Thu thuế kinh doanh online: Đừng mong ngày một ngày hai

Bài 4: Thu thuế kinh doanh online: Đừng mong ngày một ngày hai

Dù khó tới mấy thì Việt Nam cũng phải phải xắn tay vào thu thuế kinh doanh online bởi, như một vị chuyên gia đã nói, nếu không có bắt đầu thì sẽ mãi mãi không có khả năng thu thuế.
Bài 4: Thu thuế kinh doanh online: Đừng mong ngày một ngày hai ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Doãn Đức/Vietnam+)

Chồng chất những cái vướng với thu thuế kinh doanh trên Facebook là điều đã được những người trong cuộc và cả những chuyên gia thừa nhận. Thế nhưng, như lời một vị chuyên gia nhiều năm của ngành tài chính, dù khó tới mấy thì Việt Nam cũng phải buộc phải làm, bởi nếu không có bắt đầu thì sẽ mãi mãi không có khả năng thu thuế.

Vấn đề là, cách bắt đầu của cơ quan chức năng như thế nào? Và, nếu chỉ một mình ngành thuế thì liệu có quá sức không?

[“Túm tóc” chủ shop online: Phải giải bài toán bảo mật thông tin]

Quy chuẩn lại các sàn giao dịch

Trả lời cho câu hỏi này, ông Nguyễn Hữu Tuấn, Trưởng phòng Quản lý hoạt động Thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương) thừa nhận, quản lý thuế với hoạt động kinh doanh trên mạng xã hội không thể dễ dàng triển khai “ngày một ngày hai.”

[Hà Nội: Xác định hơn 13.000 tài khoản bán hàng trên Facebook]

Ông nhận định, đây là việc nên chia làm nhiều giai đoạn mà bước đầu có thể chỉ dừng ở mức quản lý việc kê khai, tức là nắm rõ được đối tượng kinh doanh cái gì và những tài khoản nào kinh doanh chuyên nghiệp, tài khoản nào có khả năng thu lớn. Sau đó, phía cơ quan chức năng mới tiến tới quản lý những đối tượng này kinh doanh mặt hàng gì và như thế nào.

Vị này cũng cho rằng, giai đoạn tiếp theo có thể là kiểm tra, rà soát, xử lý vi phạm.

“Tôi lấy ví dụ chúng ta sẽ lọc ra những đối tượng nào kinh doanh chuyên nghiệp nhưng chưa đăng ký kinh doanh hoặc chưa kê khai nộp thuế, từ đó tiếp xúc, vận động họ hoàn thành nghĩa vụ thuế hoặc xử lý vi phạm để răn đe, tuyên truyền giáo dục.

Đặc biệt, theo ông, giai đoạn tiếp nữa là cơ quan chức năng cùng phối hợp vào cuộc và có kiến nghị về mặt chính sách để tạo hiệu quả hơn trong quản lý những đối tượng kinh doanh trên mạng xã hội.

Ông Tuấn lấy ví dụ việc Bộ Công Thương đã triển khai với các website có giao dịch thương mại điện tử phải gắn logo để xác định đã đăng ký với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Với những trang bán hàng trên Facebook, việc này cũng có thể tiến hành tương tự.

Cũng liên quan tới Bộ Công Thương, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nêu giải pháp, cần quy chuẩn hóa lại các sàn giao dịch điện tử để tạo thuận lợi cho người bán hàng online nhiều hơn.

Theo ông, người bán hàng nếu muốn vào các sàn giao dịch điện tử thì trước hết phải đăng ký và cơ quan chức năng có thể thu được thuế qua các pháp nhân này.

Ông Phong cũng nói thêm, trước mắt những trường hợp kinh doanh nhỏ lẻ, cá biết thì không nên quan tâm vì đây là những đối tượng phát sinh doanh thu không nhiều. Nếu cố gắng thu từ những người kinh doanh này, vị chuyên gia này còn cho rằng có thể tạo ức chế cho những người có thu nhập thấp.

Facebook cũng phải có trách nhiệm

Đứng ở góc nhìn khác, phó giáo sư, tiến sỹ Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, ở tất cả quốc gia, trách nhiệm đầu tiên phải thuộc về chủ thể kinh doanh. Người kinh doanh phải tự kê khai nộp thuế và cơ quan chức năng chỉ kiểm tra giám sát đôn đốc thực hiện.

Tuy nhiên, ông cho rằng, mạng xã hội mà cụ thể là Facebook phải có trách nhiệm với các chủ thể kinh doanh. Theo ông, những gì thuộc về bí mật kinh doanh của những cửa hàng online thì không thể công bố nhưng mạng xã hội có trách nhiệm cung cấp thông tin giúp Chính phủ thu thuế một cách tốt nhất. Vị chuyên gia của Học viện Tài chính nhấn mạnh lại, các trang mạng xã hội phải cùng cơ quan chức năng Việt Nam để xác định chủ thể kinh doanh.

Việc này theo ông Thịnh, có thể vấp phải điều vướng là một chủ thể kinh doanh có nhiều cửa hàng với các tên gọi khác nhau trên mạng xã hội. Tuy nhiên, ông cho rằng, nếu có sự kết hợp với những đơn vị quản lý các trang mạng xã hội, việc thu thuế là hoàn toàn có khả năng.

“Có như vậy thì chính các mạng xã hội mới được tồn tại ở Việt Nam,” ông nói.

Riêng về vấn đề này, một lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định, việc phối hợp với Facebook đã được cơ quan này thực hiện trước đó để ngăn chặn, gỡ bỏ các tài khoản vi phạm pháp luật.

Do vậy, vị đại diện này cho hay, trường hợp cơ quan thuế phát hiện các tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng nộp thuế mà không chấp hành việc kê khai, nộp thuế thì cơ quan thuế có quyền yêu cầu các tổ chức có liên quan trong đó có cơ quan quản lý Nhà nước khác để cùng ngăn chặn các giao dịch của tổ chức, cá nhân trên.

Phóng viên VietnamPlus cũng đã gửi một số câu hỏi tới đại diện truyền thông của Facebook ở Việt Nam từ ngày 26/6, song tới nay chưa nhận được câu trả lời từ mạng xã hội lớn nhất thế giới này.

Ở một góc khác, có thể thấy trong thời gian qua chúng ta đang chú trọng phát triển mạnh mẽ thương mại điện tử. Tuy nhiên, có một thực tế là nhiều người kinh doanh online thường xem các sàn giao dịch như một "sự lựa chọn thứ hai" sau các mạng xã hội như Facebook bởi tính quảng bá, tương tác rộng rãi của mạng xã hội lớn nhất thế giới này.

Cùng lúc, nhà chức trách chưa có các chính sách hợp lý để quản chặt các hoạt động trên mạng xã hội trong khi ý thức nộp thuế của người kinh doanh còn hạn chế nên đã dẫn đến tình trạng "chạy theo" để quản.

Do đó, hơn lúc nào hết, cần phải có một lộ trình hợp lý, kết hợp giữa tuyên truyền vận động và áp dụng các thiết chế phù hợp để thương mại điện tử đi đúng hướng trong khi nhà nước không bị thất thu. /.

Phó giáo sư, tiến sỹ Đinh Trọng Thịnh nói về thu thuế kinh doanh trên mạng xã hội.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục