Các nhà phân tích cho biết thỏa thuận thương mại "giai đoạn một" giữa Trung Quốc và Mỹ có thể là động lực mới để Bắc Kinh tăng tốc các chính sách cải cách mở cửa thị trường và tự do hóa nền kinh tế vốn bị trì hoãn sau 18 năm kể từ khi nước này gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Ngày 13/12 vừa qua, Mỹ và Trung Quốc thông báo đã đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn một. Theo đó, Trung Quốc sẽ tăng đáng kể lượng nông sản nhập khẩu của Mỹ, lên 50 tỷ USD trong năm 2020, gấp đôi mức nhập khẩu trong năm 2017, đồng thời mở cửa các ngành dịch vụ tài chính và ban hành các biện pháp bảo vệ sở hữu trí tuệ mới.
Đổi lại, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ ngừng áp thuế đối với hàng hóa trị giá gần 160 tỷ USD của Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ và giảm một nửa mức thuế đã áp từ 15% xuống còn 7,5% đối với lượng hàng hóa trị giá 120 tỷ USD nhập khẩu của Trung Quốc từ ngày 15/12.
Theo bài viết trên báo South China Morning Post, mặc dù chi tiết cụ thể của thỏa thuận thương mại tạm thời chưa được công bố chính thức, nhưng rõ ràng thỏa thuận này sẽ có một số nhượng bộ nhất định từ phía Bắc Kinh về mặt mở cửa thị trường và thay đổi chính sách trong nước.
Việc đưa các vấn đề này vào thỏa thuận, dự kiến được ký vào tháng 1/2020, sẽ góp phần thúc đẩy tiến trình thực hiện các mục tiêu mà Washington và nhiều quốc gia khác yêu cầu Bắc Kinh phải đáp ứng như điều kiện để gia nhập WTO vào năm 2001.
Thỏa thuận thương mại "giai đoạn một" giữa hai cường quốc đạt được trong bối cảnh ngày càng gia tăng rủi ro liên quan đến việc Trung Quốc tìm cách tách khỏi sự phụ thuộc vào Mỹ về thương mại và công nghệ; trong khi các cải cách theo định hướng thị trường của nước này cho thấy dấu hiệu mất đà.
Theo tuyên bố của cả hai bên về thỏa thuận thương mại "giai đoạn một," Trung Quốc sẽ tăng đáng kể nhập khẩu hàng hóa của Mỹ, cải thiện việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, mở cửa thị trường tài chính và minh bạch trong chính sách tiền tệ. Đây cũng là những cam kết của Bắc Kinh khi nước này đàm phán gia nhập WTO. Thỏa thuận này đã ngay lập tức xoa dịu căng thẳng thương mại Mỹ-Trung cũng như thổi làn gió mới cho triển vọng tăng trưởng toàn cầu.
Một số nhà phân tích ở Trung Quốc cho rằng thỏa thuận “đình chiến” có thể mang lại những thay đổi dài hạn cho nền kinh tế nước này, tạo điều kiện thúc đẩy Trung Quốc vươn lên thành một siêu cường kinh tế.
Theo ông Ren Zeping, nhà kinh tế trưởng của tập đoàn phát triển bất động sản Evergrande và từng là nhà nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu phát triển thuộc Quốc vụ viện, thỏa thuận thương mại với Mỹ sẽ đánh dấu những tiến bộ quan trọng trong quá trình cải cách và mở cửa của Trung Quốc. Điều này có tầm quan trọng như việc Trung Quốc gia nhập WTO. Trung Quốc cuối cùng đã quyết định biến áp lực thành hành động để tăng tốc đáng kể những cải cách đã trì hoãn từ lâu.
Mặc dù thỏa thuận "giai đoạn một" tập trung nhiều về việc loại bỏ thuế quan và tăng nhập khẩu hàng hóa hơn là thúc đẩy thay đổi cơ cấu trong mô hình kinh tế của Trung Quốc, nhưng những vấn đề nhức nhối hơn như vai trò của khu vực nhà nước trong nền kinh tế dường như được để dành cho các cuộc đàm phán trong tương lai. Đồng thời, ngày càng có dấu hiệu cho thấy các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã bắt đầu đánh giá lại tham vọng kinh tế của mình.
[Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung hạ nhiệt nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ cao]
Trong một bài báo về phát triển kinh tế khu vực, phát hành hai ngày sau khi thỏa thuận thương mại “giai đoạn một” được công bố, Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết Trung Quốc phải chấp nhận sự mất cân bằng kinh tế giữa các khu vực trong khi phải cho phép các hoạt động kinh tế tập trung ở một số cụm thành phố lớn. Điều này đi ngược lại quan điểm truyền thống của Bắc Kinh rằng tất cả các khu vực phải được phát triển ở mức độ tương tự nhau.
Trước đó, tại Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương Trung Quốc diễn ra từ ngày 10-12/12, các nhà hoạch định chính sách của nước này cho biết sẽ tiếp tục mở cửa nền kinh tế sâu rộng hơn.
Giới phân tích cho rằng đợt mở cửa mới này sẽ góp phần tái định hình bức tranh kinh tế mới của Trung Quốc nói riêng và thế giới nói chung.
Khi Trung Quốc mở cửa lần đầu tiên, Chính phủ nước này đã tiến hành các đợt thử nghiệm và thí điểm trước tiên ở các vùng duyên hải và sau đó nhiều năm mới mở rộng ra các vùng trung tâm và phía Tây.
Tuy nhiên, trong mười năm qua, Trung Quốc đã cải thiện sự cân bằng trong việc mở cửa nhiều khu vực khác nhau và đẩy nhanh tốc độ mở cửa các vùng trung tâm và phía Tây. Trung Quốc đã công bố 17 khu vực mới cấp trung ương kể từ năm 2010, trong đó có sáu khu vực ở phía Đông, năm khu vực ở trung tâm và sáu khu vực ở phía Tây. Những con số gần như bằng nhau này cho thấy nỗ lực của Bắc Kinh trong việc mở cửa hơn nữa ở tất cả các vùng nhằm thúc đẩy sự phát triển cân bằng.
Bên cạnh đó, khác với chính sách mở cửa cơ bản đối với thị trường và các yếu tố hàng hóa, giờ đây Trung Quốc đang hướng đến việc thiết lập một đợt mở cửa mới tập trung về mặt thể chế và hệ thống. Trung Quốc đã thực hiện nhiều biện pháp mạnh mẽ nhằm thúc đẩy mở cửa về mặt thể chế, trong đó có việc thực hiện nguyên tắc đối xử quốc gia, rút ngắn danh sách giới hạn đối với đầu tư nước ngoài, và bảo vệ các quyền sở hữu trí tuệ.
Chuyên gia nghiên cứu Zhang Monan, thuộc Trung tâm Giao lưu Kinh tế Quốc tế Trung Quốc, nhận định nước này đang bước vào một giai đoạn mở cửa mới về mặt thể chế và dựa trên quy định; đây là cấp độ cao hơn so với việc mở cửa thị trường. Một ưu tiên hàng đầu trong việc phát triển một nền kinh tế mở cấp độ cao hơn là tạo ra một hệ thống thị trường phù hợp với các luật lệ, quy định, cách quản lý và các tiêu chuẩn quốc tế.
Một điều luật quan trọng về đầu tư nước ngoài và một quy định về tối ưu hóa môi trường kinh doanh sẽ có hiệu lực vào đầu năm 2020, từ đó cung cấp cơ sở pháp lý để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận thị trường Trung Quốc.
Mặc dù chưa xác nhận bất kỳ con số mục tiêu nào trong thỏa thuận thương mại mà hai bên đã đạt được, Bắc Kinh đã nhấn mạnh rằng thỏa thuận này sẽ có lợi cho tiến trình cải cách thị trường Trung Quốc.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Liêu Mân và là trợ lý của Phó Thủ tướng Lưu Hạc ngày 13/12 cho biết thỏa thuận này là phù hợp với định hướng cải cách sâu rộng của Trung Quốc cũng như nhu cầu của Trung Quốc, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế chất lượng cao hơn. Việc đánh giá thỏa thuận này là tốt hay xấu nên được các doanh nghiệp và thị trường quyết định.
Hiện tại, việc ký kết một thỏa thuận thương mại với Mỹ không phải là quyết định dễ dàng đối với Bắc Kinh, bởi tinh thần dân tộc đang dâng cao, với một số người cho rằng đây là bước lùi quá lớn của Bắc Kinh.
Tuy nhiên, tờ Tin tức Bắc Kinh dẫn nhận định của Phó Giáo sư của Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế của Trường Đảng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Liang Yabin, rằng quan điểm cho rằng các nhà đàm phán Trung Quốc quá mềm mỏng trong các cuộc đàm phán thương mại là cái nhìn “thiển cận." Nhìn lại khi Trung Quốc gia nhập WTO, đã có nhiều cuộc tranh luận về việc liệu Trung Quốc có nhượng bộ quá nhiều hay không, giờ đây liệu có ai còn nghĩ như vậy?
Mặt khác, cũng chưa thể dự đoán được liệu Trung Quốc và Mỹ có thể duy trì “thiện chí” để đi đến thỏa thuận cuối cùng hay không và liệu Bắc Kinh có sẵn sàng thực hiện các bước đi cần thiết để thay đổi mô hình kinh tế của mình hay không? Những cải cách đó bao gồm giảm trợ cấp cho các doanh nghiệp nhà nước và giảm dần vai trò đáng kể của khu vực nhà nước.
Nhà nghiên cứu hàng đầu Arthur Kroeber của công ty nghiên cứu Gavekal, đã mô tả thỏa thuận thương mại “giai đoạn một” này là một thỏa thuận đình chiến mong manh, bởi những gì Mỹ và Trung Quốc đạt được đều quá ít ỏi.
Washington vẫn chưa đạt được mục tiêu chính đề ra ban đầu là yêu cầu Bắc Kinh thay đổi hệ thống kinh tế do nhà nước lãnh đạo và thỏa thuận này cũng không chấm dứt nguy cơ leo thang cuộc chiến công nghệ giữa hai nước.
Thỏa thuận thương mại giai đoạn một giữa Mỹ và Trung Quốc làm hạ nhiệt căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới, nhưng những leo thang mới vẫn tiềm ẩn nguy cơ lớn. Đây là nhận định được hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế Fitch đưa ra ngày 17/12.
Theo Fitch, căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh, đặc biệt trong các lĩnh vực như công nghệ, sẽ là một trở ngại lớn đối với nỗ lực của hai bên trong việc hướng tới một giải pháp toàn diện cho cuộc chiến thương mại.
Fitch dự báo nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng gần 6% trong năm 2020, trong khi dự báo trước đó là 5,7%. Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đã giảm xuống mức 6% trong quý 3 vừa qua, mức thấp nhất gần 30 năm qua, do căng thẳng thương mại ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất./.