Ngày 11/12, tại trụ sở chính của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) ở Vienne, Áo đã diễn ra cuộc thảo luận giữa Trưởng đoàn thanh sát hạt nhân Iran của IAEA Tero Varjoranta và Đại sứ Iran tại IAEA Raza Najafi, với kết quả được mô tả là "tích cực."
Tại cuộc gặp, hai bên đã xem xét lại tiến trình thực hiện 2 bước đầu tiên của thỏa thuận hợp tác gồm 6 bước mà Iran ký kết với IAEA ngày 11/11 vừa qua, bao gồm việc IAEA tiếp cận hai cơ sở hạt nhân của Tehran trong vòng 3 tháng.
Cụ thể, ngày 8/12, IAEA đã lần đầu tiên trong vòng hai năm qua tới thanh sát nhà máy hạt nhân nước nặng Arak, cơ sở có liên quan tới một lò phản ứng đang xây dựng của Iran mà phương Tây lo sợ có thể sản xuất plutonium phục vụ chế tạo bom nguyên tử.
Theo ông Varjoranta, các thanh sát viên IAEA sẽ tiếp tục tới thanh sát mỏ uranium Gchine trước ngày 11/2/2014, thời điểm Iran hoàn thành 6 bước trong thỏa thuận như đã ký kết. Đây cũng sẽ là chuyến đi thị sát của IAEA tới Gchine lần đầu tiên kể từ năm 2005.
Các bước còn lại mà Iran cần thực hiện trong vòng 3 tháng là cung cấp thông tin về các lò phản ứng nghiên cứu mới, các nhà máy bổ sung làm giàu uranium, 16 cơ sở phục vụ các nhà máy điện hạt nhân và công nghệ làm giàu uranium bằng laser của nước này.
Trả lời phỏng vấn báo chí sau cuộc gặp, ông Varjoranta khẳng định IAEA sẽ tiếp tục gây áp lực với Iran trong cuộc đàm phán tại Tehran vào ngày 21/1 tới. Liên quan những quan ngại của IAEA về khả năng chương trình hạt nhân của Iran có thể phục vụ mục đích quân sự, ông Varjoranta cho biết vấn đề này sẽ được thảo luận với Iran tại cuộc họp tới ở Tehran.
Iran vẫn khẳng định nước này chỉ làm giàu uranium để cung cấp nhiên liệu cho mạng lưới các nhà máy điện hạt nhân trong nước. Tuy nhiên, nguyên liệu uranium tương tự nếu được làm giàu ở mức cần thiết có thể trở thành lõi của một quả bom hạt nhân.
Thỏa thuận hợp tác 6 bước giữa hai bên hồi tháng trước được cho là giúp làm giảm mối quan ngại của quốc tế về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng mọi việc sẽ không đơn giản khi IAEA đề xuất những bước tiếp theo với Iran, đặc biệt là việc tiếp cận cơ sở quân sự Parchin, nơi mà IAEA cho rằng đã diễn ra vụ thử chất nổ liên quan vũ khí hạt nhân một thập kỷ trước.
IAEA tuyên bố tổ chức này cần được quyền tiếp cận các quan chức, cơ sở nhà máy và tài liệu ở Iran để có thể tiến hành quá trình điều tra vốn bị trì hoãn lâu đối với chương trình hạt nhân của Tehran.
Cách đây hai năm, IAEA từng công bố một bản báo cáo với các thông tin tình báo, rằng những hoạt động hạt nhân trước đây của Iran có thể liên quan tới việc phát triển bom hạt nhân.
Thỏa thuận giữa IAEA và Iran không liên quan tới bước đột phá mà Iran và nhóm P5+1 đã đạt được ngày 24/11, với nội dung Tehran sẽ kiềm chế chương trình hạt nhân của mình để đổi lại việc phương Tây giảm nhẹ các lệnh trừng phạt nhằm vào nền kinh tế nước này.
Mặc dù vậy, giới phân tích nhận định cả hai thỏa thuận này đã cho thấy sự tan băng nhanh chóng trong mối quan hệ giữa Iran và thế giới bên ngoài kể từ khi Tổng thống Iran Hassan Rouhani theo đường lối ôn hòa nhậm chức hồi tháng 8 vừa qua./.