Thông cáo báo chí số 25, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV

Ngày 24/6, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân (sửa đổi) và Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022 bằng hình thức biểu quyết điện tử.

Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Thứ Hai, ngày 24/6/2024, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ hai mươi ba của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.

Buổi sáng, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, tiến hành các nội dung sau:

Nội dung 1: Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).

Sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân (sửa đổi) bằng hình thức biểu quyết điện tử, kết quả như sau: có 464 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 95,28 % tổng số đại biểu Quốc hội); có 459 đại biểu tán thành (bằng 94,25 % tổng số đại biểu Quốc hội); có 4 đại biểu không tán thành (bằng 0,82 % tổng số đại biểu Quốc hội); có 1 đại biểu không biểu quyết (bằng 0,21 % tổng số đại biểu).

Nội dung 2: Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi). Tại phiên thảo luận đã có 24 ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu, trong đó, đa số ý kiến đồng thuận cao về sự cần thiết sửa đổi Luật Phòng, chống mua bán người để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, khắc phục những vấn đề bất cập trong quá trình thực hiện pháp luật hiện hành về phòng, chống mua bán người.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đã phân tích, đánh giá sâu sắc thực tiễn tình hình, những tồn tại, vướng mắc và đề xuất phương án chỉnh lý, hoàn thiện nhiều nội dung, nhiều điều khoản của dự thảo luật, cụ thể như: phạm vi và đối tượng điều chỉnh; các hành vi mua bán người; các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động mua bán người; chính sách của Nhà nước về phòng, chống mua bán người; quy định miễn trách nhiệm hình sự và xử lý hành chính đối với nạn nhân bị ép buộc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật; đối tượng và chế độ hỗ trợ; trợ cấp khó khăn ban đầu, hỗ trợ vay vốn cho nạn nhân; nguyên tắc bình đẳng giới; tố giác, báo tin, kiến nghị, tố cáo hành vi vi phạm; các biện pháp bảo vệ và thẩm quyền áp dụng; thông tin tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống mua bán người; quản lý về an ninh, trật tự...

Các đại biểu đề nghị cân nhắc, bổ sung một số quy định như: quy định liên quan đến hành vi mua bán thai nhi trong bụng mẹ; quy định về hành vi nghiêm cấm cố tình báo tin, tố giác, tố cáo hay khai báo sai sự thật về phòng, chống mua bán người; làm rõ hơn quy định miễn trách nhiệm hình sự và xử lý hành chính đối với nạn nhân bị ép buộc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật; bổ sung những quy định cụ thể về việc thành lập, quản lý, vận hành những cơ sở tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân trên cơ sở đáp ứng nhu cầu giới, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của họ; quy định giao trách nhiệm cho cơ quan nơi nạn nhân về cư trú trong việc theo dõi, hỗ trợ nạn nhân tái hòa nhập, hỗ trợ hiệu quả nhất cho nạn nhân đặc biệt là phụ nữ, trẻ em, người chưa thành niên; trách nhiệm của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trong việc phòng, chống mua bán người; cân nhắc bổ sung chủ thể chịu trách nhiệm hình sự là pháp nhân thương mại đối với tội buôn bán người; nghiên cứu phân bổ ngân sách cho địa phương khó khăn thực hiện công tác phòng, chống mua bán người; ưu tiên bố trí ngân sách cho những vùng có tình hình mua bán người xảy ra nghiêm trọng, phức tạp; bổ sung khái niệm mua, bán người để đảm bảo bao quát hơn...

Kết thúc thảo luận, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

ttxvn_luong tam quang.jpg
Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Buổi chiều, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, tiến hành các nội dung sau:

Nội dung 1: Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022.

Sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022 bằng hình thức biểu quyết điện tử, kết quả như sau: có 460 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 94,46 % tổng số đại biểu Quốc hội); có 459 đại biểu tán thành (bằng 94,25 % tổng số đại biểu Quốc hội); có 1 đại biểu không tán thành (bằng 0,21 % tổng số đại biểu Quốc hội).

Nội dung 2: Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi). Tại phiên thảo luận đã có 19 ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu, có 1 ý kiến đại biểu tranh luận. Qua thảo luận, các vị đại biểu nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng để khắc phục những bất cập, hạn chế của Luật hiện hành, thể chế hóa chủ trương của Đảng về việc sửa đổi, bổ sung các luật về thuế, phí theo nguyên tắc thị trường, phù hợp với thông lệ quốc tế, gắn với cơ cấu lại nguồn thu, mở rộng cơ sở thuế, nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế và áp dụng mức thuế suất hợp lý.

Bên cạnh đó, các đại biểu tập trung thảo luận về các nội dung cụ thể như: người nộp thuế; đối tượng không chịu thuế; giá tính thuế; mức thuế suất; mức thuế suất áp dụng đối với phân bón; khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào; kê khai khấu trừ bổ sung; hoàn thuế giá trị gia tăng; điều kiện khấu trừ áp thuế suất 0%; thời điểm xác định thuế giá trị gia tăng…

Các đại biểu đề nghị Cơ quan soạn thảo làm rõ hơn cơ sở pháp lý, đánh giá tác động đối với việc xác định các trường hợp không phải nộp thuế giá trị gia tăng đầu ra đã được quy định tại Nghị định số 209/2013/NĐ-CP mà không được tiếp tục cho phép khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào và đầu ra không phải tính thuế giá trị gia tăng như dự thảo Luật xác định; đánh giá kỹ về tác động của việc chuyển mặt hàng phân bón từ không chịu thuế sang đối tượng phải chịu thuế suất 5%; xác định rõ tư cách pháp lý của người nộp thuế là cá nhân và pháp nhân để đảm bảo về tư cách, về chủ thể pháp lý; cần thiết kế chính sách thuế theo lộ trình; xác định kỹ các trường hợp đặc thù khấu trừ áp thuế suất 0% để quy định vào Luật, không nên giao Chính phủ quy định các vấn đề đã rõ; cân nhắc việc tăng thu ngân sách bằng điều chỉnh thuế giá trị gia tăng…

Kết thúc thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Thứ Ba, ngày 25/6/2024, sáng: Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn văn kiện gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) của Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland; thảo luận ở hội trường về dự án Luật Công chứng (sửa đổi); sau đó, Quốc hội họp riêng để xem xét, quyết định nội dung thuộc thẩm quyền. Chiều: Quốc hội tiếp tục họp riêng để xem xét, quyết định nội dung thuộc thẩm quyền./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục