Thỏa thuận hạt nhân Iran: Việc tuân thủ hoàn toàn đã ở trong tầm tay?

Bản dự thảo cuối cùng xác định các bước mà Iran-Mỹ sẽ phải thực hiện để quay trở lại việc tuân thủ hoàn toàn thỏa thuận hạt nhân Iran ban đầu năm 2015 với tên gọi chính thức là JCPOA.
Thỏa thuận hạt nhân Iran: Việc tuân thủ hoàn toàn đã ở trong tầm tay? ảnh 1Cơ sở hạt nhân Bushehr ở Iran. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trang mạng politico.com đưa tin, các cuộc đàm phán gián tiếp giữa Iran và Mỹ về việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015 đã kết thúc hôm 8/8 vừa qua tại Vienna và bản dự thảo cuối cùng của thỏa thuận sẽ được chuyển cho các nhà đàm phán của Washington và Tehran.

Ngày 8/8, các quan chức phương Tây nói rằng họ đã hoàn tất đàm phán các vấn đề kỹ thuật vẫn còn bỏ ngỏ trong văn bản dự thảo cuối cùng do Đại diện Cấp cao về Chính sách Đối ngoại và An ninh của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell đưa ra hôm 21/7 vừa qua.

Bản dự thảo cuối cùng xác định các bước mà Iran và Mỹ sẽ phải thực hiện để quay trở lại việc tuân thủ hoàn toàn thỏa thuận hạt nhân Iran ban đầu năm 2015 với tên gọi chính thức là Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung (JCPOA).

Thỏa thuận này đã đảo ngược các lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu đối với Iran để đổi lấy việc Tehran thực hiện các bước nhằm hạn chế chương trình hạt nhân của mình và một thỏa thuận cho phép Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), tổ chức giám sát hạt nhân của Liên hợp quốc, thực hiện các cuộc thanh tra giám sát.

Cũng trong ngày 8/8, EU sẽ chính thức gửi tài liệu dự thảo cuối cùng đến các bên tham gia và sẽ yêu cầu Mỹ và Iran nhất trí với tài liệu này. Nếu đạt được thỏa thuận, các ngoại trưởng dự kiến sẽ trở lại Vienna để chính thức khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Một quan chức cấp cao của phương Tây nói: “Hiện có một cơ hội thực sự cho thỏa thuận, nhưng vẫn có một số điểm không chắc chắn như mọi khi.”

Còn một quan chức cấp cao của EU xác nhận rằng EU đã hoàn thiện dự thảo văn bản với vai trò là bên điều phối, hỗ trợ và đã đưa ra giải pháp cho 4 vấn đề kỹ thuật vẫn còn bỏ ngỏ.

Quan chức này nói: “Hiện tại việc xem xét văn bản này là trách nhiệm của chính phủ các nước. Đó là nỗ lực tốt nhất có thể. Chúng tôi đã đàm phán mọi khía cạnh rất nhiều lần.”

[Khả năng đạt được đồng thuận về JCPOA sớm nhất vào tuần tới]

Quan chức cấp cao này cũng xác nhận các nhà đàm phán sẽ rời Vienna trong vài giờ tới và bản dự thảo dài 25 trang.

Quan chức EU nói trên cho biết văn bản dự thảo sẽ không giải quyết các vấn đề chưa được giải quyết của IAEA về chương trình hạt nhân trong quá khứ của Iran. Quan chức này giải thích: “Đó là vấn đề của Iran và IAEA. Không có mối liên hệ nào giữa hai điều đó.”

Ngày 8/8, một quan chức Bộ Ngoại giao Iran nói với hãng thông tấn Iran IRNA rằng “với việc các bên tiếp tục thảo luận về một số vấn đề quan trọng còn tồn đọng, chúng tôi vẫn chưa đến giai đoạn hoàn thiện văn bản.

Iran đã trình bày quan điểm mang tính xây dựng của mình với các bên khác để đạt được tiến bộ và kết quả phụ thuộc vào quyết định chính trị của họ. Chúng tôi tin rằng các cuộc đàm phán tại Vienna có thể sớm kết thúc nếu các bên khác đưa ra quyết định phù hợp. Nhưng chúng tôi vẫn chưa đến thời điểm đó.”

EU đã làm trung gian cho các cuộc đàm phán bị ngắt quãng kéo dài trong 16 tháng giữa Đặc phái viên Mỹ Robert Malley và người đồng cấp Iran Ali Bagheri Kani.

Vòng đàm phán gián tiếp cuối cùng giữa Washington và Tehran diễn ra tại Doha, Qatar, vào cuối tháng 6 và sau đó đã kết thúc mà không có một bước đột phá lớn.

Trong 5 ngày qua, các nhà ngoại giao EU với các tập tài liệu tất bật chạy đi chạy lại giữa 2 khách sạn nằm dọc theo con đường Ringstrasse lịch sử của Vienna, nơi các phái đoàn của Mỹ và Iran đang làm việc. Tehran đã từ chối nói chuyện trực tiếp với Mỹ kể từ khi cựu Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân cách đây 4 năm và tái áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Chương trình vũ khí hạt nhân bí mật?

Hiện vẫn còn một điểm mấu chốt chính ngăn cản việc đạt được bước đột phá trong các cuộc đàm phán mặc dù dự thảo thỏa thuận đã được các nhà đàm phán EU hoàn tất. 

Thỏa thuận hạt nhân Iran: Việc tuân thủ hoàn toàn đã ở trong tầm tay? ảnh 2Đại diện phái đoàn Iran (phải) và đại diện Liên minh châu Âu (trái) tại phiên đàm phán nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân được ký kết năm 2015, ở Vienna (Áo) ngày 3/12/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Iran đã yêu cầu cơ quan giám sát hạt nhân của Liên hợp quốc chấm dứt cuộc điều tra về nguồn gốc của nhiều dấu vết vật liệu hạt nhân nhân tạo mà các thanh sát viên của IAEA đã tìm thấy tại nhiều địa điểm khác nhau ở Iran trong vài năm qua.

Tehran khẳng định rằng thỏa thuận hạt nhân chỉ có thể được khôi phục nếu hoạt động điều tra này của IAEA bị chấm dứt vĩnh viễn. Cơ quan Liên hợp quốc đã tìm ra dấu vết của các hạt urani dựa trên thông tin do Cơ quan tình báo Mossad của Israel phát hiện được trong một hoạt động bí mật năm 2018.

Các nhân viên tình báo Israel đã đánh cắp hàng nghìn tài liệu và đĩa CD từ một nhà kho ở Tehran, trong đó có thông tin về các địa điểm có thể đã diễn ra hoạt động hạt nhân ở Iran trong nhiều thập kỷ qua.

Các quan chức phương Tây nghi ngờ rằng dấu vết urani mà IAEA phát hiện là bằng chứng cho thấy Iran đã có một chương trình vũ khí hạt nhân bí mật và đã tích cực phát triển vũ khí nguyên tử ít nhất là cho đến năm 2003.

Tehran tiếp tục khẳng định chương trình hạt nhân của họ chỉ nhằm mục đích hòa bình. Tuy nhiên, theo IAEA, Iran đã không đưa ra được câu trả lời đáng tin cậy và hợp lý về nguồn gốc của những hạt urani. Điều này đã khiến IAEA chỉ trích Iran tại cuộc họp cuối cùng của họ ở Vienna vào tháng Sáu vừa qua. Các quan chức phương Tây đã thúc ép Iran đưa ra câu trả lời và dự kiến sẽ không rút lại yêu cầu trên.

Một nhà ngoại giao cấp cao của châu Âu giấu tên đã đưa ra một lý do tại sao Iran có thể cản trở cuộc điều tra của IAEA, người này nói: “Chế độ Iran dường như thích bảo vệ một số cá nhân tham gia vào các hoạt động bí mật 20 năm trước thay vì tháo gỡ bế tắc cho nền kinh tế và mở ra tương lai cho người dân của họ.”

Các nhà ngoại giao phương Tây tham gia đàm phán ở Vienna cho biết để tìm kiếm giải pháp, trong 5 ngày qua, các bên đã đàm phán một thỏa thuận chính trị riêng biệt với Iran có thể giúp khép lại cuộc điều tra - với điều kiện Iran hợp tác.

Theo một quan chức cấp cao của phương Tây, thỏa thuận đó sẽ chứng kiến Hội đồng thống đốc IAEA gồm 35 thành viên thông qua nghị quyết chấm dứt cuộc điều tra về vật liệu hạt nhân, nếu Tehran đưa ra câu trả lời về nguồn gốc của dấu vết urani mà IAEA cho là đáng tin cậy. Thỏa thuận này về cơ bản sẽ là phiên bản cập nhật của một thỏa thuận tương tự đã đạt được với Iran , do Anh, Pháp và Đức đàm phán vào tháng Ba.

Giải pháp cho các câu hỏi về hạt nhân

Trong 5 ngày qua, các nhà đàm phán cũng đã tìm ra giải pháp cho “các vấn đề kỹ thuật” vẫn còn bỏ ngỏ trong văn bản dự thảo cuối cùng nhằm mục đích khôi phục JCPOA.

Thỏa thuận hạt nhân Iran: Việc tuân thủ hoàn toàn đã ở trong tầm tay? ảnh 3Quang cảnh vòng đàm phán nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran tại Vienna, Áo ngày 9/12/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Một trong số đó liên quan đến các chi tiết về việc lắp đặt lại các camera được sử dụng để giám sát xem liệu Tehran có tuân thủ các quy định của JCPOA và đã bị Iran tắt vào tháng Sáu để trả đũa sự chỉ trích của Hội đồng thống đốc IAEA.

Một vấn đề kỹ thuật khác dường như có liên quan đến một lượng nhỏ urani được làm giàu 60% đã được chuyển đổi, chiếu xạ và không thể vận chuyển ra khỏi Iran do độ phóng xạ cao. Theo quy định của JCPOA, tất cả urani được làm giàu cao phải được vận chuyển ra khỏi đất nước. Theo một quan chức cấp cao của phương Tây có hiểu biết về vấn đề này, bản dự thảo cuối cùng bao gồm các giải pháp khả thi cho cả 2 vấn đề.

Iran nhượng bộ trong vấn đề loại IRGC ra khỏi danh sách khủng bố

Một rào cản lớn khác đã khiến thỏa thuận cuối cùng bị trì hoãn trong nhiều tháng liên quan đến việc Iran yêu cầu loại bỏ Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC), một lực lượng hùng mạnh của quân đội nước này, ra khỏi Danh sách Tổ chức Khủng bố Nước ngoài của Mỹ. Tổng thống Joe Biden nhấn mạnh rằng ông sẽ tiếp tục trừng phạt IRGC.

Cựu Tổng thống Donald Trump từng đưa IRGC vào danh sách khủng bố vào năm 2019, cùng với việc áp đặt nhiều lệnh trừng phạt về vấn đề khủng bố và nhân quyền đối với các tổ chức và cá nhân Iran không liên quan đến chương trình hạt nhân.

Theo một nhà ngoại giao cấp cao của EU, Tehran đã đồng ý gác lại yêu cầu này và sẽ thảo luận vấn đề này trong tương lai trong các cuộc đàm phán trực tiếp với Washington.

Lợi ích kinh tế đối với Iran

Iran cũng đã yêu cầu sự đảm bảo pháp lý từ phía Mỹ rằng trong tương lai họ sẽ không từ bỏ thỏa thuận hạt nhân. Chính quyền Biden đã nhiều lần nhấn mạnh rằng họ sẽ tuân thủ các nghĩa vụ của mình theo thỏa thuận nhưng họ không thể đảm bảo thay cho các chính quyền trong tương lai.

Do đó, các nhà đàm phán đã đưa ra những đảm bảo về kinh tế sẽ mang lại cho Iran cơ hội kiếm lợi về mặt tài chính từ thỏa thuận - ngay cả khi một chính quyền mới của Mỹ rút khỏi hiệp ước một lần nữa. Một trong những đảm bảo mà các nhà đàm phán đang tìm ra là việc kéo dài tạm thời các hợp đồng cho các công ty kinh doanh tại Iran.

Một thỏa thuận được gia hạn sẽ cho phép Iran bán dầu tự do trên thị trường toàn cầu và tiếp tục được tiếp cận các tài sản bị đóng băng, trị giá ước tính 100 tỷ USD.

Theo Henry Rome, nhà phân tích cấp cao của Eurasia Group, mặc dù Iran có thể bán một số dầu của mình, chủ yếu là cho Trung Quốc, bất chấp các lệnh trừng phạt, một hiệp ước hạt nhân được khôi phục sẽ cho phép Iran xuất khẩu thêm khoảng 1 triệu thùng/ngày so với lượng xuất khẩu hiện tại.

Nhà phân tích này nói thêm: “Nếu dầu được giao dịch ở mức 100 USD/thùng, Iran sẽ có khoản doanh thu bổ sung 3 tỷ USD mỗi tháng bên cạnh các mặt hàng xuất khẩu hiện có”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục