Bất chấp việc Tây Ban Nha đang chìm sâu vào suy thoái kinh tế, nhà thời trang Mango ở vùng Catalunya vẫn thông báo việc doanh số bán hàng của họ bùng nổ trên toàn cầu, ngay cả ở quê nhà. Thuộc sở hữu của tỷ phú ngại tiếp xúc với truyền thông Isak Andic, Mango là đại diện tiêu biểu cho hoạt động làm ăn hướng nhiều tới xuất khẩu đã là niềm kiêu hãnh của nhiều người Catalan. Các bộ quần áo với giá phải chăng của Mango đã xuất hiện khắp thế giới, từ Việt Nam, Pakistan cho tới cả Myanmar. Nhưng có lẽ thành công lớn nhất của hãng nằm tại chính Tây Ban Nha, nơi cuộc suy thoái sẽ kéo dài tới tận năm 2013, các ngân hàng đang tràn ngập nợ xấu cần giải cứu và 1/4 lao động đang thất nghiệp. “Tình hình chẳng ảnh hưởng chúng tôi chút nào. Ở Tây Ban Nha, năm nay chúng tôi còn bán hàng nhiều hơn 20% so với năm ngoái,” Tổng giám đốc Enric Casi nói tại trụ sở của công ty đặt gần Barcelona. Nói vậy nhưng Mango cũng phải phản ứng lại với khủng hoảng, bằng cách cắt giảm 1/5 giá bán hàng, qua đó chấp nhận gánh nặng tăng thuế, chỉ để khách hàng không bỏ đi. Casi cho biết do giá bán hàng đã giảm, công ty sẽ không triển khai các chiến dịch giảm giá cụ thể và tỷ lệ lợi nhuận vẫn sẽ được duy trì trong năm 2012, bằng mức năm ngoái. “Năm ngoái chúng tôi đã bán lượng quần áo trị giá 1,4 tỷ euro và năm nay con số thu về sẽ khoảng 1,7 tỷ euro.”
Mango vẫn bùng nổ về doanh số. (Nguồn: AFP)
Tại trụ sở của Mango, khoảng 600 nhà thiết kế tới từ nhiều nước, phần lớn dưới 30 tuổi, đang thiết kế các mẫu quần áo cho hãng và sau đó chúng sẽ được chỉnh sửa lại theo sở thích của của Kate Moss hay ngôi sao bóng đá Barcelona Gerard Pique. Gần trụ sở, hai trung tâm kho vận làm việc liên tục để gửi đi 5.000 mẫu quần áo một năm tới may tại các nhà thầu phụ đặt tại Trung Quốc, Việt Nam, Morocco, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ. Các trung tâm này cũng chịu trách nhiệm phân phối quần áo thành phẩm thu từ các nhà thầu phụ tới cho các cửa hàng đặt trên toàn cầu. Giống đối thủ kinh doanh Inditex, chủ chuỗi cửa hiệu thời trang Zara đang nằm ở Galicia, Mango thiết kế quần áo tại quê nhà, nhưng lại thuê các công ty ngoài sản xuất quần áo, trong khi Inditex có các nhà máy sản xuất riêng. Hai người đàn ông giàu nhất Tây Ban Nha hiện nay là lãnh đạo Inditex Amancio Ortega và Andic của Mango. Cả hai đã từ chối phỏng vấn báo chí. “Chúng tôi có quá nhiều sự khác biệt,” Casi nói về hai công ty. “Cả hai là những mô hình của sự thành công, nhưng theo các con đường khác nhau." Hồi năm 2010, Mango đã đặt mục tiêu tăng gấp đôi doanh số trong 4 năm và Casi nói rằng công ty đang trên đường đạt mục tiêu, trong khi vẫn nhắm tới việc triển khai các mặt hàng dành cho trẻ em, thiếu niên, đồ bơi, đồ lót và đồ thể thao. Tây Ban Nha vẫn là thị trường lớn nhất của công ty, chiếm 18% doanh số. Tuy nhiên các thị trường khác, như Trung Quốc, có thể sẽ sớm lấy vị trí này. Năm 2013, Mango đã có kế hoạch mở các cửa hàng mới ở Guiana thuộc Pháp và đảo Saint Martin ở vùng Carribean. Dù các công ty như Mango thành công, Catalonia vẫn là khu vực nợ nần nhiều nhất Tây Ban Nha. Catalonia nói rằng Madrid đánh thuế quá nặng vào khu vực này, lớn hơn doanh thu của nó. Gần đây vùng này đã buộc phải vay 5,4 tỉ Euro từ các quỹ cứu trợ ở Tây Ban Nha để xử lý nợ. Đổi lại, Catalunya, giống như 17 khu vực khác của Tây Ban Nha, đã phải áp dụng tăng cường các chính sách thắt lưng buộc bụng khắc khổ để chống suy thoái./.
Linh Vũ (Vietnam+)