã có được thỏa thuận tốt. Đó là thỏa thuận công bằng, cân đối, đúng đắn và có trách nhiệm đối với cả hai bên."

Giới quan chức ở Brussels đang hoàn tất các văn bản để luật mới có hiệu lực khi Anh ngừng áp dụng quy định thương mại của EU từ tuần sau.

Trước đó, các cuộc đàm phán giữa Anh và EU khá căng thẳng và kéo dài nhiều tháng qua.

[Điều gì chờ đợi nước Anh sau thỏa thuận thương mại hậu Brexit?]

Thỏa thuận mới sẽ giúp EU và Anh không phải áp đặt thuế nhập khẩu đối với hàng hóa của hai bên từ ngày 1/1/2020.

Hai bên cũng đồng ý về giai đoạn chuyển tiếp liên quan đến quy định đánh cá trong 5 năm. Quốc hội Anh sẽ nhóm họp để bỏ phiếu thông qua trước ngày 31/12 tới.

Thỏa thuận này cũng giúp hai bên tránh được cái kết đầy hỗn loạn về kinh tế vào đêm chuyển sang Năm mới mà sau đó EU sẽ coi Vương quốc Anh là "nước thứ ba."

Trong các cuộc đàm phán, Anh đã quả quyết rằng họ được coi là một quốc gia có chủ quyền ngang bằng với EU và sự độc lập của họ cần được tôn trọng. Lập luận này làm nảy sinh hai vấn đề.

Thứ nhất, theo giải thích của Ngoại trưởng Tây Ban Nha - một nhà đàm phán thương mại kỳ cựu, một hiệp định thương mại được ký kết nhằm tạo ra mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau chứ không phải để khẳng định sự độc lập của mỗi bên.

Thứ hai, EU đơn giản là một "gã khổng lồ" kinh tế vượt trội hơn hẳn Vương quốc Anh. Điều này có nghĩa là Brussels tự tin rằng họ có thể vượt qua sự gián đoạn của một cuộc chia cắt không có thỏa thuận tốt hơn Anh.

Bằng cách từ chối kéo dài thời gian chuyển tiếp bất chấp đại dịch, Thủ tướng Boris Johnson đảm bảo cả hai bên đều phải đối mặt với áp lực thời gian như nhau.

Tuy nhiên, họ không phải đối mặt với mức độ rủi ro như nhau nếu không đạt được thỏa thuận. Do đó, yếu tố quyết định thực sự thỏa thuận Brexit là "thời gian."

Anh sẽ rời khỏi thị trường chung EU và liên minh thuế quan, vì vậy các quy tắc và quy định về giao thương mọi hàng hóa, từ các phụ tùng xe hơi đến pho-mát camembert sẽ đều thay đổi. Thương mại song phương hiện ở mức khoảng 1.000 tỷ USD một năm. Ngay cả khi có được một thỏa thuận, vẫn có những gián đoạn ở biên giới bởi các thủ tục hải quan và thủ tục giấy tờ mới.

Tuy nhiên, nếu không có thỏa thuận đạt được thì sự gián đoạn sẽ còn lớn hơn nhiều.

Sau khi đại dịch COVID-19 phá hủy toàn bộ lĩnh vực trên khắp phương Tây, cả Anh và 27 thành viên EU còn lại đều không mong muốn một "đòn giáng" khác nào tới nền kinh tế của họ.

Một thỏa thuận thương mại sẽ làm dịu đi ảnh hưởng của Brexit, mặc dù các nhà kinh tế cảnh báo rằng việc rời khỏi quỹ đạo EU vẫn sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới.

Nhà kinh tế John van Reenen viết trên blog của Trường Kinh tế London: "Sự ra đi không thỏa thuận sẽ rất đau đớn vì nó ập đến như một cơn sóng thần. Một Thỏa thuận Brexit cứng mang đến tác động lặng lẽ hơn, gây tổn hại tới nền kinh tế trong nước trong nhiều thập kỷ tới."

Các nền kinh tế EU cũng sẽ bị ảnh hưởng, song ở mức độ thấp hơn - dù một số, chẳng hạn như Ireland và Bỉ, gặp tổn hại hơn nhiều nước khác.

Năm ngoái, Hylke Vandenbussche, Giáo sư tại Đại học Leuven của Bỉ, dự báo rằng một Brexit với thỏa thuận thương mại tự do sẽ đồng nghĩa với việc nền kinh tế kết hợp của 27 quốc gia EU giảm 0,38% và mất khoảng 280.000 việc làm.

Với việc Anh và EU đạt được thỏa thuận hậu Brexit về thương mại và các vấn đề khác, chỉ một tuần trước khi kỷ nguyên mới trong quan hệ Anh-EU bắt đầu, hai bên đã tránh được tình trạng gián đoạn của một Brexit không có thỏa thuận trong bối cảnh đại dịch.

Thỏa thuận có ý nghĩa này đặt ra một loạt câu hỏi về cách mối quan hệ Anh-EU sẽ vận hành trong tương lai. Dưới đây là 10 câu hỏi chính:

1. Đánh cá - một trong những vấn đề khó khăn nhất trong các cuộc đàm phán: Tàu thuyền của EU sẽ được đánh bắt bao nhiêu cá ở vùng biển của Anh trong tương lai, và giai đoạn chuyển tiếp sẽ kéo dài bao lâu trước khi các biện pháp mới có hiệu lực?

Các quan chức tham gia đàm phán cho biết ban đầu Anh muốn cắt giảm 80% số lượng cá mà các tàu thuyền của EU đánh bắt trong vùng biển của Anh, trong khi EU ban đầu đề xuất cắt giảm 18%. Ai nhượng bộ nhiều hơn?

Thỏa thuận Brexit mở ra kỷ nguyên mới trong quan hệ Anh-EU ảnh 2Ngư dân đánh cá ngoài khơi bờ biển phía Đông Nam nước Anh ngày 12/10/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)

2. Sân chơi bình đẳng: Các quy tắc về cạnh tranh bình đẳng sẽ như thế nào? Định nghĩa về mức độ hợp lý trong hoạt động trợ giúp của nhà nước, hoặc trợ cấp tài chính cho hoạt động kinh doanh, sẽ rất quan trọng.

3. Giải quyết tranh chấp: Đây sẽ là chủ đề của các cuộc đàm phán trong nhiều năm tới. Thỏa thuận sẽ thực sự được thực thi như thế nào nếu một trong hai bên vi phạm bất kỳ điều khoản và điều kiện nào? Nếu Anh quyết định từ bỏ các quy định của EU một cách triệt để hơn trong tương lai, EU có thể phản ứng nhanh như thế nào? Liệu khối này có khả năng áp đặt thuế quan (hoặc thuế đối với hàng xuất khẩu của Anh) trong một lĩnh vực (ví dụ đối với xe hơi) để đối phó với việc vi phạm thỏa thuận ở một lĩnh vực khác (chẳng hạn như đánh cá)?

4. Tòa án Công lý Châu Âu (ECJ): Tòa án cao nhất của EU sẽ vẫn là trọng tài cuối cùng của luật pháp châu Âu. Tuy nhiên, Chính phủ Anh cho biết quyền tài phán trực tiếp của ECJ ở Anh sẽ chấm dứt. Vậy, tòa án châu Âu sẽ đóng vai trò gì trong việc giám sát thỏa thuận về quan hệ trong tương lai?

5. Du lịch: Các quy định sẽ như thế nào đối với những người Anh muốn đến EU từ ngày 1/1/2021? Liệu sẽ có bất kỳ thỏa thuận bổ sung nào về những nội dung như an sinh xã hội hay bảo hiểm xe cộ hay không? Liệu có bất kỳ chi tiết nào về bất kỳ thỏa thuận nào để thay thế Thẻ Bảo hiểm Y tế châu Âu (EHIC), thẻ này sẽ không còn hiệu lực đối với hầu hết công dân Anh?

6. Dịch vụ tài chính: Hiệp định thương mại chủ yếu là về các quy tắc đối với hàng hóa qua biên giới, ít đề cập đến thương mại trong các dịch vụ. Liệu sẽ có một tuyên bố riêng từ EU công nhận các quy tắc của Anh điều chỉnh các dịch vụ tài chính gần như "tương đương" với các quy tắc của EU? Điều đó sẽ giúp các công ty Anh xuất khẩu các dịch vụ tiếp tục kinh doanh tại thị trường EU dễ dàng hơn nhiều.

7. Dữ liệu: Đây là một vấn đề thực sự quan trọng. Các quy tắc bảo vệ dữ liệu sẽ như thế nào đối với các công ty Anh xử lý dữ liệu từ EU? Một lần nữa, Anh hy vọng EU sẽ ban hành một quyết định riêng công nhận các quy tắc của Anh là "tương đương" với các quy tắc của mình, nhưng chi tiết sẽ cần được xem xét kỹ lưỡng.

8. Tiêu chuẩn sản phẩm: Đối với các công ty kinh doanh giữa Anh và EU, sẽ có nhiều thủ tục và sự chậm trễ hơn ở các biên giới trong tương lai. Tuy nhiên, liệu hai bên có thống nhất được biện pháp nào để mọi thứ dễ dàng hơn không? Cần có một "sự công nhận lẫn nhau về những đánh giá phù hợp" liên quan đến quá trình kiểm tra các tiêu chuẩn sản phẩm.

9. Trình độ chuyên môn: Nhiều người, từ kế toán đến đầu bếp, làm việc ở các quốc gia EU khác nhau và không phải lo lắng về việc đi qua biên giới nhiều lần khi Anh còn trong EU. Tuy nhiên, liệu bằng cấp chuyên nghiệp của Anh có được công nhận trên toàn EU trong tương lai không, và sẽ có những hạn chế nào?

10. Bảo mật: Điều này không chỉ liên quan đến thương mại. Anh sẽ mất quyền truy cập tự động và tức thì vào nhiều cơ sở dữ liệu khác nhau của EU mà cảnh sát sử dụng hàng ngày - chẳng hạn như hồ sơ tội phạm, dấu vân tay và những người bị truy nã. Vậy họ sẽ có những quyền truy cập nào và hợp tác bảo mật sẽ vận hành như thế nào trong tương lai?

Có rất nhiều câu hỏi khác cần lời giải đáp. Thỏa thuận này sẽ tạo cơ sở cho quan hệ Anh-EU trong nhiều năm, nếu không muốn nói là nhiều thập kỷ tới. Và hai bên sẽ phải tiếp tục trao đổi về cách triển khai hiệu quả nhất./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục