Thống đốc NHNN trả lời kiến nghị của cử tri Quảng Ninh về gói hỗ trợ lãi suất

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết trên thực tế một số khách hàng đã được nhận hỗ trợ lãi suất, song hiện đã chủ động hoàn trả ngân hàng thương mại toàn bộ số tiền lãi đã được hỗ trợ.

Gói hỗ trợ lãi suất 2% bị chậm, chưa đạt yêu cầu. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Gói hỗ trợ lãi suất 2% bị chậm, chưa đạt yêu cầu. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Quảng Ninh gửi tới sau Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV về gói tín dụng ưu đãi lãi suất 2% với nguồn kinh phí từ ngân sách 40.000 tỷ đồng bị chậm, chưa đạt yêu cầu. Cử tri cũng mong muốn hạ chuẩn cho vay đồng thời gắn trách nhiệm với các ngân hàng địa phương vì một số ngân hàng có tâm lý sợ sai nên việc triển khai còn nhiều vướng mắc, không đạt yêu cầu về tiến độ.

Trả lời vấn đề này, Thống đốc cho biết trong thời gian qua Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, trả lời các vấn đề phát sinh, chỉ đạo các ngân hàng thương mại đẩy mạnh triển khai thực hiện. Trong quá trình triển khai có sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời giữa Ngân hàng Nhà nước, các bộ, ngành liên quan và các ngân hàng thương mại để nâng cao hiệu quả thực thi chính sách.

Tuy nhiên, tính đến giữa tháng Chín, doanh số hỗ trợ lãi suất mới đạt hơn 169.000 tỷ đồng, dư nợ hỗ trợ lãi suất đạt gần 57.000 tỷ đồng, số tiền hỗ trợ lãi suất lũy kế từ đầu chương trình đạt khoảng 781 tỷ đồng cho hơn 2.100 khách hàng.

“Thực tế triển khai cho thấy, chưa có một chương trình nào được triển khai khẩn trương, quyết liệt như chính sách hỗ trợ lãi suất theo Nghị quyết 43/2022/QH15 và Nghị định 31/2022/NĐ-CP. Tuy nhiên, kết quả hỗ trợ lãi suất còn thấp, chưa như kỳ vọng,” Thống đốc bày tỏ.

Thống đốc chỉ ra một số nguyên nhân như: Khách hàng đủ điều kiện nhưng từ chối nhận hỗ trợ lãi suất, chủ yếu là do tâm lý e ngại thanh tra, kiểm tra của khách hàng (nhất là các doanh nghiệp), cân nhắc giữa lợi ích từ hỗ trợ lãi suất 2% và chỉ phí bỏ ra khi nhận hỗ trợ lãi suất (theo dõi hồ sơ, chứng từ, tuân thủ các thủ tục hậu kiểm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền).

Ngoài ra, khách hàng cũng lo ngại trong trường hợp sau này nếu bị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định phải thu hồi số tiền hỗ trợ lãi suất thì rất khó xử lý vì lúc đó doanh nghiệp khách hàng đã hạch toán lợi nhuận chia cổ tức cho cổ đông. Trên thực tế, một số khách hàng đã được nhận hỗ trợ lãi suất, song hiện đã chủ động hoàn trả ngân hàng thương mại toàn bộ số tiền lãi đã được hỗ trợ.

Cũng theo Ngân hàng Nhà nước, nhiều hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vay vốn tại các ngân hàng thương mại, tuy nhiên không có đăng ký hộ kinh doanh theo quy định nên không thuộc đối tượng được hỗ trợ (như Agribank có khoảng 50% dư nợ khách hàng là hộ sản xuất, kinh doanh không có đăng ký kinh doanh).

Thống đốc cho hay tâm lý e ngại của các ngân hàng thương mại khi triển khai thực hiện chính sách này do thực tế hiện vẫn còn một số chương trình hỗ trợ lãi suất chưa được quyết toán số tiền mà các ngân hàng thương mại đã hỗ trợ lãi suất cho khách hàng. Bên cạnh đó, ngân hàng thương mại cũng lo ngại trong trường hợp nếu phải thu hồi số tiền hỗ trợ lãi suất đã hỗ trợ khách hàng nhưng khách hàng đã tất toán khoản vay, không còn quan hệ với ngân hàng thương mại thì khó thu hồi số tiền này.

Một số nguyên nhân khác như khách hàng xuất khẩu lựa chọn vay USD để tận dụng lợi thế về lãi suất và nguồn thu bằng ngoại tệ sẽ không thuộc đối tượng được hỗ trợ lãi suất; khó khăn trong bóc tách chi phí vay vốn đa ngành nghề; khách hàng có dư nợ hiện hữu thuộc ngành được hỗ trợ lãi suất nhưng lại đang quá hạn nên tạm thời chưa được xem xét hỗ trợ lãi suất theo quy định...

web-4466.jpg
Trong thời gian tới ngành Ngân hàng sẽ tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan tạo thuận lợi và đẩy nhanh quá trình thanh toán, quyết toán hỗ trợ lãi suất. (Ảnh: Vietnam+)

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết đối với các khó khăn, vướng mắc nêu trên, Ngân hàng Nhà nước đã kịp thời tổng hợp, đánh giá và có nhiều Tờ trình Báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ (từ tháng 11/2022) và đề xuất giải pháp trong thời gian còn lại triển khai chính sách.

Người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước cho biết trong thời gian tới, ngành Ngân hàng sẽ tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan tạo thuận lợi và đẩy nhanh quá trình thanh toán, quyết toán hỗ trợ lãi suất; tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại dành nguồn lực của chính các ngân hàng để hỗ trợ giảm lãi suất cho khách hàng và tích cực triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp, nền kinh tế theo đúng chủ trương của Quốc hội, chỉ đạo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Đối với kiến nghị về đề nghị hạ chuẩn cho vay, Thống đốc cho biết hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng được thực hiện theo thỏa thuận giữa tổ chức tín dụng và khách hàng, phù hợp với quy định của pháp luật. Tổ chức tín dụng xem xét, quyết định cho vay khi khách hàng có đủ các điều kiện vay vốn. Tổ chức tín dụng có quyền từ chối yêu cầu cấp tín dụng, cung ứng các dịch vụ khác nếu thấy không đủ điều kiện, không có hiệu quả, không phù hợp với quy định của pháp luật.

“Như vậy, hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng được thực hiện trên cơ sở thỏa thuậ,; khách hàng vay vốn để sử dụng vào mục đích hợp pháp, có phương án sử dụng vốn khả thi, có khả năng tài chính để trả nợ. Tổ chức tín dụng sẽ quyết định xem xét cho vay phù hợp tình hình hoạt động và khẩu vị rủi ro của tổ chức tín dụng,” lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục