Thủ tướng Anh tin tưởng có thể “đảo ngược tình thế” trong 3 tháng tới

Ông Johnson tin tưởng nước Anh có thể lật ngược tình thế trong cuộc chiến chống dịch bệnh nếu kết hợp các biện pháp đồng bộ như tăng cường xét nghiệm và áp dụng các tiến bộ khoa học.
Thủ tướng Anh tin tưởng có thể “đảo ngược tình thế” trong 3 tháng tới ảnh 1Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại London, Anh, ngày 9/3/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Thủ tướng Anh Boris Johnson khẳng định nước Anh có thể “đảo ngược tình thế” trong cuộc khủng hoảng vì dịch bệnh COVID-19 trong vòng 3 tháng tới.

Mặc dù vậy, Thủ tướng Johnson cũng thừa nhận không biết dịch bệnh sẽ kéo dài trong bao lâu nữa.

Trong nỗ lực trấn an dư luận, ông Johnson cho biết Anh có thể sẽ thử nghiệm vắcxin chống virus SARS-CoV-2 trong vòng một tháng tới, nhưng đồng thời chính phủ của ông cũng sẵn sàng dùng “biện pháp” để người dân thủ đô London phải chấp hành các khuyến cáo về giãn cách xã hội để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.

Theo phóng viên TTXVN tại Anh, trong phát biểu tối 19/3 (theo giờ địa phương) tại Văn phòng Thủ tướng số 10 Phố Downing, ông Johnson tin tưởng nước Anh có thể lật ngược tình thế trong cuộc chiến chống dịch bệnh nếu kết hợp các biện pháp đồng bộ như tăng cường xét nghiệm và áp dụng các tiến bộ khoa học.

Ông loại trừ khả năng sẽ đóng cửa hoàn toàn hệ thống giao thông công cộng tại thủ đô London nhưng cũng thừa nhận thực tế người dân tại một số khu vực của thành phố vẫn không tuân thủ những khuyến cáo của Chính phủ về “giãn cách xã hội.”

Người đứng đầu chính phủ Anh cũng kêu gọi các doanh nghiệp bảo vệ và chăm lo cho người lao động của mình, đồng thời cho biết trong ngày 20/3, Bộ trưởng Tài chính Anh sẽ công bố tiếp các biện pháp khẩn cấp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động bị tác động bởi dịch bệnh.

Tính đến tối 19/3, tại Anh đã có 3.269 trường hợp dương tính với virus và 144 người tử vong vì COVID-19.

Phát biểu bên cạnh Thủ tướng Johnson, giáo sư Chris Whitty, cố vấn y tế trưởng của chính phủ Anh, cảnh báo về việc sẽ có độ “trễ” nhất định trước khi các nỗ lực tổng thể hiện tại bắt đầu phát huy hiệu quả trong việc ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh.

Ông cũng thừa nhận lo lắng của đội ngũ nhân viên Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) về sự thiếu hụt các trang thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE) trong bối cảnh đây là tình trạng đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu.

Chính phủ Anh được cho là đang đàm phán về việc mua “hàng trăm nghìn” bộ kit xét nghiệm virus trong thời gian sớm nhất có thể.

[Chuyên gia: Anh không kịp thời hành động dù được cảnh báo trước]

Theo phóng viên TTXVN tại London, chính phủ Anh đang dành riêng một khoản ngân sách trị giá 3 tỷ bảng cho các dịch vụ cộng đồng, với mục tiêu giải phóng thêm ít nhất 15.000 giường trống trong các bệnh viện cùng nguồn nhân lực tập trung đối phó với dịch bệnh COVID-19.

Khoản tiền này được trích từ quỹ đối phó với COVID-19 trị giá 5 tỷ bảng được công bố trong kế hoạch ngân sách tuần trước của Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak.

1,6 tỷ bảng sẽ được chuyển cho các chính quyền địa phương để “tăng khả năng đối phó với những áp lực liên quan đến COVID-19” thông qua những dịch vụ cộng đồng, như tăng hỗ trợ cho đội ngũ lao động trong lĩnh vực chăm sóc xã hội, chăm sóc các đối tượng dễ bị tổn thương, người vô gia cư…

1,3 tỷ bảng sẽ được chi cho việc hỗ trợ những bệnh nhân đã qua điều trị và không cần chăm sóc đặc biệt có thể được cho xuất viện sớm.

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế Anh, khoản tiền này sẽ được trang trải cho “các chi phí tiếp theo cho những người trưởng thành sống phụ thuộc vào chăm sóc xã hội, những người cần hỗ trợ bổ sung khi đã xuất viện về nhà hoặc hồi phục trong cộng đồng hoặc các cơ sở chăm sóc xã hội.”

Khoản ngân sách bổ sung này được kỳ vọng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc  giúp đội ngũ nhân viên chăm sóc xã hội tại các hội đồng địa phương tiếp tục hỗ trợ và bảo vệ những đối tượng phụ thuộc vào hệ thống chăm sóc xã hội, qua đó trực tiếp giúp giải phóng thêm số giường bệnh tại các bệnh viện công để Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) có thêm nguồn lực đối phó dịch. 

Trong một diễn biến liên quan, NHS cũng đang hướng đến nhóm hơn 65.000 nhân viên y tế đã nghỉ hưu trong vòng 3 năm qua- gồm 50.000 y tá và hơn 15.500 bác sỹ -  tìm cách thuyết phục họ quay lại làm việc để giúp giảm áp lực điều trị cho hàng nghìn bệnh nhân nhiễm COVID-19./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục