Thông qua 12 đề xuất của Việt Nam trong hợp tác kinh tế ASEAN

Các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN đã chính thức thông qua 12 đề xuất về sáng kiến, ưu tiên hợp tác kinh tế của Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN 2020.
Thông qua 12 đề xuất của Việt Nam trong hợp tác kinh tế ASEAN ảnh 1Trưởng đoàn các nước chụp ảnh chung tại hội nghị. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN đã chính thức thông qua 12 đề xuất về sáng kiến, ưu tiên hợp tác kinh tế của Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN 2020.

Đó là kết quả của Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN hẹp (AEM) lần thứ 26, do Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Trần Tuấn Anh chủ trì, được tổ chức ngày 10/3, tại thành phố Đà Nẵng.

Tất cả 12 sáng kiến được thông qua tập trung vào các lĩnh vực, như thương mại điện tử, thương mại hàng hóa, năng lượng, công nghệ thông tin, nông nghiệp, phát triển bền vững, tài chính, thống kê, đổi mới sáng tạo....

Các sáng kiến này được xây dựng theo 3 định hướng gồm thúc đẩy liên kết và kết nối khu vực nội khối ASEAN; đẩy mạnh quan hệ đối tác vì hòa bình và phát triển bền vững; nâng cao năng lực thích ứng và hiệu quả hoạt động của ASEAN.

[Việt Nam đề xuất 13 ưu tiên cho Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN hẹp]

Ngoài 12 sáng kiến này, còn 1 sáng kiến liên quan đến giảm cước chuyển vùng quốc tế cũng được các Bộ trưởng đồng ý nhưng giao các cơ quan chuyên môn làm rõ thêm về vấn đề kỹ thuật trước khi triển khai chính thức.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Trần Tuấn Anh, việc thông qua các sáng kiến ưu tiên này là một kết quả quan trọng giúp khẳng định vai trò của ASEAN hướng tới củng cố khối đoàn kết khu vực, tăng cường sức mạnh nội khối, nâng cao vai trò của cộng đồng Kinh tế ASEAN.

Đặc biệt, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, với diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, vai trò chủ động thích ứng của Cộng đồng Kinh tế ASEAN được Việt Nam thể hiện thông qua đề xuất đưa ra một Tuyên bố chung cấp Bộ trưởng nhằm duy trì chuỗi cung ứng và khả năng phục hồi kinh tế của ASEAN. Qua đó, tạo điều kiện hỗ trợ nguồn cung nguyên vật liệu cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong bối cảnh dịch bệnh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân và nền kinh tế khu vực.

Bên cạnh việc thông qua 12 đề xuất sáng kiến, Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN (AEM) cũng đã thống nhất các ưu tiên trong chương trình làm việc thường niên năm 2020 trong kênh kinh tế.

Thông qua 12 đề xuất của Việt Nam trong hợp tác kinh tế ASEAN ảnh 2Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Danh sách này gồm 62 nội dung khác nhau thuộc phụ trách của AEM, thuộc các lĩnh vực: hàng hóa; thương mại dịch vụ; môi trường đầu tư; thuận lợi hóa di chuyển của lao động tay nghề cao và khách kinh doanh; chính sách cạnh tranh; bảo vệ người tiêu dùng; thúc đẩy hợp tác về quyền sở hữu trí tuệ; thương mại điện tử; số liệu thống kê...

Ngoài ưu tiên về hợp tác nội khối ASEAN, các Bộ trưởng Kinh tế cũng thảo luận tìm giải pháp cho các vấn đề tồn tại trong hợp tác ngoại khối. Cụ thể, Hội nghị đã thảo luận định hướng liên quan tới thời điểm khởi động rà soát Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Ấn Độ (AITIGA); hợp tác với Hàn Quốc...

Các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN cũng đã thông qua 6 khuyến nghị của Hội nghị Nhóm Đặc trách cao cấp về Hội nhập Kinh tế ASEAN lần thứ 37 (HLTF-EI 37) được tổ chức từ ngày 12- 13/2 vừa qua tại Hà Nội.

Trong đó, đáng lưu ý là việc nhất trí chỉ đạo các Nhóm công tác chuyên ngành đóng góp tích cực vào quá trình rà soát giữa kỳ Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2025, hướng đến hoàn thành bản báo cáo sơ bộ cuối năm nay và bản cuối cùng vào đầu năm 2021; đồng thời thông qua mục tiêu ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) trong năm 2020 là ưu tiên hàng đầu trong quan hệ giữa ASEAN và các đối tác./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục