"Thu ngân sách nhà nước vẫn còn dựa nhiều vào đất đai, tài nguyên"

Thảo luận về các Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chủ tịch nước, Chính phủ, các đại biểu nêu lên nhiều vấn đề, lĩnh vực còn tồn tại, hạn chế và đề xuất các giải pháp xử lý trong thời gian tới.
"Thu ngân sách nhà nước vẫn còn dựa nhiều vào đất đai, tài nguyên" ảnh 1Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình Vũ Tiến Lộc. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Tiếp tục chương trình làm việc tại kỳ họp thứ 11, ngày 29/3, thảo luận về các Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chủ tịch nước và Chính phủ, bên cạnh đánh giá những kết quả đạt được, những dấu ấn nhiệm kỳ, các đại biểu cũng nêu lên nhiều vấn đề, lĩnh vực còn tồn tại, hạn chế và đề xuất các giải pháp xử lý trong thời gian tới.

Tiềm ẩn nỗi lo về lạm phát, nợ xấu

Đánh giá về những thành tựu nổi bật trong nhiệm kỳ này của Chủ tịch nước, Quốc hội và Chính phủ bắt đầu bằng hai chữ “nhân hòa,” đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) cho rằng chúng ta đã trải qua một nhiệm kỳ rất gian nan, nhất là từ đầu năm 2020 đến nay, khi mà trong 3 yếu tố của thành công là “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” thì “thiên” có nhiều khó khăn, “địa” có nhiều bất lợi, nhưng yếu tố “nhân hòa” lại tỏa sáng.

Sự phối hợp nhịp nhàng, ăn ý của các thiết chế lãnh đạo chủ chốt của đất nước: Ban Chấp hành Trung ương, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, sự đồng thuận trên dưới một lòng của cả hệ thống chính trị, của đồng bào ta, của cộng đồng doanh nghiệp đã trở thành cứu cánh và sức mạnh nội sinh để chúng ta có thể vượt qua thách thức đạt tới thành công. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng là “kiến trúc sư,” là “nhạc trưởng” của mối quan hệ nhân hòa đó.

Tuy nhiên, đại biểu cũng nêu lên điểm còn hạn chế đã được chỉ ra trong báo cáo của Chủ tịch nước là việc chỉ đạo một số nhiệm vụ cải cách tư pháp còn chậm. Điều này phù hợp với nhận định của Ngân hàng thế giới, Diễn đàn Kinh tế thế giới cũng như các báo cáo khảo sát PCI của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam rằng các thiết chế pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp ở nước ta luôn là một điểm nghẽn được xếp hạng chưa cao và chậm được cải thiện trong những năm qua.

Trong quản lý ODA, việc phân vai, phân nhiệm giữa Chủ tịch nước với Chính phủ còn hình thức và chưa thực chất.

Về những hạn chế trong công tác điều hành của Chính phủ, đại biểu Vũ Tiến Lộc cho rằng chất lượng thể chế và chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam, mặc dù đã được cải thiện, nhưng vẫn chưa cao, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh vẫn chưa lọt được vào nhóm các nước ASEAN-3, ASEAN-4 như mục tiêu kỳ vọng.

Kế hoạch có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả vào năm 2020 còn lỡ hẹn. Nhiều quy định pháp luật về kinh doanh còn chồng chéo. Cơ chế xin-cho dù đã giảm, nhưng thủ tục hành chính trong nhiều lĩnh vực còn phiền hà, tiếp tục gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.

[Đại biểu Quốc hội: Ấn tượng sâu sắc về một nhiệm kỳ thành công]

Thời gian qua, tốc độ tăng trưởng cung tiền và tín dụng vẫn luôn cao hơn tốc độ tăng GDP danh nghĩa. Điều này tiềm ẩn nỗi lo về khả năng lạm phát cũng như nợ xấu trong tương lai. Thu ngân sách Nhà nước vẫn còn dựa nhiều vào thu từ đất đai, từ tài nguyên, nên thiếu tính bền vững. Tỷ lệ chi thường xuyên còn lớn vì bộ máy còn cồng kềnh, đầu tư công còn kém hiệu quả do dàn trải, cơ chế huy động sức dân vào đầu tư phát triển còn nhiều vướng mắc...

“Những hạn chế này nếu không được khắc phục kịp thời thì hiện tượng quá tải về cơ sở hạ tầng chắc chắn sẽ là một trong những điểm nghẽn lớn nhất cản trở yêu cầu tăng trưởng nhanh và bền vững của đất nước trong những năm tới đây,” đại biểu nhận định.

Huy động tối đa nguồn lực từ các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước

Theo đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội), nhìn lại cả chặng đường đã qua, mong muốn huy động tối đa nguồn lực từ các thành phần kinh tế ngoài nhà nước chưa đạt được điều như mong muốn. Trong cả nhiệm kỳ, có rất nhiều dự án phải chuyển từ hình thức đầu tư theo hình thức đối tác công tư sang 100% vốn Nhà nước, đó là hàng loạt các dự án thuộc tuyến đường cao tốc Bắc-Nam, các dự án thuộc tuyến đường ven biển và nhiều dự án BOT (xây dựng-vận hành-chuyển giao) ở một số địa phương.

Hiện nay, tỷ lệ đầu tư từ khối tư nhân trong tổng vốn đầu tư tại thời điểm cao nhất cũng chỉ đạt được 45,6%, thấp hơn nhiều nước trên thế giới. Tình trạng này có những nguyên nhân khách quan, nhưng cũng có những nguyên nhân chủ quan.

“Vẫn biết rằng việc huy động nguồn lực ngoài ngân sách khó hơn rất nhiều so với việc dùng ngân sách để đầu tư cho các công trình, dự án. Huy động sức mạnh của toàn dân chưa bao giờ là điều đơn giản. Nhưng một Chính phủ kiến tạo phải là một Chính phủ phát huy được sức mạnh tổng hợp, huy động mọi nguồn lực, khơi dậy khát vọng phát triển trong mỗi người dân và chúng tôi tin rằng Chính phủ sẽ làm được điều này,” đại biểu Vũ Thị Lưu Mai bày tỏ.

Theo đại biểu, chỉ có như vậy chúng ta mới đủ sức để đi đường dài, chỉ có như vậy mới phù hợp với xu thế phát triển tất yếu của thế giới.

Đồng tình với đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, đại biểu Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội) đánh giá, việc xã hội hóa đầu tư là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước.

Theo đó, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) đã được Quốc hội thông qua. Dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông ban đầu đầu tư theo phương thức PPP. Tuy nhiên, thực tế 8 dự án thành phần của dự án này đã chuyển đổi từ phương thức PPP sang đầu tư công.

"Thu ngân sách nhà nước vẫn còn dựa nhiều vào đất đai, tài nguyên" ảnh 2Một đoạn tuyến cao tốc Bắc-Nam đã được hoàn thành và đưa vào khai thác. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

“Giai đoạn tới, nếu các dự án đầu tư quan trọng không triển khai thực hiện theo phương thức PPP, nguồn lực đầu tư không đáp ứng được yêu cầu phát triển. Đề nghị Chính phủ cần có những giải pháp hiệu quả để thu hút được các dự án theo phương thức đầu tư PPP theo quy định của Luật đã ban hành,” đại biểu Nguyễn Quốc Bình nói.

Nêu thực trạng Việt Nam có chi phí logistics khá cao, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của nền kinh tế, đại biểu Nguyễn Quốc Bình cho rằng, một trong những giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành dịch vụ logistics là cần hoàn thiện xây dựng đường sắt tốc độ cao trục Bắc-Nam trong giai đoạn tới, vì đường sắt tốc độ cao có ưu điểm lớn trong việc giảm chi phí logistics, tuy nhiên lại chưa được đầu tư. Đại biểu đề nghị Chính phủ có giải pháp giảm chi phí logistics, bằng việc đầu tư hạ tầng đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam trong nhiệm kỳ tới.

Tuyệt đối tránh tư duy nhiệm kỳ

Đề cập đến vấn đề phân cấp trong đầu tư công, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cho biết trong giai đoạn vừa qua, Quốc hội đã ban hành nhiều đạo luật nhằm phát huy tính chủ động của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, có những quy định vừa đi vào thực hiện đã phát sinh bất cập.

Đại biểu ví dụ, Luật Đầu tư công vừa sửa đổi năm 2019 đã giao thẩm quyền cho chính quyền địa phương trong quyết định những dự án chi tiết để đưa vào danh mục, nhưng ngay khi áp dụng, bên cạnh những địa phương thực hiện nghiêm túc, đúng đắn, còn không ít địa phương đưa vào danh mục nhiều dự án chưa đúng tiêu chí, hàng loạt dự án mới được bổ sung, trong khi đó, nguồn lực ngân sách là có hạn, phải đối mặt với thiên tai, dịch bệnh.

“Hiện nay, tổng số vốn đề xuất là 3,8 triệu tỷ đồng, trong khi đó, nguồn lực dự kiến đầu tư từ phía Nhà nước chỉ có 2,75 triệu tỷ đồng, vượt 1,05 triệu tỷ đồng và chúng ta cũng chưa biết sẽ lấy từ đâu… Điều này đã tạo gánh nặng rất lớn cho ngân sách Nhà nước và ảnh hưởng đến việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị khác,” đại biểu Vũ Thị Lưu Mai dẫn chứng.

Đại biểu đề nghị, tới đây, Chính phủ cần rà soát, quán triệt đầy đủ tinh thần của Luật Đầu tư công, theo đó, tránh vi phạm điều cấm, đó là vượt quá sức chịu đựng của ngân sách Nhà nước; đồng thời, phải tuyệt đối tránh tư duy nhiệm kỳ, tránh cách phân bổ ngân sách theo nhiệm kỳ.

Trong trường hợp cần thiết, có thể sửa đổi Luật Đầu tư công, theo đó, tiếp tục giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư lập phương án phân bổ chi tiết. Quốc hội khóa tới chỉ thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn trong trường hợp tuân thủ đúng nguyên tắc, tiêu chí, vì xét trên thực tế, đây là tiền thuế của người dân và người dân có quyền được biết phân bổ như thế nào, hiệu quả hay không.

Tư duy mới về vấn đề kinh tế biển

Ở một khía cạnh khác, đại biểu Nguyễn Việt Thắng (Bến Tre) quan tâm đến phát triển kinh tế biển. Theo đại biểu, trong kinh tế biển có nhiều ngành như dầu khí, hàng hải, du lịch biển, khai thác hải sản. Trung ương đã ban hành nghị quyết về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển, tuy nhiên, mấy năm qua, vấn đề này chưa được báo cáo, chỉ nói mạnh về du lịch, bởi nghị quyết nêu rõ du lịch là mũi nhọn trong kinh tế biển.

Song, đại biểu cho rằng thời gian vừa qua, ngành du lịch chưa đảm nhận được vai trò mũi nhọn, đặc biệt là trong năm 2020, ngành này chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19. Sắp tới, cần xem xét lại và có tư duy mới về vấn đề kinh tế biển, xác định lại xem du lịch có phải là mũi nhọn, hay ngành nào khác mà chúng ta chủ động làm được, trở thành động lực cho quốc gia, một ngành kinh tế mũi nhọn trong nền kinh tế biển, không phụ thuộc vào bất cứ một vấn đề gì.

Đại biểu Nguyễn Việt Thắng chỉ ra rằng nghề khai thác hải sản trên biển đóng góp không nhỏ cho nền kinh tế quốc dân. Mỗi năm, xuất khẩu thủy sản có thể đạt trên 8,5 tỷ USD, và phần USD xuất khẩu đem về chỉ là phần nổi của tảng băng mà ngành thủy sản đem lại cho quốc gia. Kinh tế thủy sản không chỉ bảo đảm công ăn việc làm cho người dân mà còn gánh vác vai trò quan trọng là bảo vệ chủ quyền biển, đảo nước ta.

Từ những phân tích trên, đại biểu đề nghị Chính phủ nghiên cứu kỹ vai trò trọng tâm trong nền kinh tế biển ở đâu. Trong kinh tế biển cũng chỉ mới nói đến năng lượng biển, chưa đề cập đến sóng biển, thủy triều, gió, nắng, nhiệt biển, hải lưu… Đây là những vấn đề cần lưu ý đến trong kinh tế biển.

Đối với thủy sản, Chính phủ đã phê duyệt chiến lược phát triển ngành thủy sản tầm nhìn đến năm 2030. Đại biểu mong Chính phủ nỗ lực mở ra ngư trường cho ngư dân, không phải chỉ là 1 triệu km2, mà có thể phối hợp với các nước lân cận để mở ra ngư trường, để ngư dân phát huy hết tài năng của mình.

“Một triệu km2 này không thể bảo đảm cho hàng triệu ngư dân được, đây là vấn đề cần quan tâm,” đại biểu Nguyễn Việt Thắng nói.

Tiếp nối mạch này, ông cho rằng Việt Nam có trên 3.260km bờ biển, hàng chục tỉnh có biển, những tỉnh có biển cần phải được đầu tư hạ tầng giao thông, điện, nước, hiện nhiều tỉnh ven biển thiếu nước ngọt. “Đây là tiềm năng rất lớn của chúng ta, nên trong kinh tế biển cũng như trong hướng tới, cố gắng đầu tư phát huy tiềm năng của kinh tế biển chúng ta mới có được 63% GDP từ biển,” đại biểu nhận định./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục