Tại cuộc gặp với các sinh viên Đại học Tbilisi ở thủ đô Tbilisi của Gruzia ngày 24/8, Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) không phải là kẻ thù của Nga.
Trong phát biểu được truyền hình trực tiếp trên các kênh truyền thông của Gruzia, Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định: "Nga là một quốc gia quan trọng và Đức luôn muốn có các mối quan hệ tốt với Nga. Châu Âu và Nga đã có sự hợp tác và học hỏi lẫn nhau rất hiệu quả và tôi muốn nhấn mạnh rằng Liên minh châu Âu (EU) và NATO không phải là kẻ thù của Nga."
Gruzia là điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du khu vực Nam Caucasus của Thủ tướng Đức Angela Merkel.
Sau Gruzia, điểm đến tiếp theo của bà trong những ngày tới sẽ là Armenia và Azerbaijan.
[Tổng thư ký NATO tái khẳng định chính sách song hành đối với Nga]
Cũng trong ngày 24/8, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã kêu gọi Armenia và Azerbaijan cần nhanh chóng tìm một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột lãnh thổ kéo dài giữa hai nước tại khu vực Nagorny Karabakh.
Phát biểu tại một cuộc họp báo diễn ra thủ đô Yerevan của Armenia trong ngày thứ hai của chuyến công du khu vực Nam Caucasus, Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh điều quan trọng là cuộc xung đột cần phải được giải quyết một cách hòa bình.
Bà Merkel cũng khẳng định Đức sẵn sàng tham gia đóng góp giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột kéo dài nhiều thập kỷ qua.
Nagorny-Karabakh là vùng đất nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, nhưng lại có đa số dân cư là người gốc Armenia sinh sống nên muốn ly khai để sáp nhập vào Armenia.
Điều này đã gây ra tranh chấp chủ quyền giữa hai nước mà đỉnh điểm là cuộc chiến tranh kéo dài từ tháng 2/1988 đến tháng 5/1994.
Bất chấp thỏa thuận ngừng bắn đạt được năm 1994 và nhiều cuộc đàm phán hòa bình sau đó với sự trung gian của Nhóm Minsk, xung đột vẫn xảy ra tại đây.
Giao tranh đã cướp đi sinh mạng của khoảng 30.000 người và khiến hàng nghìn dân thường vô tội, chủ yếu là người Azerbaijan, phải chạy lánh nạn.
Kể từ năm 2008, Azerbaijan và Armenia đã tổ chức hơn 10 cuộc gặp cấp cao để giải quyết vấn đề này, song chưa tìm được giải pháp do cả hai đều coi vùng lãnh thổ tranh chấp thuộc chủ quyền của mình và không chấp nhận các phương án hòa giải được đưa ra.
Cho đến nay, cộng đồng quốc tế vẫn xem Karabakh như là một phần lãnh thổ của Azerbaijan và không một quốc gia nào trên thế giới công nhận Karabakh là một quốc gia độc lập.
Là một quốc gia giàu năng lượng và có chi tiêu quân sự còn cao hơn cả ngân sách nhà nước của Armenia, Azerbaijan đã nhiều lần đe dọa sẽ lấy lại vùng Karabakh bằng vũ lực. Tuy nhiên, Armenia tuyên bố sẽ đập tan bất kỳ cuộc tấn công quân sự nào.
Dự kiến trong ngày 25/8, Thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ tới Azerbaijan để cùng thảo luận với giới chức chủ nhà về hợp tác năng lượng.
Động thái này được xem như một giải pháp thay thế cho nguồn cung cấp khí tự nhiên và dầu mỏ của Nga tới châu Âu./.