Thủ tướng Bồ Đào Nha vẫn theo “kinh tế khắc khổ”

Thủ tướng Coelho khẳng định chính sách kinh tế khắc khổ rất cần thiết trong bối cảnh khó khăn, để đáp ứng yêu cầu của các chủ nợ.
Trong một nỗ lực khôi phục lòng tin sau khi Bồ Đào Nha rơi vào cuộc khủng hoảng chính trị do bất đồng sâu sắc về chính sách thắt lưng buộc bụng của chính phủ, ngày 22/7, Thủ tướng nước này, ông Pedro Passos Coelho, đã tái khẳng định tiếp tục theo đuổi các cuộc cải cách để đáp ứng yêu cầu của các chủ nợ quốc tế.

Phát biểu với báo giới tại thủ đô Lisbon, Thủ tướng Coelho nhấn mạnh rằng niềm tin của người dân dành cho chính phủ trong suốt hai năm qua đã bắt đầu suy giảm đôi chút, song ông cam kết sẽ nỗ lực để khôi phục lại bằng cách loại bỏ tất các nghi ngờ về quyết tâm của chính phủ trong việc thực hiện đến cùng chương trình hỗ trợ.

Bất chấp nhiều ý kiến cho rằng chính sách kinh tế khắc khổ mà chính phủ đang áp dụng mang tính cực đoan, Thủ tướng Coelho khẳng định chính sách này rất cần thiết trong bối cảnh khó khăn hiện nay của Bồ Đào Nha, vì thế cần phải tiếp tục đẩy mạnh các cuộc cải cách.

Để đổi lấy gói cứu trợ trị giá 78 tỷ euro (khoảng 101 tỷ USD) từ "bộ ba" chủ nợ quốc tế gồm Liên minh châu Âu (EU), Quỹ Tiền tế quốc tế (IMF) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Bồ Đào Nha buộc phải thực hiện các cuộc cải cách sâu rộng, trong đó có việc cắt giảm hàng nghìn việc làm trong ngành dịch vụ công.

Sự kiên quyết trong việc thực hiện các cam kết của Chính phủ Bồ Đào Nha đã nhận được đánh giá cao từ "bộ ba" chủ nợ quốc tế và làm dấy lên hy vọng nước này sẽ rút khỏi gói cứu trợ vào năm 2014, song lại khiến nước này rơi vào cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài suốt trong 2 tuần qua.

Thế bế tắc chính trị trên chính trường Bồ Đào Nha chỉ thực sự được khai thông khi ngày 22/7 Tổng thống nước này, người có quyền kêu gọi tổ chức tổng tuyển cử trước thời hạn, ông Cavaco Silva tuyên bố ủng hộ chính phủ của Thủ tướng Coelho và bác bỏ yêu cầu của phe đối lập.

Ngay lập tức, các thị trường đã có phản ứng tích cực. Trái phiếu chính phủ thời hạn 10 năm đã giảm từ mức 6,799% xuống còn 6,537% trong phiên mở cửa giao dịch sáng ngày 22/7, trong khi đó thị trường chứng khoán Lisbon cũng đã tăng 2,46% trong phiên giao dịch cùng ngày./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục