Thời hạn báo cáo dữ liệu CBAM có thể được gia hạn đến đầu tháng 3/2024

Do lỗi hệ thống, Ủy ban châu Âu (EU) có thể gia hạn thời hạn báo cáo dữ liệu cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) thêm 30 ngày, đến ngày 1/3/2024.

Nhiều ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam, như sắt thép sẽ chịu tác động bởi cơ chế điều chỉnh biên giới carbon. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Nhiều ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam, như sắt thép sẽ chịu tác động bởi cơ chế điều chỉnh biên giới carbon. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Theo đại diện Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, cơ quan Hải quan Đan Mạch vừa thông báo, do lỗi hệ thống, Ủy ban châu Âu (EU) có thể gia hạn thời hạn báo cáo dữ liệu CBAM đến ngày 1/3/2024.

Theo đó, thời hạn ban đầu là ngày 31/1/2024 nhưng hiện tại có thể được kéo dài thêm 30 ngày, tức là đến ngày 1/3/2024. Điều này là do lỗi kỹ thuật hệ thống liên tục xảy ra trong sổ đăng ký CBAM.

Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) là một chính sách thuộc Thỏa thuận Xanh EU, là chiến lược tăng trưởng mới của khu vực này nhằm xây dựng một xã hội công bằng và thịnh vượng, thúc đẩy các ngành công nghiệp phát triển trên cơ sở một nền kinh tế sạch và bền vững.

CBAM kỳ vọng sẽ giúp EU giảm phát thải carbon ít nhất 55% vào năm 2030 so với mức năm 1990. Cơ chế này xây dựng dựa trên sự minh bạch về thông tin, sẽ ảnh hưởng lớn không chỉ về phát thải khí nhà kính, biến đổi khí hậu mà tác động trực tiếp tới chuỗi cung ứng hàng hóa của các doanh nghiệp.

Với cơ chế này, từ ngày 1/10/2023, 6 loại hàng hóa thải ra nhiều carbon nhất trong quá trình sản xuất được Liên minh châu Âu (EU) xác định là sắt thép, xi măng, phân bón, nhôm, điện và hydro sẽ được yêu cầu tuân thủ các nghĩa vụ báo cáo về tiêu chuẩn khí thải theo “Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon.”

Từ năm 2026, nếu lượng khí thải vượt quá tiêu chuẩn đặt ra, nhà sản xuất sẽ phải chịu đánh “thuế carbon” - theo mức giá carbon hiện nay tại EU nếu muốn xuất khẩu vào thị trường này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục